Mỹ xem xét điều luật chống OPEC

Nếu Quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật có tên Đạo luật không sản xuất và xuất khẩu dầu (No Oil Producing and Exporting Cartels Act – NOPEC), điều này có thể kích thích giá dầu tăng mạnh trên thị trường thế giới, theo lời Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ R. Perry tại một cuộc họp báo ở Washington ngày 1/3.

Được biết, NOPEC là một dự luật chống cartel, với những nội dung chính như sau: sửa đổi Đạo luật Sherman (luật chống độc quyền của Mỹ) và trao quyền cho các tòa án Hoa Kỳ xem xét các chính sách chống độc quyền đối với OPEC và các quốc gia khác có quan hệ hợp tác với tổ chức này để tác động đến giá cả trên thị trường dầu mỏ thế giới. Ngoài ra, NOPEC cũng quy định rằng bất kỳ hành động chung nào của các chính phủ khác nhau nhằm hạn chế sản xuất dầu để tác động đến giá dầu đều bị coi là bất hợp pháp.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ R. Perry

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ R. Perry

Dự luật NOPEC được soạn thảo từ đầu thập niên 2000 và trong gần 20 năm qua liên tục được trình Quốc hội xét duyệt nhưng cho đến nay vẫn chưa được thông qua.

Năm 2007, trong thời gian G. Bush (con) làm tổng thống, một trong những phương án của NOPEC đã được Thượng viện và Hạ viện chấp thuận. Nhưng dự luật này không được gửi đi lấy chữ ký của tổng thống, vì George Bush cảnh báo rằng ông sẽ áp dụng quyền phủ quyết.

Dưới thời Tổng thống D. Trump, những người ủng hộ NOPEC lại một lần nữa đề nghị Quốc hội thông qua để dự luật này trở thành đạo luật và được chính phủ Mỹ áp dụng trong thực tế.

Theo nhiều cách, hoạt động của họ được hỗ trợ bởi chính quan điểm của D. Trump, người đã nhiều lần chỉ trích OPEC với việc cáo buộc tổ chức này tăng giá dầu một cách giả tạo.

Trong bối cảnh đó, vào đầu tháng 2 năm 2019, NOPEC đã được Ủy ban pháp lý của Hạ viện chấp thuận.

Nhưng Bộ trưởng Năng lượng R. Perry đã hoài nghi về NOPEC và kêu gọi hãy thận trọng.

Theo R. Perry, dự luật có thể có tác động gây những hậu quả vượt xa các mục tiêu ban đầu của nó; trong ngắn hạn, NOPEC thực sự sẽ có tác động có thể dự đoán được đối với OPEC, nhưng về lâu dài, nó có thể có tác động đến việc tăng giá năng lượng một cách nghiêm trọng, trong khi đó nếu giá dầu không bình ổn sẽ dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực.

Được biết, Bộ trưởng R. Perry luôn ủng hộ việc ổn định giá cả liên quan trực tiếp đến nguồn cung cấp năng lượng. Theo ông, nếu quy định giá bị loại bỏ và không có sự phối hợp trong mối quan hệ cung – cầu, giá cả trên thị trường thế giới sẽ rơi vào tình trạng không thể kiểm soát.

Một xác nhận gián tiếp về mối nguy hiểm lâu dài của NOPEC là các động thái hiện nay của Qatar.

Đầu tháng 12 năm 2018, Qatar tuyên bố rút khỏi OPEC, giải thích rằng do nguồn tài nguyên dầu mỏ của mình đã gần như cạn kiệt.

Đồng thời, Qatar bắt đầu quan tâm sâu rộng đến lĩnh vực khí đốt, bao gồm cả ở Mỹ.

Nhưng theo giới quan sát, thực ra, để tránh rơi vào những hạn chế mà NOPEC áp đặt đối với các nước OPEC, Qatar đã chọn cách rời khỏi tổ chức này.

Bá Thủy

RT

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/my-xem-xet-dieu-luat-chong-opec-529090.html