Mỹ và nỗi sợ...tên lửa

NI tin rằng nhiều khả năng Nga sẽ không cân nhắc bắn vũ khí siêu thanh trang bị hạt nhân vào Mỹ dù có khả năng xuyên thủng phòng thủ Mỹ.

Người Mỹ trăn trở...

Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách phòng thủ tên lửa và hạt nhân, bà Leonor Tomero, mới đây đã bày tỏ lo ngại trước thực tế công nghệ tên lửa phát triển và bắt đầu trở nên phổ biến tại các quốc gia đối thủ tiềm tàng của Mỹ như Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran. Khi đó, mối đe dọa đối với Mỹ, các lực lượng được triển khai, các đồng minh và đối tác của Mỹ ngày càng gia tăng.

Tại phiên điều trần của Tiểu ban Quân lực Hạ viện Mỹ, bà Leonor Tomero cho biết để giải quyết những thách thức đang ngày càng gia tăng này, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ xem xét lại các chính sách, chiến lược và khả năng phòng thủ tên lửa để đảm bảo rằng Mỹ có các hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả. Theo bà, việc xem xét lại các chính sách này dự kiến sẽ được hoàn tất vào tháng 1/2022.

Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leonor Tomero

Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leonor Tomero

Bộ Quốc phòng Mỹ đã bắt đầu phát triển hệ thống đánh chặn thế hệ tiếp theo (NGI) và NGI được cho là sẽ giúp làm tăng độ tin cậy cũng như khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ tăng cường mạng lưới toàn cầu với các cảm biến tích hợp trên không gian và trên đất liền nhằm phát hiện, theo dõi và nhắm mục tiêu.

Bà Tomero nhấn mạnh: “Bộ sẽ tiếp tục đảm bảo rằng chúng tôi mang đến một cách tiếp cận tích hợp hơn đối với phòng không và phòng thủ tên lửa để giải quyết các mối đe dọa liên quan đến tên lửa đạn đạo và hỗ trợ phòng thủ chống lại tên lửa hành trình cũng như hệ thống máy bay không người lái".

Trong năm tài chính 2022, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tiếp tục phát triển nguyên mẫu cảm biến không gian siêu thanh và theo dõi tên lửa đạn đạo, cho phép theo dõi các mối đe dọa siêu thanh và bổ sung khả năng phục hồi cho kiến trúc cảm biến. Về khả năng phòng thủ siêu thanh, Mỹ sẽ tập trung vào phòng thủ ở giai đoạn cuối cùng của quỹ đạo tên lửa.

Nhằm đạt được mục tiêu này, Bộ Quốc phòng Mỹ đang nâng cấp cấu trúc chỉ huy và kiểm soát giúp đưa ra quyết định kịp thời và chính xác để giải quyết các mối đe dọa đang nổi lên. Bà Tomero nêu rõ: "Bộ đang tham gia và làm việc với các đồng minh và đối tác để tăng cường các nỗ lực phòng thủ tên lửa tập thể”, đồng thời đề cập đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và các đồng minh NATO của Mỹ, cùng với Israel và các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh.

Đánh giá về chiến lược phòng thủ tên lửa của Mỹ, trang Sputinik của Nga cho rằng Washington muốn xây dựng một hệ thống phòng thủ nhiều lớp. Lầu Năm Góc đang phát triển tên lửa đánh chặn trên mặt đất thế hệ mới thay thế tên lửa đánh chặn phòng thủ tầm trung (GBMD) trên mặt đất.

Mỹ tiếp tục theo đuổi "chiến tranh giữa các vì sao"

Theo giới phân tích Nga, thành phần chính của hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia Mỹ là khoảng 60 tên lửa GBMD trên mặt đất được triển khai ở Alaska và California. Chúng có khả năng đánh chặn các mục tiêu đạn đạo ở pha giữa quỹ đạo bay. Tuy nhiên, các thử nghiệm cho thấy GBMD không đủ hiệu quả vì chỉ có thể tiêu diệt 50% mục tiêu.

Sputnik dẫn đánh giá của Theo Lầu Năm Góc cho biết, điều khó khăn nhất trong việc tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia nhiều lớp cập nhật là liên kết 3 thành phần GBMD, Aegis và THAAD với nhau. Thách thức với Mỹ là tạo ra một mạng lưới thông tin liên lạc, thiết lập cơ chế tương tác hiệu quả của tất cả các yếu tố thuộc hệ thống phòng không.

Lời đe dọa của kẻ yếu?

Trong khi Mỹ còn đang loay hoay với phòng thủ tên lửa đạn đạo truyền thống, một trong những đối thủ chính của Mỹ là Nga đã cho công bố những thành tựu đáng chú ý trong lĩnh vực tên lửa siêu thanh.

Ví dụ, Moscow cho biết họ đã có trong tay loại tên lửa siêu thanh Avangard, có tốc độ gấp 20 lần tốc độ âm thanh, xuyên thủng hệ thống phòng không để tiêu diệt mục tiêu tức thì và áp đảo kẻ thù trước khi chúng có cơ hội đáp trả. Avangard được cho là một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), vừa có tốc độ siêu thanh, vừa có khả năng bay “cơ động” xuyên qua bầu khí quyển.

Theo lý giải của trang National Interest (NI) của Mỹ, vũ khí siêu thanh bay theo quỹ đạo dạng tàu lượn để lướt dọc theo ranh giới phía trên của bầu khí quyển trái đất trước khi sử dụng tốc độ rơi theo phương thẳng đứng để tấn công vào mục tiêu bằng động năng của đầu đạn. Lợi thế cơ bản của vũ khí siêu thanh là khả năng tước đoạt năng lực phản ứng của kẻ thù do thời gian bay của đầu đạn được rút ngắn.

Hình ảnh hệ thống tên lửa Avangard được Nga công bố

NI thừa nhận, nếu loại vũ khí này phát huy hết tác dụng và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, điều này chắc chắn sẽ đặt ra những thách thức về kỹ thuật và chiến lược đối với hệ thống phòng thủ của Mỹ liên quan đến cả khả năng phòng thủ hạt nhân và những đổi mới về công nghệ đang hình thành nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công bằng vũ khí siêu thanh.

Nhân đây, NI cũng tự trấn an khi nhận định ngay cả khi các bệ phóng hạt nhân, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoặc thậm chí là máy bay ném bom chiến lược trang bị vũ khí hạt nhân cất cánh từ đất liền bị mất tác dụng hoặc bị phá hủy, Mỹ vẫn có sẵn các phương án để trả đũa.

Có nghĩa là, ngay cả khi đã bắn đi một loạt vũ khí hạt nhân siêu thanh, di chuyển nhanh và có sức hủy diệt lớn, thì bên phát động tấn công vẫn có nguy cơ bị hủy diệt hạt nhân hoàn toàn vì Mỹ vẫn còn tàu ngầm tên lửa đạn đạo trang bị vũ khí hạt nhân.

Theo NI, ẩn mình phía dưới mặt nước tại các vùng biển quan trọng về chiến lược trên khắp thế giới, tàu ngầm Mỹ bất cứ lúc nào cũng có thể tiêu diệt toàn bộ các quốc gia bằng tên lửa trang bị hạt nhân. Do di chuyển không phát ra tín hiệu, các tàu ngầm rất khó bị phát hiện và tiêu diệt bởi các vũ khí siêu thanh di chuyển trên không.

Tên lửa Triden II D5 được phóng từ tàu ngầm của Mỹ

Hải quân Mỹ đang vận hành 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio có khả năng bắn tên lửa Triden II D5 trang bị đầu đạn hạt nhân bất cứ lúc nào. NI nhấn mạnh, các tàu ngầm này có thể bảo đảm tiêu diệt hoàn toàn và ngay lập tức bất kỳ quốc gia nào phát động tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ.

Do đó, NI tin rằng nhiều khả năng Nga sẽ không cân nhắc bắn vũ khí siêu thanh trang bị hạt nhân vào Mỹ, ngay cả khi vũ khí của Nga có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa.

Ngoài ra, NI cho biết Mỹ cũng đang nghiên cứu những cải tiến mới nhằm thiết lập một hệ thống “theo dõi liên tục” đối với các vũ khí siêu thanh tầm xa trong quá trình bay đến lãnh thổ Mỹ. Hệ thống này chủ yếu bao gồm mạng máy tính tiên tiến, cảm biến tích hợp vệ tinh, và kết nối giữa các ranh giới trong và ngoài khí quyển trái đất.

Thái Minh

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-va-noi-soten-lua-3434394/