Mỹ và Nga thắng cuộc chứ không phải Thổ Nhĩ Kỳ trong thương vụ S-400

Có nguy cơ không nhận được F-35 từ Mỹ, chấp nhận bỏ một khoản tiền khổng lồ để mua một hệ thống S-400 được đánh giá không hơn S-30PM Syria là bao nhiêu, điều này khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị đánh giá là bên thua cuộc trong thương vụ S-400 gây tranh cãi.

 Với việc nhận hệ thống phòng thủ S-400 từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy bước đi cứng rắn của mình trong việc tự chủ vũ khí, bấp chấp sự phản đối của Mỹ.

Với việc nhận hệ thống phòng thủ S-400 từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy bước đi cứng rắn của mình trong việc tự chủ vũ khí, bấp chấp sự phản đối của Mỹ.

Động thái này cho thấy sự thành công của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong bước đi đầy tính toán của mình.

Ông đã cho thấy sự cứng rắn, độc lập trong bước quyết định của một vị nguyên thủ quốc gia, điều này khiến Mỹ ít nhiều vừa lo sợ vừa khâm phục.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có chiều hướng xấu đi kể từ khi cuộc đảo chính tại Thổ diễn ra vào năm 2016.

Ông Erdogan cho rằng có bàn tay của Mỹ trong vụ đảo chính hụt nhắm vào ông, kể từ đó mối quan hệ giữa hai đồng minh trong khối NATO không còn thân thiết như trước. Vị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn với Mỹ trong các thương vụ vũ khí cũng như vấn đề người Kurd tại Syria.

Mặt khác ông Erdogan cũng được cho là không hài lòng khi trước đó ông đã đề xuất Mỹ cung cấp hệ thống phòng thủ Patriot nhưng bị Washington phớt lờ.

Việc bị phớt lờ khi đề xuất Mỹ cung cấp hệ thống Patriot và Washington tiếp tục trợ giúp người Kurd (lực lượng đang là đối thủ của Ankara) là một trong những nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục theo đuổi thương vụ S-400 với Nga.

Rõ ràng việc nhận S-400 thành công từ Nga làm cho uy tín của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tăng lên trong nước khi ông chứng tỏ sự độc lập của mình, tuy vậy giới quan sát nhận định trong thương vụ này, Thổ Nhĩ Kỳ thắng chiến thuật nhưng thua chiến lược.

Thứ nhất dù bỏ ra số tiền rất lớn hàng tỷ đô la, nhưng việc họ nhận về là phiên bản S-400 rút gọn.

Nga chỉ chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ tên lửa đánh chặn 48N6E3 (phiên bản xuất khẩu của 48N6DM) tầm xa 240 km chứ không bán cho đạn 40N6 tầm xa 400 km.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng không được Nga cung cấp cho tổ hợp quản lý bầu trời Polyana D4M như đồng minh Syria.

Nói một cách cụ thể thì năng lực của S-400 Ankara chẳng hơn gì S-300PM nâng cấp được Nga chuyển giao Damascus. Trong khi hệ thống S-300PM trong tay Syria đến hiện tại vẫn chưa làm nên trò trống gì.

Nhiều nhà quan sát ví von, máy bay khổng lồ An-124 Nga đã chuyển giao hệ thống phòng thủ “vỏ” S-400 nhưng “ruột”lại chỉ là S-300 cho Thổ Nhĩ Kỳ

Nhận S-400 từ Nga còn khiến họ có nguy cơ không thể tiếp cận chương trình F-35 cũng như bị gạt ra ngoài lưới lửa phòng không Châu Âu của khối NATO.

Như vậy trong thương vụ này nếu xét một cách toàn diện, Thổ Nhĩ Kỳ đã thắng chiến thuật cụ thể khi vượt qua “nỗi ám ảnh”từ Mỹ, nhưng thua chiến lược tổng thể vì vừa tốn nhiều tiền khi không có hệ thống phòng không đủ mạnh cũng như bị gạt ra rìa trong các dự án vũ khí lớn của Mỹ và NATO.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-my-va-nga-thang-cuoc-chu-khong-phai-tho-nhi-ky-trong-thuong-vu-s400/817707.antd