Mỹ và EU giảm căng thẳng thương mại

Trong một tuyên bố sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ với Chủ tịch Ủy ban châu Âu C.Juncker tại Nhà Trắng ngày 25/7, hai bên nhất trí phối hợp để tăng cường trao đổi thương mại trong các lĩnh vực dịch vụ, hóa chất, dược phẩm, sản phẩm y tế và đậu tương.

Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu mua đậu tương từ Mỹ. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ khẳng định 2 bên sẽ giải quyết vấn đề liên quan đến thuế nhôm, thép và các biện pháp trả đũa song phương hiện nay.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) C.Juncker cũng cho biết hai bên đã xác định một số lĩnh vực hợp tác hướng tới việc không áp thuế đối với hàng hóa công nghiệp.

Ngày 26/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin lên tiếng xác nhận Mỹ và EU đã đạt được bước đột phá quan trọng trong việc giải quyết cuộc tranh chấp thương mại giữa hai bên.

Ông Steven Mnuchin nhấn mạnh “Mỹ sẽ không đánh thuế nhằm vào ôtô của EU, một nhân tố có thể làm bùng phát xung đột thương mại giữa hai đồng minh chiến lược”.

Phản ứng trước diễn biến này, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas lên tiếng hoan nghênh kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch EC. Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh kết quả trên đã chứng minh được rằng nếu như đoàn kết, tiếng nói của EU sẽ có trọng lượng, nhờ đó khối này có thể đàm phán một cách tự tin và bình đẳng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đánh giá kế hoạch của Mỹ và EU là một bước đột phá giúp tránh được nguy cơ chiến tranh thương mại và bảo vệ hàng triệu việc làm.

Còn Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hoan nghênh các cuộc thảo luận thương mại của EU với Mỹ. Theo ông Bruno Le Maire, bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần mang lại lợi ích cho cả hai bên và Pháp đang làm rõ các biện pháp mà Mỹ và EU đã nhất trí trong cuộc gặp vừa qua.

Bộ Thương mại quốc tế Anh cũng hoan nghênh sáng kiến của Mỹ và EU trong việc cắt giảm hàng rào thuế quan, tăng cường thương mại và đầu tư.

Tuy nhiên, phát biểu với phóng viên tại Frankfurt, Đức ngày 26/7, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Draghi cho rằng vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá kết quả thực sự của cuộc đàm phán khi mà mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch vẫn là nguy cơ hiện hữu ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tuyết Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/my-va-eu-giam-cang-thang-thuong-mai/342420.vgp