Mỹ xem xét lập 'Vùng cấm bay hạn chế' trên bầu trời Ukraine

Mỹ có thể thiết lập một vùng cấm bay hạn chế trên lãnh thổ Ukraine, Tổng thống Biden đã nhận được đề xuất từ một nhóm cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc.

Vùng cấm bay hạn chế trên bầu trời Ukraine có thể là bước đi sẽ được Mỹ thực hiện trong thời gian tới, mục đích vừa để đáp ứng yêu cầu từ phía Kiev, vừa không đẩy căng thẳng với Nga lên quá cao.

Vùng cấm bay hạn chế trên bầu trời Ukraine có thể là bước đi sẽ được Mỹ thực hiện trong thời gian tới, mục đích vừa để đáp ứng yêu cầu từ phía Kiev, vừa không đẩy căng thẳng với Nga lên quá cao.

Mới đây một nhóm gồm 27 quan chức cấp cao của ngành ngoại giao và quân đội đã viết một lá thư cho Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó đề xuất tạo ra một "vùng cấm bay hạn chế" trên lãnh thổ Ukraine.

Theo quan điểm của họ, máy bay Mỹ nên che chở cho các hành lang nhân đạo mà Kiev và Moskva đã thống nhất, ngăn chặn những tình huống xung đột phát sinh nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho dân thường.

Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng được khuyến cáo nên thông báo với Điện Kremlin rằng nước Mỹ không muốn xảy ra một cuộc đối đầu với Nga, nhưng cũng không có ý định dung túng cho các cuộc tấn công của quân đội Nga vào khu vực dân sự.

"Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden cùng với các đồng minh NATO khẩn trương thực hiện vùng cấm bay hạn chế trên lãnh thổ Ukraine".

"Bước đi trên sẽ được bắt đầu bằng việc bảo vệ những hành lang nhân đạo đã được thống nhất trong cuộc đàm phán giữa các quan chức Nga và Ukraine hôm thứ Năm, ngày 3/3", bức thư nêu rõ.

Ý tưởng tạo ra một khu vực cấm bay hạn chế trên bầu trời Ukraine được ủng hộ bởi các tổ chức xã hội nổi tiếng của Mỹ, cũng như từ các cựu quan chức ở cấp quyền lực cao nhất.

Danh sách bao gồm: cựu đại diện Mỹ tại Ukraine Kurt Volker, Tướng Philip Breedlove, cựu điều phối viên trừng phạt của Bộ Ngoại giao Daniel Fried, các cựu đại sứ Mỹ tại Kyiv John Herbst và William Taylor, cựu đại sứ Mỹ tại Moskva Alexander Vershbow... Tổng cộng, 27 người đã ký vào lá thư.

Trước đó, Tổng thống Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Austin Lloyd cho biết, Tổng thư ký NATO Stoltenberg xác nhận rằng cả Mỹ và NATO đều không muốn đối đầu với Nga, và do đó họ sẽ không can thiệp vào hoạt động đặc biệt đang được thực hiện trên lãnh thổ Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng, Moskva sẽ không dung thứ cho sự can thiệp vào hoạt động đặc biệt và sẽ coi bất kỳ nỗ lực nào của các nước khác nhằm thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine là sự tham gia vào hành động thù địch, sẽ gây ra hậu quả tai hại cho toàn thế giới.

Trong diễn biến khác, Mỹ đã thông qua một gói trừng phạt chống lại Nga thông qua việc chặn nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Điều này đã được Tổng thống Joe Biden tuyên bố trong thông điệp video của mình.

Washington tuyên bố sẽ không còn mua dầu và các nguồn năng lượng khác từ Nga. Như ông Biden giải thích, lý do của điều này là do tình hình ở Ukraine, trong đó "Nga phải chịu trách nhiệm".

Như Tổng thống Mỹ giải thích, quyết định đã được thông qua tại Quốc hội và cả hai đảng Cộng hòa cũng như Dân chủ đều bày tỏ sự đồng tình. Nga hiện đứng thứ ba sau Canada và Mexico về nguồn cung dầu cho Mỹ.

Tuy nhiên Mỹ cũng phải thừa nhận rằng việc bỏ dầu của Nga sẽ dẫn đến giá xăng tăng mạnh và kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, giá xăng đã tăng lên 4,17 USD / gallon (3,785 lít).

Đây là mức tăng tối đa trong lịch sử nhưng có thể không phải là giới hạn cuối cùng, Washington thừa nhận. Tuy nhiên Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ "giảm thiểu việc tăng giá". Biện pháp được đưa ra có thể là Mỹ sẽ nới lỏng lệnh cấm vận với Iran và Venezuela.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/my-xem-xet-lap-vung-cam-bay-han-che-tren-bau-troi-ukraine-post497864.antd