Mỹ và Triều Tiên hòa giải, làm theo đề xuất 'đóng băng kép' của Nga - Trung?

Theo hãng tin RT, một số chuyên gia nhận định rằng việc Mỹ ngừng tập trận với Hàn Quốc sau khi Triều Tiên chấp thuận điều kiện mà Mỹ đưa ra về cơ bản giống với đề xuất 'đóng băng kép' mà Nga và Trung Quốc đưa ra.

Các chuyên gia cho biết, văn kiện bốn điểm mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký kết trong cuộc gặp mặt tại Singapore là một tuyên ngôn thay vì là một lộ trình để giải quyết những bất đồng giữa hai bên. Tuy nhiên, văn bản này vẫn có thể mang lại những lợi ích nhất định, ít nhất là trong thời gian ngắn.

Tổng thống Trump cùng lãnh đạo Kim đi dạo và thảo luận với nhau ở Singapore.

Tổng thống Trump cùng lãnh đạo Kim đi dạo và thảo luận với nhau ở Singapore.

Theo ông Konstantin Asmolov, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Khoa học Nga, “thỏa thuận trên chỉ là bước đầu tiên” trên con đường dài nhằm cải thiện quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Cả hai bên đã có những bước đi nhất định để giảm bớt căng thẳng mà không được nêu ra trong tuyên bố chính thức. Triều Tiên cam kết sẽ ngừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo, và trước khi cuộc gặp mặt diễn ra họ đã chủ động phá bỏ một bãi thử nghiệm hạt nhân trước sự chứng kiến của báo giới nước ngoài. Đến ngày 18/6, Mỹ và Hàn Quốc đã tuyên bố rằng họ “đã ngừng mọi hoạt động liên quan đến cuộc diễn tập Người bảo vệ Tự do Ulchi”, ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới.

Ông Asmolov cho biết, cuộc tập trận này bao gồm những bài tập tấn công và mô phỏng các hình thức đột nhập và ám sát các quan chức cấp cao Triều Tiên từ lâu đã khiến Bình Nhưỡng tức giận và là một trong những yếu tố khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng.

Ông Gregory Elich, một nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu Chính sách Triều Tiên nhận định rằng động thái của Mỹ “là một câu trả lời đáng hoan nghênh trước những nhượng bộ đơn phương của Triều Tiên trước đó”.

Các chuyên gia nhận thấy rằng những gì mà Mỹ và Triều Tiên đang thực hiện có phần giống với đề xuất đóng băng kép mà Nga và Trung Quốc công bố vào tháng 9/2017. Nội dung của đề xuất này đề cập đến việc hai bên ngừng những hành động có thể dẫn đến căng thẳng leo thang và được đưa ra trong lúc Washington và Bình Nhưỡng có một loạt những tuyên bố chỉ trích nhau. Vào thời điểm đó, đề xuất này đã bị Mỹ khước từ thẳng thừng.

“Mặc dù không bên nào thực sự nói về “đóng băng kép”, cả hai đều tự nguyện đi theo con đường này”, ông Asmolov nói.

Các chuyên gia cho biết, Mỹ và Triều Tiên vẫn còn nhiều điều phải làm để biến bước đầu thuận lợi này thành những kết quả rõ ràng hơn, và ông Kim có lý do để chưa tin rằng ông Trump sẽ có thể đưa ra được một giải pháp lâu dài. Bản thân ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà người tiền nhiệm Barack Obama đã ký kết và đời Tổng thống Mỹ tiếp theo cũng có thể sẽ xóa bỏ thỏa thuận mà ông Trump đã đạt được với Triều Tiên.

“Rất khó để có thể tưởng tượng được Mỹ có phương án đảm bảo an ninh nào mà Triều Tiên có thể tin tưởng được. Chỉ một văn bản thỏa thuận thôi là chưa đủ”, ông Elich nói. “Có thể chính quyền Trump có thành ý khi ký với Triều Tiên thỏa thuận chung, song chính quyền Mỹ tiếp theo hoàn toàn có thể từ bỏ nó”.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/my-va-trieu-tien-hoa-giai-lam-theo-de-xuat-dong-bang-kep-cua-nga-trung-post266118.info