Mỹ và Nhật Bản tái khẳng định mối quan tâm chung mạnh mẽ về Biển Đông

Sau cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật bản Suga ngày 16/4, hai bên đã đưa ra tuyên bố chung trong đó khẳng định quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật đang vững chắc và sẵn sàng hơn bao giờ hết để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực.

Trong tuyên bố chung, Mỹ và Nhật Bản thống nhất thúc đẩy tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên cam kết đối với các giá trị phổ quát và các nguyên tắc chung. Đồng thời, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp và phản đối hành vi cưỡng bức, thúc đẩy các chuẩn mực chung trong lĩnh vực hàng hải, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Suga. Ảnh DW

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Suga. Ảnh DW

Đáng chú ý, tuyên bố chung phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông, phản đối các tuyên bố và hoạt động trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, tái khẳng định mối quan tâm chung mạnh mẽ Nhật – Mỹ đối với một Biển Đông tự do và rộng mở dựa trên luật pháp quốc tế. Ngoài ra, 2 bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và khuyến khích giải quyết hòa bình quan hệ “xuyên eo biển”, chia sẻ những quan ngại sâu sắc về tình hình nhân quyền ở Hong Kong và Khu tự trị Tân Cương.

Về vấn đề Triều Tiên, Tuyên bố chung tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ và cộng đồng quốc tế thực hiện đầy đủ biện pháp theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hai bên dự định tăng cường khả năng răn đe để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời sẽ làm việc với các bên liên quan để giải quyết những nguy cơ đến từ chương trình hạt nhân/tên lửa của Triều Tiên. Tổng thống Mỹ tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với việc giải quyết ngay lập tức vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong quá khứ.

Mỹ và Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác, trong đó có Australia và Ấn Độ của nhóm Bộ Tứ, để xây dựng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở, dễ tiếp cận, đa dạng và phát triển. Ủng hộ sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai bên nhất trí, hợp tác ba bên với Hàn Quốc là điều cần thiết cho an ninh và thịnh vượng chung của khu vực.

Về vấn đề đảo chính quân sự ở Myanmar, 2 bên kiên quyết lên án bạo lực do quân đội và cảnh sát Myanmar gây ra đối với dân thường, đồng thời cam kết tiếp tục hành động để thúc đẩy việc chấm dứt bạo lực ngay lập tức, trả tự do cho những người bị giam giữ và nhanh chóng trở lại nền dân chủ.

Về quan hệ song phương, 2 bên thống nhất khởi động quan hệ Đối tác mới về Năng lực cạnh tranh và Khả năng phục hồi (CoRe), khẳng định nền kinh tế kỹ thuật số và các công nghệ mới nổi có tiềm năng thay đổi xã hội và mang lại những cơ hội kinh tế to lớn. Đồng thời, cam kết duy trì và tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại song phương bền chặt, thúc đẩy các lợi ích chung, bao gồm hợp tác thương mại kỹ thuật số, phát triển các chính sách thương mại hỗ trợ các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thúc đẩy tăng trưởng bao trùm ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hai nước cũng cam kết thực hiện hành động về khí hậu vào năm 2030, với nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1,5 độ C và các mục tiêu không phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và khởi động quan hệ Đối tác Khí hậu Mỹ - Nhật. Tổng thống Mỹ Biden ủng hộ những nỗ lực của Nhật Bản để tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic an toàn và đảm bảo vào mùa hè này./.

Hoàng Nguyễn/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/my-va-nhat-ban-tai-khang-dinh-moi-quan-tam-chung-manh-me-ve-bien-dong-850992.vov