Mỹ và EU tăng mạnh nhập khẩu quần áo và giày dép từ Việt Nam

Các nhà mua hàng của Mỹ và các nước trong khu vực châu Âu (EU) đã tăng mạnh nhập khẩu các sản phẩm may mặc và giày dép từ Việt Nam.Đối với lĩnh vực giày dép, số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu giày dép trong 4 tháng năm 2022 đạt trên gần 7,32 tỉ đô la, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhà mua hàng Mỹ và EU tăng mạnh nhập khẩu quần áo và giày dép từ Việt Nam trong 4 tháng 2022. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo các doanh nghiệp may mặc và giày dép trong nước, đơn hàng sản xuất và gia công phục vụ cho thị trường xứ cờ hoa và các nước ở khu vực châu Âu ngày càng tăng cao.

Theo số liệu cập nhật mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 4 vừa qua, xuất khẩu hàng dệt may đạt 3,15 tỉ đô la Mỹ, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 11,83 tỉ đô la, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 2,15 tỉ đô la.

Ghi nhận đáng chú ý của cơ quan hải quan là xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong 4 tháng vừa qua tăng mạnh sang Mỹ với trị giá xuất khẩu xấp xỉ 6 tỉ đô la, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng tăng 1,26 tỉ đô la. Với kết quả này, thị trường xứ cờ hoa đóng góp đến 59% vào trị giá tăng xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Số liệu diễn biến xuất khẩu trong 4 tháng từ năm 2012 đến nay cũng cho thấy xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường EU cũng tăng vượt trội trong 4 tháng đầu năm nay, đạt gần 1,3 tỉ đô la, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước.

Một số thị trường khác như Hàn Quốc trong cùng thời gian trên đạt 1 tỉ đô la, tăng 8,7%. Nhật Bản cũng là một trong những thị trường nhập khẩu lớn nhóm mặt hàng này của Việt Nam, đạt 1,05 tỉ đô la, nhưng lại sụt giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái…

Các doanh nghiệp lớn trong ngành nhận định tương đối khả quan về tăng trưởng xuất khẩu ngành may mặc sang Mỹ và EU trong thời gian tới do đây là nhóm mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam, đều được các đối tác quay trở lại, đơn hàng dài, số lượng lớn.

Mặt khác, xu hướng hiện nay các khách hàng, nhà nhập khẩu đều muốn giảm bớt khâu trung gian và làm trực tiếp với các đơn vị sản xuất nhằm giảm bớt chi phí.

Đồng thời, với chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, nhiều khách hàng lo ngại sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung, gián đoạn chuỗi cung ứng nên có xu hướng chuyển đơn hàng sang các nước lân cận và Việt Nam đang có lợi thế trong khu vực về ngành hàng dệt may.

Với thị trường EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8-2020 đã có những thuận lợi nhất định giúp tăng trưởng xuất khẩu sang khu vực này ở nhóm hàng được hưởng ưu đãi thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Xuất khẩu mặt hàng giày dép của Việt Nam tăng mạnh vào thị trường Mỹ và EU. Ảnh minh họa: website Bộ Công Thương

Trong số rất nhiều thị trường xuất khẩu giày dép, thì Mỹ đạt kim ngạch lớn nhất,3,16 tỉ đô la, chiếm 43% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường EU đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt trên 1,77 tỉ đô la, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 24,3%.

Lý giải việc xuất khẩu sang Mỹ tăng cao trong thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, các nhà nhập khẩu Mỹ có xu hướng chuyển dịch nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia cung ứng truyền thống sang các quốc gia mới nổi khác. Và Việt Nam đã “ghi điểm” trong mắt các nhà nhập khẩu Mỹ, EU, Nhật Bản… nhờ sản phẩm chất lượng, ổn định, giá cả cạnh tranh…

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/my-va-eu-tang-manh-nhap-khau-quan-ao-va-giay-dep-tu-viet-nam/