Mỹ vận động chống hàng gắn mác 'Made in USA' giả mạo

Các doanh nghiệp tại Mỹ đang kêu gọi các nhà chức trách hành động cứng rắn hơn để chống lại các công ty sản xuất hàng gắn mác 'Được sản xuất tại Mỹ' (Made in USA) giả mạo.

 Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ chỉ cho phép các công ty gắn mác “Made in USA”, hay “Made in America” lên sản phẩm của họ nếu gần như linh kiện, thành phần, nguyên liệu của sản phẩm được sản xuất tại Mỹ. Ảnh: DPA

Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ chỉ cho phép các công ty gắn mác “Made in USA”, hay “Made in America” lên sản phẩm của họ nếu gần như linh kiện, thành phần, nguyên liệu của sản phẩm được sản xuất tại Mỹ. Ảnh: DPA

Kêu gọi chế tài cứng rắn

Hôm 20-11, tờ The Wall Street Journal đưa tin Liên minh sản xuất Mỹ (AAM), đại diện cho các nhà sản xuất hàng đầu ở Mỹ, đang kiến nghị Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) đưa ra các các biện pháp buộc các công ty lần đầu bị phát hiện sử dụng nhãn mác “Được sản xuất tại Mỹ” giả mạo phải nộp phạt hoặc ít nhất thừa nhận vi phạm. Chính sách bấy lâu nay của FTC chỉ phạt các công ty gắn mác Mỹ giả mạo cho các sản phẩm vi phạm thứ hai.

Chủ tịch AAM Scott Paul nói: “Khi bạn thấy Tổng thống Donald Trump thường xuyên kêu gọi bảo vệ hàng hóa “Made in USA” và ngành sản xuất trong nước, dường như đây là thời điểm thích hợp để khuyến khích FTC tích cực hơn về việc thực thi pháp luật”.

Hồi tháng 9, FTC đã ra phán quyết xử lý ba công ty sử dụng nhãn mác Mỹ giả mạo, bao gồm một công ty sản xuất ba lô phong cách quân đội, một công ty sản xuất bóng của môn khúc côn cầu trên băng và một nhà bán lẻ nệm trực tuyến. FTC đã ra lệnh ba công ty này ngưng tiếp thị các sản phẩm của họ là hàng “Được sản xuất tại Mỹ” nhưng lại không xử phạt hoặc buộc họ thừa nhận vi phạm.

Kể từ năm 2010, FTC đã ra 135 quyết định cảnh báo vi phạm và khởi kiện 10 công ty gắn nhãn mác “Được sản xuất tại Mỹ” gian dối, song chỉ một công ty bị phạt tiền vì vi phạm lần thứ hai. Các sản phẩm gắn nhãn giả mạo từ lâu là mối phiền toái của các nhà sản xuất Mỹ vì họ xem nhãn mạc có dòng chữ “Made in USA” là một lợi thế cạnh tranh và là niềm tự hào về chất lượng hàng hóa Mỹ. Nhiều sản phẩm gắn nhãn mác Mỹ giả mạo được sản xuất tại Trung Quốc và các nhà sản xuất Mỹ xem thời điểm hiện nay là cơ hội để tận dụng sự ủng hộ của Tổng thống Trump khi Washington và Bắc Kinh vẫn bị kẹt trong cuộc chiến tranh thương mại gay gắt.

Các ủy viên của FTC được Tổng thống Mỹ ủy nhiệm nhưng cơ quan này hoạt động độc lập và ông Trump không thể yêu cầu FTC thay đổi các chính sách. Trong các phán quyết hồi tháng 9 chống lại ba công ty sử dụng nhãn mác Mỹ giả mạo, các ủy viên FTC cho biết họ đang cân nhắc liệu có nên áp dụng các biện pháp chế tài mới hay không đối với các công ty vi phạm. Cơ quan này không giải thích chính xác các biện pháp chế tài mới là gì nhưng cho biết chúng có thể liên quan đến bồi thường tiền hoặc thông báo vi phạm cho các khách hàng.

Biện pháp tiếp cận cứng rắn hơn đối với các công ty sử dụng nhãn mác Mỹ giả mạo vi phạm lần đầu có thể tạo ra tác động răn đe mạnh, theo Michael Taylor, đối tác ở hãng luật King & Spalding. Theo ông, FTC biết rõ những sai phạm của các công ty gắn nhãn mác Mỹ giả mạo cho các sản phẩm của họ nhưng cơ quan này lại không xử lý mạnh tay đối với những công ty vi phạm lần đầu.

Cuộc vận động các biện pháp chế tài quyết liệt hơn nhằm vào các sản phẩm gắn nhãn mác Mỹ giả mạo cũng đang nhận được sự ủng hộ từ quốc hội Mỹ. Hồi tháng 10, ba thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Sherrod Brown, Tammy Baldwin và Christopher Murphy đã gửi thư cho Chủ tịch FTC Joe Simons, kêu gọi chấm dứt các cách giải quyết “không phạt tiền, không yêu cầu thừa nhận vi phạm” đối với các công ty này.

Hàng “Made in USA” được chuộng hơn

Các công ty phải tốn chi phí cao hơn khi sản xuất sản phẩm của họ tại Mỹ nhưng họ cho rằng sản phẩm được gắn nhãn mác Mỹ tạo lợi thế thu hút người tiêu dùng. Wyatt Bassett, Giám đốc điều hành Công ty đồ nội thất gỗ Vaughan - Bassett Furniture, có nhà máy sản xuất ở bang Virginia, nói rằng các nhà bán lẻ của công ty này cho biết khách hàng có nhu cầu lớn hơn đối những sản phẩm được sản xuất tại Mỹ.

Một cuộc khảo sát của tạp chí Consumer Reports vào năm 2015 cho thấy 80% người tiêu dùng Mỹ nói rằng họ thích mua các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ hơn và hơn 60% cho biết họ sẵn sàng trả cao hơn 10% để mua các sản phẩm gắn nhãn mác Mỹ. Liệu thị hiếu chuộng sản phẩm được sản xuất Mỹ của người tiêu dùng có mang lại lợi thế doanh thu lớn đối với các công ty Mỹ hay không vẫn còn là điểm còn tranh cãi.

“Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy sản phẩm gắn nhãn mác Mỹ tạo ra hiệu ứng đối với người mua sắm”, Mary Lovely, Giáo sư nghiên cứu kinh tế quốc tế ở Đại học Syracuse New York, nói. Bà cho biết người tiêu dùng dường như muốn sản phẩm giá thấp hơn là sản phẩm gắn nhãn mác Mỹ. Bà cũng cho hay, người tiêu dùng có xu hướng cố gắng tiết kiệm ngân sách chi tiêu khi thu nhập hộ gia đình ở Mỹ nhìn chung không tăng nhanh trong 15-20 năm qua. Hành vi vi phạm gắn nhãn mác Mỹ giả mạo vẫn tiếp diễn cho thấy nhiều nhà sản xuất vẫn tin rằng nhãn mác Mỹ sẽ giúp sản phẩm bán chạy hơn hoặc được giá hơn. Mary Lovely lưu ý rằng các quy định xung quanh gắn nhãn mác Mỹ có thể rất rối rắm và nhiều công ty có thể vi phạm chúng mà không biết.

Theo chính sách của FTC, các công ty chỉ được gắn nhãn mác “Made in USA”, hay “Made in America” lên sản phẩm của họ nếu gần như tất cả linh kiện, thành phần, nguyên liệu của sản phẩm được sản xuất tại Mỹ song các phương án thực thi pháp luật của FTC rất hạn chế.

James Kohm, Giám đốc bộ phận chấp pháp của Cục Bảo vệ người tiêu dùng FTC cho biết FTC có thể yêu cầu các công ty vi phạm lần đầu trả tiền lại cho khách hàng đã mua sản phẩm của họ nhưng không được phép xử phạt họ ngay lập tức mà phải đợi đến lần vi phạm thứ hai. Theo ông, FTC thường né tránh tiến trình yêu cầu công ty vi phạm bồi hoàn tiền cho khách hàng vì công việc này đòi hỏi rất nhiều sức lực nhưng chỉ giúp lấy lại các khoản tiền tương đối nhỏ. James Kohm nói: “Công việc này cực kỳ khó khăn và tốn rất nhiều nguồn lực”.

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281985/my-van-dong-chong-hang-gan-mac-made-in-usa-gia-mao.html