Mỹ vạch kế hoạch thống trị Bắc Cực trước mắt Nga

Truyền hình Mỹ nói về 'thách thức quân sự' của Nga ở Bắc Cực và Mỹ phải làm gì để đoạt lại vị thế thống trị ở khu vực này.

Nga là mối lo lớn nhất ở Bắc Cực

Nga đang “Quân sự hóa Bắc Cực”, nước này đang tăng cường hiện diện quân sự chưa từng có và thử nghiệm các loại vũ khí mới nhất ở Bắc Cực - kênh truyền hình Mỹ CNN tuyên bố.

Kênh truyền hình Mỹ cũng công bố các hình ảnh vệ tinh, theo đó, quân đội Nga đang củng cố các sân bay và căn cứ quân sự trên bờ biển Bắc Cực, đồng thời cũng đưa tin về việc Moscow đang điều chuyển các thiết bị quân sự và máy bay chiến đấu đến khu vực này.

CNN cho rằng, Nga theo đuổi hai mục tiêu: Đảm bảo an ninh cho miền Bắc đất nước và triển khai các lực lượng bảo đảm cho hoạt động vận tải biển dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc, qua Bắc Băng Dương.

Một đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với các phóng viên rằng, ở Bắc Cực đang diễn ra sự cạnh tranh giữa các cường quốc", nhưng rõ ràng là ở khu vực này, Hoa Kỳ đang đối mặt với thách thức quân sự lớn nhất là từ Nga.

Theo CNN, các chuyên gia và quan chức phương Tây đặc biệt lo ngại về "siêu vũ khí" của Nga - ngư lôi hạt nhân liên lục địa 2M39 Poseidon (trong dự án mang tên Status-6).

Trước đó, các tác giả của The National Interest cho rằng "cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc" đã bắt đầu ở Bắc Cực. Các nước Mỹ, Nga và Trung Quốc được cho là đang tham gia cuộc cạnh tranh này. Đồng thời, Washington có cơ hội giành chiến thắng, nhưng chỉ khi nào Mỹ thiết lập sự hiện diện lâu dài trong khu vực.

Ngoài ra, NATO cũng đang đẩy mạnh hoạt động của mình trong khu vực. Ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký của Liên minh đã giải thích rằng NATO có động thái như vậy là do sự hiện diện ngày càng tăng của Nga ở Bắc Cực.

Căn cứ quân sự “Cỏ ba lá” (Trefoil military base) của Nga ở Bắc Cực

Căn cứ quân sự “Cỏ ba lá” (Trefoil military base) của Nga ở Bắc Cực

Theo ông, tầm quan trọng chiến lược của khu vực cũng tăng lên một phần do hiện tượng ấm lên toàn cầu, băng tan chảy khiến diện tích các vùng biển trung lập tăng lên, mở ra tuyến đường vận tải đầy hứa hẹn và tiềm năng thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên dưới lớp băng.

Dưới góc độ đó, đáng lưu ý là Hoa Kỳ đang thể hiện mong muốn giành lại “quyền thống lĩnh” trên bình diện quân sự ở khu vực lạnh giá này, từ tay Nga.

Đặc biệt sự gia tăng hiện diện quân sự và các cơ sở hạ tầng ở Bắc Cực, bên cạnh khả năng bảo vệ lãnh thổ Hoa Kỳ và duy trì lưu thông hàng hải tự do, còn nhấn mạnh vào khả năng thường xuyên hiện diện và chủ động “đưa lực lượng vào và ra khỏi Bắc Cực”, giống như sự di chuyển ở trên mặt đất ở các khu vực có điều kiện bình thường khác.

Mỹ có thêm đối thủ mạnh là Trung Quốc

Vừa qua, Bộ Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ gần đây đã đưa ra báo cáo mang tên “Giành lại quyền thống trị Bắc Cực” (Regaining Arctic Dominance) – một tài liệu được giới quân sự hết sức quan tâm, bởi đây là bản báo cáo chứng minh rằng Hoa Kỳ coi Bắc Cực là đấu trường của các cường quốc và bộc lộ rõ động cơ của Hoa Kỳ trong chính sách tăng cường vị thế ở Bắc Cực.

Cụ thể, các chiến lược gia Mỹ đánh giá Bắc Cực là khu vực có ý nghĩa quyết định đối với “sự tồn vong kinh tế của nước Nga” trong 30 năm tới, bởi chính ở vùng lãnh thổ Bắc Cực này tập trung những nguồn dự trữ dầu khí cơ bản của Nga, đang được khai thác tốt và đầy tiềm năng triển vọng.

Đồng thời, các tác giả Mỹ cho rằng, Bắc Cực sẽ có tầm quan trọng quyết định cả đối với tương lai của Trung Quốc.

Theo quan điểm của họ, chính với chỗ dựa Bắc Cực, Trung Quốc sẽ nỗ lực thực hiện chiến lược đa phương hóa các hành trình vận tải và nguồn năng lượng.

Bắc Cực sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược công nghiệp của Trung Quốc và thậm chí cả trong chiến lược an ninh lương thực – đang chờ đợi là hoạt động đánh bắt khai thác hải sản sôi động sẽ mở rộng trong khu vực này khi băng tan.

Hệ thống phòng không Pantsir-S của Nga ở Bắc Cực

Các tác giả thừa nhận rằng, mặc dù giữa Nga và Trung Quốc tồn tại một số khác biệt về cách tiếp cận tới vấn đề quản trị toàn cầu gắn với khu vực Bắc Cực, nhưng hai nước vẫn đang tương tác ngày càng mạnh. Trung Quốc vừa là thị trường lớn, vừa là nguồn đầu tư, cung ứng thiết bị và công nghệ lớn dành cho các dự án Bắc Cực quan trọng nhất của Nga.

Trong báo cáo nhận xét rằng, đến năm 2050, Nga có thể đảm bảo cung cấp tới 20% tổng mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc, gồm cả dầu và khí đốt, thông qua đường ống dẫn cũng như bằng các con tàu chở dầu. Bắc Cực sẽ đảm bảo phần lớn trong định mức năng lượng này.

Báo cáo của các nhà quân sự Hoa Kỳ thừa nhận rằng, Moscow đã đạt tiến bộ đáng kể trong việc tái lập hiện diện quân sự ở Bắc Cực. Nga đã xây dựng và khôi phục các trạm radar, sân bay tại đây, căn cứ hải quân; triển khai các hệ thống tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm hiện đại ở Bắc Cực, giúp tạo nên trong khu vực này một hệ thống phòng thủ hiệu quả.

Hoa Kỳ cũng dự đoán những nỗ lực tiếp theo của Trung Quốc để đảm bảo “hiện diện thường trực” ở Bắc Cực. Phía Mỹ cho rằng Bắc Kinh “có tiềm năng” sử dụng công cụ quân sự để thiết lập vị thế của Trung Quốc tại khu vực trọng yếu này.

Dưới góc độ đó, người Mỹ thấy cố gắng của Nga về bảo vệ khu vực kinh tế quan trọng của mình và việc gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc như là “sự thách thức lớn nhất” đối với Hoa Kỳ.

Mỹ chuẩn bị tăng cường quân sự cho Bắc Cực

Theo báo cáo, Washington dự định thay đổi cán cân quyền lực tại đây, xuất phát từ lợi ích đối đầu với cả Nga và Trung Quốc.

Hiện tại, trên lãnh thổ Bắc Cực thuộc Hoa Kỳ, ở Alaska, đã bố trí các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược Mỹ.

Lính dù Nga cơ động sau khi nhảy dù xuống Bắc Cực

Ngoài ra, còn có đội quân với cơ số 11.600 binh sĩ đóng tại đây, gồm hai lữ đoàn chiến đấu, hai tiểu đoàn không quân và một số đơn vị hỗ trợ. Ngoài ra, cũng ở Alaska còn có các đơn vị Vệ binh Quốc gia khoảng 2.000 người và thêm 2.000 người trong lực lượng dự bị.

Theo giới phân tích, cơ số quân bố trí thường trực trong khu vực có thể tăng lên, nhưng hẳn là sẽ gia tăng một cách hạn chế, nếu tính đến việc người Mỹ hiểu rõ những khó khăn phức tạp khi phục vụ ở điều kiện khí hậu Bắc Cực khắc nghiệt kèm theo chi phí cơ sở hạ tầng cực kỳ đắt đỏ.

Người Mỹ dự định lập cơ sở chỉ huy và hạ tầng cung ứng hậu cần-vật chất ở Alaska, tạo điều kiện thực thi kế hoạch mở rộng lực lượng ở đó. Lầu Năm Góc sẽ cải tiến các căn cứ quân sự hiện có trong khu vực, nâng cấp điều kiện sống dành cho binh sĩ và gia đình quân nhân.

Ngoài ra, dự trù công việc nâng cao khả năng của quân đội nói chung để tiến hành hoạt động chiến sự ở Bắc Cực. Với định tính là biện pháp quan trọng theo hướng này, có kế hoạch tạo lập bộ chỉ huy cho các “Sư đoàn Bắc Cực”, sẽ chuẩn bị một số lữ đoàn Bắc Cực.

Những lữ đoàn “Bắc Cực” như vậy sẽ được cung cấp thiết bị và vũ khí với khả năng hoạt động ở vùng nhiệt độ thấp tới -65 độ F (khoảng -54 độ C) và sẽ được huấn luyện tương ứng để có thể thích hợp với điều kiện địa bàn.

Hạng mục “năng lực cơ bản” để phục vụ ở Bắc Cực như vậy sẽ được đưa vào chương trình đào tạo với tất cả các đội quân. Để làm điều này, Mỹ sẽ hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đào tạo, huấn luyên hiện có ở Alaska và dự định sẽ xây dựng các đơn vị phụ trợ Bắc Cực không thường xuyên, từ các đại diện cư dân bản địa.

Việc thực thi các kế hoạch đã công bố, sẽ có sự tích hợp chặt chẽ với chương trình phát triển các quân-binh chủng khác của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, sẽ tạo ra thêm thách thức đe dọa đối với việc thực hiện các dự án kinh tế của Nga và Trung Quốc tại khu vực, được Washington xem là một trong những đòn bẩy gây áp lực với Moscow và Bắc Kinh.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-vach-ke-hoach-thong-tri-bac-cuc-truoc-mat-nga-3430486/