Mỹ với chiến lược bán vũ khí 'hết đát' cho đồng minh

Bị ghẻ lại hoặc hết hạn sử dụng ở trong nước nhưng Mỹ vẫn thuyết phục đồng minh móc hầu bao mua sắm những loại vũ khí này của mình.

Nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin vừa đạt được thỏa thuận với Hy Lạp về thương vụ tàu chiến đa năng (MMSC).

"Chúng tôi đang rất tích cực làm việc để đi đến ký kết hợp đồng chính thức hợp đồng cung cấp lớp tàu chiến đa năng tối tân cho khách hàng Hy Lạp", nhà sản xuất Mỹ tuyên bố hôm 14/3.

Hiện còn quá sớm để nói về số lượng tàu MMSC Hy Lạp mua về nhưng con số này không hề ít, Lockheed Martin cho biết thêm. Ngay khi thông tin về thương vụ chiến hạm với đồng minh NATO này được Mỹ công bố đã khiến giới chuyên gia rất bất ngờ bởi MMSC chính là phiên bản xuất khẩu của tàu chiến ven bờ LCS tại Mỹ.

Chiến hạm MMSC.

Chiến hạm MMSC.

Đây là lớp tàu để lại quá nhiều tai tiếng trong thời gian ngắn hoạt động và đã bị Hải quân Mỹ tuyên bố ngừng mua mới. Mặc dù vậy, nhà sản xuất Mỹ vẫn khẳng định, MMSC là lớp tàu dễ vận hành, hiệu quả cao với hệ thống hỏa lực có thể đối phó với nhiều mục tiêu khác nhau.

MMSC có tầm hoạt động lên tới 5.000 hải lý, tốc độ tối đa 30 hải lý/h. Tàu được trang bị công nghệ của hệ thống chiến đấu Aegis, vũ khí của tàu gồm pháo 57mm Mk110, hệ thống phòng thủ tầm gần SeaRAM, tên lửa chống hạm... Bất chấp hệ thống hỏa lực khá ấn tượng, sức mạnh và khả năng chiến đấu đấu của MMSC vẫn bị nghi ngờ.

Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp duy nhất Mỹ bán vũ khí bị cho là "phế thải" cho những quốc gia thân thiết. Ukraine là quốc gia hiểu rõ nhất vấn đề này khi ông Oleg Korostelyov, lãnh đạo của Cục Thiết kế Quốc phòng Luch, Mỹ đã bán tên lửa Javelin hết hạn cho Ukraine, vì vậy chúng không thể khai hỏa.

Thông tin được ông Oleg Korostelyov cho biết trong một bức thư gửi người đứng đầu Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Alexandr Turchinov. "Hóa ra là thời hạn vận hành động cơ đã kết thúc, nhưng người ta đã kéo dài bằng một quyết định đặc biệt trước khi gửi sang Ukraine", ông Oleg Korostelyov nói về tên lửa hết hạn Javelin.

Tuyên bố của vị chuyên gia đầu ngành của Ukraine đưa ra sau khi quân đội nước này thực hiện một cuộc diễn tập có bắn đạn thật, trong đó có sự tham gia của tên lửa chống tăng Javelin mới được Mỹ chuyển giao. Nhưng Javelin đã không thể khai hỏa.

Không được đánh giá cao như Javelin nhưng tại thời điểm năm 2015, tên lửa AT-4 cũng từng mang đến nhiều hy vọng cho quân đội Ukraine khi Mỹ đồng ý bán vũ khí này cho Kiev. Nhưng cũng giống như Javelin, hệ thống AT-4 đã bị Mỹ cho loại biên toàn bộ, loại vũ khí này chỉ còn trong trang bị của một số nước đồng minh thân cận của Mỹ.

Tuy nhiên, bài học về việc mua vũ khí "tối tân" của Mỹ với Ukraine vẫn chưa dừng lại ở đó bởi RQ-11B Raven mới chính là thương vụ khiến Ukraine nhớ nhất. Có tổng cộng 72 chiếc RQ-11B được Mỹ chuyển giao cho Ukraine vào mùa hè năm 2016.

Ngay khi nhận được loạt UAV được Mỹ quảng cáo là tối tân này, Ukraine bắt đầu phàn nàn về chất lượng và hiệu quả của chúng khi hoạt động. Ukraine cho rằng số UAV trị giá hàng triệu USD do Mỹ cung cấp cho quân đội nước này trong cuộc chiến chống lại lực lượng ly khai ở miền Đông đang chứng minh sự không hiệu quả trong việc gây nhiễu và tấn công mạng máy tính của đối phương.

Natan Chazin, cố vấn quân đội Ukraine cho biết, những chiếc UAV Raven RQ-11B Analog đang thực sự gây thất vọng. Ông Chazin nhấn mạnh: "Ngay từ đầu, việc sử dụng những chiếc UAV của Mỹ trong cuộc chiến này là một quyết định sai lầm".

Chính vì vậy, phần lớn UAV Mỹ đang được cất trong kho vì nhược điểm khi hoạt động khiến cho đối phương nắm được các vị trí đóng quân của quân đội Ukraine, đồng thời dễ dàng bị tiêu diệt. Ngoài ra, Raven RQ-11B Analog chỉ hoạt động được trong thời gian ngắn và không đáng tin cậy để thực hiện các nhiệm vụ thu thập tin tức tinh báo về trận địa pháo của phe ly khai.

Vị đại diện của Không quân Ukraine khẳng định, RQ-11B Analog của Mỹ có nhược điểm lớn là dễ bị lực lượng ly khai bắn hạ cũng như can thiệp vào hệ thống điều khiển.

Trước thực tế này, James Lewis, giám đốc chương trình công nghệ chiến lược thuộc trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tuyên bố: "RQ-11B Analog về cơ bản đang đưa bạn về thời kỳ đồ đá của thời đại máy bay không người lái".

Điều khá bất ngờ là dù gây thất vọng lớn tại Ukraine nhưng bằng nhiều cách khác nhau, Mỹ vẫn kiếm thêm được hợp đồng cung cấp số lượng lớn RQ-11B cho quân đội Philippines hồi năm 2017.

Về danh nghĩa, hiện RQ-11B chỉ được trang bị tại quân đội Mỹ, Ukraine và Philippines nhưng hiện tại UAV này chỉ còn được vận hành tại Manila trong khi Mỹ và Ukraine đều đã cho lưu kho.

Được biết, RQ-11B Analog là mẫu máy bay không người lái trinh sát hạng nhẹ. Một hệ thống RQ-11B Analog bao gồm 4 UAV, hai bộ điều khiển và thiết bị thay thế.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/my-voi-chien-luoc-ban-vu-khi-het-dat-cho-dong-minh-3429036/