Mỹ vẫn duy trì trừng phạt Iran kể cả khi...

Hàng trăm lệnh trừng phạt đối với Iran nhiều khả năng sẽ vẫn được duy trì ngay cả sau khi đã đạt được thỏa thuận hạt nhân đa phương.

Trang chuyên về sự kiện và bình luận Trung Đông Middle East Eye đưa tin, phát biểu trước Ủy ban Phân bổ ngân sách của Thượng viện vào hôm thứ Ba, ông Blinken khẳng định Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với Tehran để đổi lấy việc nước này quay trở lại tuân thủ chấp hành thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nhưng "hàng trăm” lệnh trừng phạt khác liên quan đến hành vi "gây bất ổn" của họ sẽ vẫn còn hiệu lực.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trong phiên điều trần của Ủy ban Phân bổ ngân sách của Thượng viện trên Đồi Capitol ở Washington vào thứ Ba ngày 8 tháng 6, 2021 (Nguồn: AFP)

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trong phiên điều trần của Ủy ban Phân bổ ngân sách của Thượng viện trên Đồi Capitol ở Washington vào thứ Ba ngày 8 tháng 6, 2021 (Nguồn: AFP)

Dẫn lời ông Blinken: "Chúng tôi vẫn chưa thể chắc chắn liệu Iran có sẵn sàng tuân thủ thỏa thuận ở giai đoạn nhạy cảm này hay không. Câu trả lời vẫn còn để ngỏ và cần được giám sát nghiêm ngặt”

"Tôi dự đoán ngay cả trong trường hợp Tehran quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân thì hàng trăm lệnh trừng phạt khác sẽ vẫn được áp dụng, bao gồm cả các lệnh trừng phạt do chính quyền tổng thống Trump áp đặt, và chỉ được dừng lại khi Iran thực hiện thay đổi trong những nước đi tiếp theo của họ”

Phát ngôn của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ được đưa ra chỉ vài ngày sau khi phái đoàn của ông rời Vienna, nơi vòng đàm phán gián tiếp thứ năm với Iran kết thúc.

Theo các quan chức Iran, nhiều "bước tiến đáng kể" giúp đi đến thỏa thuận cuối cùng đã được thống nhất, tuy nhiên sẽ phải đợi cho đến khi chính quyền tổng thống mới của Iran lên nắm quyền vào tháng 8 thì thỏa thuận này mới có khả năng được củng cố vững chắc.

“Iran hướng tới hòa bình cho khu vực”

Ở một diễn biến khác, vào hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã viết trên Twitter rằng đã đến lúc chính quyền của tổng thống Mỹ John Biden cần "thay đổi hướng đi" và không nên thực hiện theo các biện pháp do chính quyền Trump từng đưa ra trước đó.

“Vẫn chưa rõ liệu tổng thống Biden và Ngoại trưởng Blinken đã sẵn sàng chôn vùi vào dĩ vãng chính sách “Áp lực tối đa” từng thất bại của cựu tổng thống Trump và cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, đồng thời ngừng sử dụng biện pháp “Khủng bố kinh tế” để thúc đẩy thương lượng hay chưa”

Sau đó một ngày, ông Zarif tiếp tục đăng trạng thái về "các cuộc đàm phán diễn ra hiệu quả" mà ông vừa hoàn thành với các đặc phái viên của Liên Hợp Quốc tại Yemen và Afghanistan, khẳng định "Iran luôn hướng tới hòa bình và ổn định trong khu vực" và "sẵn sàng tạo điều kiện để đảm bảo hòa bình".

Trong bài phát biểu hôm thứ Ba nêu trên, ông Blinken không cung cấp chi tiết về việc các biện pháp trừng phạt cụ thể nào sẽ vẫn còn hiệu lực hay hoạt động tại các khu vực nào mà Iran sẽ cần phải chấm dứt.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân dưới thời ông Obama, được gọi chính thức là JCPOA, vào năm 2018, đồng thời tiến hành áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế Iran.

Trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống, chính quyền Trump đã ban hành một loạt lệnh trừng phạt phi hạt nhân hóa đối với nhiều lĩnh vực khác nhau của Iran.

Tổng thống John Biden, người từng hứa tái gia nhập hiệp định hạt nhân sau khi chiến dịch tranh cử kết thúc, nay lại kêu gọi Iran tiến hành tuân thủ thỏa thuận để đổi lấy sự tái tuân thủ này từ phía Mỹ.

Trong khi đó, các quan chức Iran đã bác bỏ lời kêu gọi của ông Biden và chỉ ra rằng, chính Mỹ là nước đã rời bỏ thỏa thuận từ lâu trước khi Tehran chọn bắt đầu biện pháp tăng cường làm giàu Urani với hy vọng gây áp lực trở lại lên chính quyền Trump.

Nhật An

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-van-duy-tri-trung-phat-iran-ke-ca-khi-3433560/