Mỹ và Thỏa thuận hạt nhân Iran: Nút thắt chờ tháo gỡ

Với nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, Washington và Tehran đang từng bước trở lại bàn đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran.

Với nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, Washington và Tehran đang từng bước trở lại bàn đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran. (Nguồn: Asia Times)

Với nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, Washington và Tehran đang từng bước trở lại bàn đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran. (Nguồn: Asia Times)

Các cuộc tiếp xúc mở đầu thông qua bên thứ ba và đang dần trở nên trực tiếp hơn nhằm tháo gỡ những khó khăn đang chia rẽ hai bên, đã phản ánh mong muốn của Tổng thống Joe Biden để Mỹ tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân Iran - hiệp ước đa phương mà trước đó Washington đã rút khỏi dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Cái khó của cả hai bên

Để đạt được thỏa thuận này, cả Mỹ và Iran sẽ đối mặt với nhiều khó khăn ở cả trong và ngoài nước.

Tại Mỹ, gần như mọi nhà lập pháp theo đảng Cộng hòa, và một số thành viên đảng Dân chủ có tầm ảnh hưởng đều phản đối việc quay trở lại Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), được ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức).

Còn ở Iran, những người theo phe cứng rắn cũng phản đối thỏa thuận này. JCPOA là một vấn đề quan trọng với Iran, và có thể ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống Iran vào tháng 6.

Ngược lại, đa số người dân ở cả hai nước đều ủng hộ sự tham gia của Mỹ với thỏa thuận hạt nhân. Cụ thể, theo cuộc thăm dò được công bố gần đây từ Hội đồng Chicago về Các vấn đề Toàn cầu và khảo sát ở Iran cho thấy 57% người Mỹ và 51% người Iran ủng hộ sự tham gia của Mỹ trong thỏa thuận dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt quốc tế chống Iran để đổi lấy những giới hạn nghiêm ngặt với vũ khí hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, một thực tế không mấy lạc quan là Mỹ và Iran luôn tỏ ra ngờ vực nhau, ngay cả trước khi chính quyền ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Mỹ luôn coi hành vi của Iran với chương trình vũ khí hạt nhân gia tăng sự bất ổn tại khu vực Trung Đông, trong khi Tehran lại ủng hộ Tổng thống Syria Bashar Assad hay lực lượng Hezbollah của Lebanon – những đối tượng mà coi là tổ chức khủng bố và kẻ thù.

Ngay bản thân Iran cũng có rất nhiều cái khó nếu quay lại JCPOA trong bối cảnh nước này đang tiến gần hơn đến khả năng phát triển vũ khí hạt nhân. Và kể cả khi chính quyền ông Biden có nỗ lực đưa Mỹ trở lại JCPOA thành công thì chính quyền tiếp theo của Iran sau cuộc bầu cử vẫn có thể hủy bỏ cam kết của quốc gia Trung Đông này với thỏa thuận.

Với việc thỏa thuận trước đó đã tan biến khi chính quyền ông Trump rút khỏi JCPOA, lo ngại cuộc đàm phán sẽ khó đạt được sự đồng thuận giữa hai bên là hoàn toàn có cơ sở.

Ngoại giao vẫn là giải pháp

Với Iran, kể cả nếu có chấp nhận thỏa thuận, hay phải hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran thực chất có nhiều lựa chọn ngoại giao và kinh tế hơn, ví dụ như với Nga hay Trung Quốc. Bằng chứng là Tehran và Bắc Kinh gần đây đã ký thỏa thuận hợp tác kinh tế kéo dài 25 năm, trị giá khoảng 400 tỷ USD và tạo ra những tác động ngoại giao quan trọng.

Rõ ràng, chính quyền ông Biden hiện nay không nên đàm phán chỉ để gia nhập lại thỏa thuận mà còn cần thay đổi và cải thiện nó, ví dụ như tăng cường các hạn chế đối với khả năng hạt nhân của Iran, các chương trình tên lửa và có thể là cả sự can thiệp quân sự của Tehran, điều mà Mỹ và đồng minh coi là mối đe dọa hiện hữu đối với lợi ích ở khu vực Trung Đông.

Thỏa thuận đạt được có thể sẽ không hoàn hảo và không thể làm hài lòng được cả hai bên, nhưng ít nhất, với nhiều nhà quan sát, nó có thể sẽ hiệu quả hơn so với chính sách của ông Trump từng có với Iran.

Ông Mark Bell, Phó Giáo sư Khoa học Chính trị của Đại học Minnesota, một chuyên gia về các vấn đề vũ khí hạt nhân, chia sẻ: “Không có gì nghi ngờ rằng ngày nay Iran đã tiến gần đến việc có vũ khí hạt nhân hơn từ khi chính quyền ông Trump rút khỏi thỏa thuận. Điều đó sẽ làm tăng tính cấp thiết của việc đạt được thỏa thuận này”.

Bên cạnh đó, hậu quả có thể xảy ra của sự đối đầu giữa Mỹ và Iran sẽ khiến hai nước phải cẩn trọng trong bất kỳ động thái nào. Luôn có ba tình huống có thể xảy ra.

Một là, Iran tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.

Hai là, Iran và Mỹ giải quyết mâu thuẫn bằng quân sự.

Ba là, hai nước thực hiện một số loại thỏa thuận thương lượng để hạn chế vũ khí hạt nhân của Iran.

Nếu Iran tiếp tục duy trì và phát triển vũ khí hạt nhân, điều này sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông. Tuy nhiên, Mỹ từng sa lầy và tiêu tốn nhiều nhân lực cùng tiền của cho các cuộc chiến tranh ở Trung Đông, khó có khả năng Mỹ sẽ tiếp tục “nhúng chân” vào thêm một cuộc chiến tranh nữa.

Bởi lẽ đó, chính quyền của Tổng thống Biden dường như đã lựa chọn đúng đắn khi sử dụng đối thoại làm biện pháp. Với những thỏa thuận hợp lý và cần thiết, ngoại giao vẫn sẽ là phương án tốt nhất để xoa dịu mối quan hệ căng thẳng này.

(theo Star Tribune)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-va-thoa-thuan-hat-nhan-iran-nut-that-cho-thao-go-141609.html