Mỹ và Triều Tiên muốn có được gì từ cuộc gặp thượng đỉnh?

Tổng thống Trump có thể đang cần đến cuộc gặp thượng đỉnh này để nâng cao sự ủng hộ chính trị dành cho ông ở nước Mỹ. Phía Triều Tiên trong khi đó muốn nhiều hơn thành tựu về kinh tế.

Ảnh: Nikkei

Quan chức chính phủ Mỹ và Triều Tiên đang cố gắng để cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un diễn ra vào ngày 12/6/2018.

Thế nhưng triển vọng của buổi gặp gỡ lịch sử vẫn chưa chắc chắn bởi vì Mỹ và Triều Tiên có quan điểm khác nhau về hướng làm sao để Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Phía Mỹ nói đến việc đơn phương từ bỏ, còn phía Bình Nhưỡng lại muốn phi hạt nhân hóa từ từ khi Mỹ đồng thời có những nhượng bộ về kinh tế.

Dưới đây là 5 câu hỏi về sự kiện này:

Liệu cuộc gặp thượng đỉnh có thực sự diễn ra?

Tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh một lần, vào ngày 24/5/2018. Thế nhưng đến ngày 26/5/2018, sau nhiều nỗ lực từ phía Triều Tiên và cuộc gặp gỡ ngày 1/6 với trợ lý thân cận của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khi ông này đến Mỹ, Tổng thống Trump xác nhận rằng cuộc gặp sẽ vẫn diễn ra như kế hoạch ban đầu.

Cả hai bên đều đang hợp tác để đưa ra một lộ trình giúp cho cả ông Trump và ông Kim đều trở về trong thắng lợi vẻ vang.

Thế nhưng khi mà Tổng thống Trump hay thay đổi quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng họ sẽ không tin cuộc gặp thượng đỉnh có thể diễn ra cho đến khi nó thực sự diễn ra.

Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Frank Jannuzi, trong khi đó lại tin rằng khả năng cuộc họp sẽ diễn ra lên đến 90%.

Tại sao Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim lại muốn có một cuộc gặp thượng đỉnh ở hiện tại?

Tổng thống Trump có thể đang cần đến cuộc gặp thượng đỉnh này để nâng cao sự ủng hộ chính trị dành cho ông ở nước Mỹ. Chính quyền của ông cho đến nay chịu tác động nhiều bởi cuộc điều tra liên quan đến việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016. Ngoài ra còn một số vụ việc lùm xùm khác.

Theo Jannuzi, Chủ tịch quỹ Mansfield Foundation, Tổng thống Trump đang thực sự cần chiến thắng chính trị để củng cố vị thế chính trị tại nước Mỹ. Ông muốn nhắc cho nước Mỹ nhớ rằng ông có khả năng làm được nhiều điều vĩ đại, giải quyết được vấn đề vô cùng hóc búa tồn tại trong suốt 70 năm qua, thậm chí ông có thể làm nên lịch sử khi trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp gỡ lãnh đạo Triều Tiên.

Lãnh đạo Triều Tiên trong khi đó muốn các biện pháp trừng phạt được gỡ bỏ.

Chủ tịch viện Sejong ở Seongnam – thành phố vệ tinh của Seoul, ông Jin Chang-soo, nhận xét: “Lãnh đạo Kim Jong Un muốn tránh bị cô lập và những tác động tệ hại của chính sách gây áp lực tối đa từ phía Mỹ”.

Cũng theo phân tích của ông Jin, hai cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm nay là một phần trong chiến lược làm giảm áp lực lên kinh tế Triều Tiên. Nhưng ông Kim còn muốn nhiều hơn thế.

Chắc chắn cuộc gặp thượng đỉnh có nhiều bên muốn gây ảnh hưởng, đó là những bên nào?

Những nước láng giềng của Triều Tiên, khởi đầu là Trung Quốc, theo dõi chặt chẽ sự kiện này.

Trung Quốc luôn kêu gọi hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc lo sợ nếu chiến tranh xảy ra sẽ có hàng dài người tị nạn chạy sang Trung Quốc, thế nhưng sự hỗ trợ mà Trung Quốc mang lại không chỉ nhắm đến hòa bình và ổn định.

Mỹ và Trung Quốc có định nghĩa khác nhau về thế nào là hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc có nhiều mối liên quan, Tổng thống Hàn Quốc cuối cùng thậm chí có thể sẽ tham gia cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim ở Singapore.

Nhật cũng quan tâm đến cuộc gặp này. Nhật muốn Triều Tiên giải trừ vĩnh viễn vũ khí hạt nhân.

Nếu cuộc gặp thượng đỉnh thực sự diễn ra, kết quả sẽ có thể thế nào?

Tại cuộc gặp thượng đỉnh, Mỹ và Triều Tiên dự kiến sẽ thông báo chiến tranh liên Triều kết thúc. Để có thể có được hiệp định hòa bình, Triều Tiên sẽ cần phải hứa sẽ phi hạt nhân hóa.

Từ quan điểm của Mỹ, để có thể coi là thành công, Mỹ và Triều Tiên ít nhất cần phải đưa ra được lộ trình cụ thể của quá trình phi hạt nhân hóa và hòa bình.

Còn từ phía Triều Tiên, để có thể được thừa nhận thành công, ông Kim sẽ cần phải có được những "món quà" ngoại giao, kinh tế và quân sự, ông Park Won-gon, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại đại học Handong Global ở thành phố Pohang, Hàn Quốc nhận định.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh sẽ là gì?

Ngay cả nếu cuộc gặp thượng đỉnh có diễn ra và một tuyên bố chung được đưa ra, những lời nói tốt đẹp đó cũng chỉ mới là khởi đầu cho một hành trình dài hướng đến hòa bình thực sự. Trước tiên, hai bên sẽ cần đến một lộ trình hành động đối đẳng nhau, quá trình này cũng mất nhiều tháng.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên cũng có thể lên lịch để tổ chức một cuộc gặp trong đó cả Tổng thống Hàn Quốc và Chủ tịch Trung Quốc tham gia, cả bốn bên sẽ cùng đàm phán để chính thức chấm dứt chiến tranh liên Triều.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/my-va-trieu-tien-muon-co-duoc-gi-tu-cuoc-gap-thuong-dinh-3452851.html