Mỹ vẫn phải lệ thuộc vào Rosatom

Ngành công nghiệp uranium của Mỹ không thể phát triển nếu hạn chế nhập khẩu nguyên liệu thô của Nga

 Ảnh: Rosatom / Global Look Press.com

Ảnh: Rosatom / Global Look Press.com

Hoa Kỳ có thể hạn chế đáng kể nhập khẩu uranium từ Nga. Các thượng nghị sĩ John Barrasso và Martin Heinrik đã đệ trình lên Quốc hội Mỹ một dự luật kêu gọi cắt giảm nguồn nhập nguyên liệu thô của Nga, ít nhất là cho đến năm 2040.

Đảng viên đảng Cộng hòa Barrasso, đại diện cho bang Wyoming, nơi tập trung trữ lượng quặng uranium lớn nhất của Mỹ, cho rằng nhiên liệu hạt nhân giá rẻ của Nga đang "phá hoại" hoạt động sản xuất tài nguyên này của Mỹ.

Ngoài ra, Nga còn bị cáo buộc sử dụng uranium như một "vũ khí địa chính trị", gây ra mối đe dọa cho cả năng lượng và an ninh quốc gia của Mỹ.

Do đó, dự thảo luật mới quy định giảm một cách có hệ thống khối lượng hạn ngạch cung cấp uranium làm giàu thấp từ Nga từ 595,7 tấn vào năm 2021 xuống còn 267,7 tấn vào năm 2040. Theo thượng nghị sĩ Mỹ, điều đó sẽ tạo cơ hội "hồi sinh và tăng cường sản xuất uranium của Mỹ."

Tuy nhiên, bản thân đề xuất các biện pháp hạn chế được đưa ra không phải là mới. Các kế hoạch tương tự đã được Bộ Năng lượng Mỹ công bố trước đó. Vì lý do an ninh quốc gia, người ta có ý định hạn chế (thậm chí cấm hoàn toàn) việc nhập khẩu uranium của Nga.

Ngoài ra, luật của Mỹ về việc tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga - cái gọi là "Đạo luật bảo vệ an ninh Mỹ chống hành động xâm lược của Điện Kremlin năm 2018" cũng bao gồm một điều khoản về hạn chế nhập uranium làm giàu thấp từ Nga.

Nhưng liệu Hoa Kỳ có thể làm được gì nếu không có những nguồn cung cấp như vậy, trong bối cảnh một phần đáng kể uranium mà các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ tiêu thụ được làm từ nguyên liệu thô của Nga?

Ông Alexei Anpilogov - Chủ tịch Quỹ nghiên cứu khoa học “Osnovanie”, một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, lý giải:

- Đã có thời kỳ có một chương trình Nga-Mỹ liên quan đến việc chuyển đổi uranium quân sự được làm giàu cao của Nga thành uranium làm giàu thấp phù hợp để làm nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân.

Chương trình này đã kết thúc cách đây 7 năm. Nhưng việc cung cấp uranium được làm giàu cao cho Hoa Kỳ vẫn tiếp tục.

Thực tế là các nhà máy điện nguyên tử của Nga không thể sử dụng hết các kho dự trữ uranium được làm giàu cao của Liên Xô. Do đó, thị trường Mỹ với hàng trăm lò hạt nhân phát điện trở nên khá hấp dẫn.

- Bản thân uranium tự nhiên không cháy trong các lò hạt nhân. Ngày nay, chỉ Canada mới có các lò có thể đốt uranium tự nhiên - chúng được gọi là “lò phản ứng CANDU”. Còn ở Hoa Kỳ, tất cả các lò phản ứng đều chạy bằng uranium làm giàu thấp này.

Điều này không nên nhầm lẫn với quá trình chế biến quặng. Tức là, khi quặng đã được làm giàu thì sẽ thu được một lớp cặn màu vàng (tinh quặng uranium ở dạng bột).

Đây là những gì được chuyển đổi thành uranium hexafluoride, sau đó được làm giàu trong máy ly tâm khí, tách các đồng vị.

"Quá trình làm giàu" thực tế chỉ được gọi là sự phân tách các đồng vị thành uranium-235 và uranium-238.

Trong ba mươi năm qua, hoạt động khai thác uranium của Hoa Kỳ gần như đã sụp đổ. Hiện nay, lượng uranium do khai thác trong nước chỉ chiếm chưa đến 10% lượng tiêu thụ của Mỹ. Phần còn lại được nhập từ Liên bang Nga, Kazakhstan, Canada, Australia.

Nhưng mấu chốt của vấn đề là các "vòi bạch tuộc" của Rosatom vươn ra khắp nơi. Có một công ty quốc tế tên là Uranium One (Uranium-1), trong đó Rosatom là đồng sáng lập và có cổ phần kiểm soát.

Uranium của Kazakhstan cũng được cung cấp bởi Uranium One. Công ty này bán uranium của Kazakhstan, nhưng thực tế đó lại chính là uranium do một công ty của Nga sản xuất ở Kazakhstan.

Vấn đề là việc làm giàu này được tiến hành trong máy ly tâm khí. Liên Xô tồn đọng rất nhiều máy ly tâm, và sự dư thừa này được Liên bang Nga kế thừa hoàn toàn.

Hiện nay có nhiều nơi khai thác nguyên liệu thô uranium nhưng tất cả các máy ly tâm khí đều nằm trên lãnh thổ Nga. Chúng được sản xuất ở Nga, và các nhà máy đã được lắp đặt ở đây, và về máy ly tâm, Nga chiếm khoảng 30 - 40% tổng thị trường.

Có thể nói, Nga có năng lực còn nhiều hơn nhu cầu của cả thế giới vào lúc này. Còn Hoa Kỳ không có cơ sở làm giàu uranium của riêng mình. Những công ty đặt trên lãnh thổ Hoa Kỳ là của các công ty châu Âu. Hoa Kỳ không có máy ly tâm của riêng họ.

Nghĩa là, Hoa Kỳ có thể từ chối uranium của Nga. Và nếu họ muốn thay thế bằng một công ty của Úc chẳng hạn, thì có thể, đến một nửa lượng uranium của Úc được sản xuất bởi Uranium One, một công ty của Nga hoạt động trong các mỏ của Úc.

Tại sao Mỹ không tự chế tạo các máy ly tâm cần thiết để làm việc này? Thứ nhất, không thể thực hiện việc này một cách nhanh chóng. Ngoài ra, rất khó để triển khai khai thác uranium tại bất kỳ mỏ mới nào. Chính Canada cũng không thể nâng cao năng lực khai thác vì ở đó tuy có rất nhiều uranium, nhưng nằm ở rất sâu.

Còn một yếu tố khác nữa là giá nguyên vật liệu. Tại sao các công ty Uranium One và Kazatomprom bán uranium của Kazakhstan khá chạy? Bởi vì Nga có công nghệ lọc uranium dưới lòng đất: Người ta bơm axit vào lớp uranium, sau đó tất cả được hút ra ngoài, không cần dùng đến máy xúc.

Nghĩa là, ở mọi giai đoạn Nga đều có lợi thế riêng, mà Hoa Kỳ không thể tạo ra trong chốc lát. Và khi sử dụng các công nghệ của mình, chi phí được giảm đáng kể.

Giá thành rất quan trọng đối với uranium. Ngoài việc sử dụng chúng trong các đầu đạn thì trong các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân cũng đòi hỏi nguồn điện rẻ và ổn định. Vấn đề giá thành do công nghệ quyết định và Nga thì có công nghệ này.

Tất nhiên, Mỹ lo ngại rằng ngành công nghiệp hạt nhân của họ đã thực sự tàn lụi trong hàng thập kỷ. Nhưng họ không thể vượt qua nếu không có Nga. Đó là lý do tại sao họ đưa ra mức giảm hạn ngạch kéo dài như vậy.

Nếu bây giờ Mỹ cố gắng loại Nga ra khỏi thị trường thì đồng nghĩa với việc họ phải thay đổi kế hoạch cung cấp sang thị trường Mỹ. Nhưng Rosatom sẽ tạo ra một số liên doanh với Úc hoặc Canada.

Một mặt, các nước này sẽ quan tâm đến một thị trường Mỹ rất tiềm năng. Mặt khác, nếu không có Nga, họ cũng không thể cung cấp uranium cho thị trường này với mức giá tương ứng.

Có một lựa chọn khác: giả sử Hoa Kỳ chấp nhận việc tăng gấp đôi chi phí uranium. Nhưng điều này sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực năng lượng.

Tất nhiên, Mỹ có thể nói rằng “chúng tôi sẽ không lấy uranium của Nga, thậm chí sẽ không mua nó từ các nước thứ ba”, nhưng điều này có nghĩa là sẽ tăng biểu giá đối với ngành năng lượng của Mỹ. Điều mà các cử tri Mỹ sẽ không cho phép.

Nguyễn Quang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-van-phai-le-thuoc-vao-rosatom-3420108/