Mỹ yếu thế vẫn dọa trừng phạt Nord Stream-2 làm gì?

Biết khó trừng phạt Nord Stream-2 hiệu quả nhưng Mỹ vẫn đe dọa châu Âu: Yếu thế nhưng vẫn muốn có phần lợi ích.

Mới đây, nguồn tin từ chính quyền Mỹ cho biết đã bất lực trước dự án đường ống dẫn khí Nord Stream-2 của Nga. Điều này được thừa nhận ngay khi Washington tuyên bố ban hành các lệnh trừng phạt với dự án này và dự định ngăn chặn thực hiện các dự án khác của Nga gồm cả dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (Turkstream), liên quan đến đống minh thuộc khối NATO.

Mỹ trừng phạt châu Âu vì thống nhất xây dựng dự án Nord Stream-2, ở thế yếu vẫn muốn tranh giành thị phần năng lượng.

Mỹ trừng phạt châu Âu vì thống nhất xây dựng dự án Nord Stream-2, ở thế yếu vẫn muốn tranh giành thị phần năng lượng.

Việc Mỹ thừa nhận đã "thua" Nga trong chiến lược tác động đến châu Âu bằng năng lượng song vẫn ban bố các lệnh trừng phạt đã gây chú ý.

Thượng viện Mỹ hôm 17/12 đã phê duyệt dự thảo ngân sách quốc phòng trị giá 738 tỉ USD cho năm 2020, trong đó bao gồm các biện pháp trừng phạt các công ty xây dựng đường ống của dự án khí đốt Nga.

Các lệnh trừng phạt bao gồm thu hồi thị thực Mỹ và phong tỏa tài sản của những cá nhân này. Những cá nhân và thực thể bị trừng phạt sẽ có 30 ngày để chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, tổng thống cũng có thể từ bỏ các lệnh trừng phạt dựa trên những cân nhắc về an ninh quốc gia.

Các lệnh trừng phạt thực chất chỉ có tính đe dọa châu Âu hơn là các nỗ lực cần thiết để ngăn chặn dự án của Nga. Đó là lý do vì sao các quan chức Mỹ cũng thừa nhận trừng phạt là không thực sự mang lại hiệu quả.

Thay vì thực sự muốn kiềm chế tầm ảnh hưởng của Nga, lệnh trừng phạt mới của Mỹ được cho là sẽ khiến châu Âu thấy rằng Mỹ sẽ tìm mọi cách để ngăn Nga ảnh hưởng đến "an ninh năng lượng châu Âu", luôn luôn sẵn sàng bên cạnh đồng minh trong trường hợp nào.

Song đây cũng có thể là bằng chứng để EU thấy rằng, châu Âu vẫn "còn cơ hội" để khiến Mỹ trở nên hài lòng vì đã bất chấp các đe dọa để thực hiện dự án năng lượng với Nga. Dự án này đã gián tiếp làm cho Mỹ mất cơ hội phát triển thị phần tại thị trường năng lượng châu Âu. Trừng phạt châu Âu sẽ là một lời đe dọa buộc châu Âu phải thúc đẩy các dự án năng lượng khác với Mỹ hoặc đồng minh thân thiết của Mỹ trong khu vực, bao gồm tiếp tục thúc đẩy trung chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine và chuyển đổi sử dụng khí hóa lỏng thay vì khí đốt.

Lệnh trừng phạt của Mỹ dẫu khó tác động trực tiếp đến Nord Stream-2, thay vì đó sẽ tác động gián tiếp đến dự án này, ngăn nó hoạt động với công suất tối đa.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko mới đây đã chỉ trích trừng phạt của Mỹ, gọi đó là động thái can thiệp vào chính sách năng lượng của Châu Âu.

“Chúng tôi nghĩ rằng điều này là không thể chấp nhận được, bởi suy cho cùng đây là một động thái nhằm tác động đến các quyết định tự quyết của Châu Âu. Chính sách năng lượng của Châu Âu được quyết định ở Châu Âu chứ không phải ở Mỹ” - Ngoại trưởng Đức Maas nói.

Nghị sĩ Quốc hội Đức Andreas Nick nói với hãng DW rằng "đây là vấn đề chủ quyền quốc gia, và trừng phạt có thể gây trở ngại cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Luật mới của Mỹ nhắm vào các công ty có trụ sở tại Tây Âu. Công ty Allseas của Hà Lan-Thụy Sĩ, được Gazprom thuê để xây dựng đường ống ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch, cũng có thể bị trừng phạt.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-yeu-the-van-doa-trung-phat-nord-stream-2-lam-gi-3393604/