Mỹ và đồng minh thành lập ủy ban đặc biệt đối phó Trung Quốc

Theo Reuters, năm quốc gia thuộc mạng lưới tình báo hàng đầu thế giới Five Eyes gồm Mỹ, Australia, Anh, Canada và New Zealand đã chia sẻ thông tin mật về những hoạt động nước ngoài của Trung Quốc với một số quốc gia khác từ đầu năm nay.

Một số quan chức giấu tên cho biết, sự tăng cường hợp tác của Five Eyes với các nước khác trên thế giới bắt nguồn từ những âm mưu can thiệp nội bộ từ bên ngoài. Mặc dù Trung Quốc là tâm điểm chính, song họ cũng đã thảo luận về Nga.

Tổng thống Donald Trump và nhiều quan chức Mỹ khác đã từng chỉ trích những hành động mạnh bạo của Trung Quốc trên trường quốc tế.

“Việc trao đổi thông tin với các nước đồng minh, với những đối tác có cùng quan điểm về cách thức đáp trả những chiến lược mạnh bạo của Trung Quốc trên thế giới đã diễn ra một cách ngày càng thường xuyên”, một quan chức Mỹ cho biết. “Chúng bắt nguồn từ những cuộc trao đổi không chính thức, song giờ đây đã trở thành hoạt động cố vấn chi tiết về những biện pháp tối ưu và những cơ hội hợp tác”.

Sự tăng cường hợp tác của các nước Five Eyes cho thấy rằng mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẵn sàng một mình đối mặt với Trung Quốc, các thành viên trong nội các của ông đang làm hết sức nhằm thiết lập một ủy ban không chính thức để đối phó. Nó cũng cho thấy rằng hi vọng thuyết phục các nước châu Âu quan ngại trước chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump xa rời Washington và xích gần Bắc Kinh ngày càng phai nhạt.

Các quan chức giấu tên trao đổi với Reuters cho biết, hoạt động thảo luận đã diễn ra “một cách bí mật” và phần lớn có tính chất song phương. Ngay từ cuối tháng 8, một tuyên bố do Five Eyes công bố cho hay họ sẽ thiết lập “mối quan hệ hợp tác toàn cầu” và đẩy mạnh quá trình chia sẻ thông tin về những âm mưu can thiệp nội bộ từ bên ngoài.

Các hoạt động hợp tác tầm cỡ quốc tế đã được thực hiện song song với những động thái trong nước để giới hạn các khoản đầu tư của Trung Quốc đối với các công ty phát triển công nghệ nhạy cảm cũng như những động thái nhằm gây sức ép đối với nước ngoài của Trung Quốc.

Vào tháng 12 năm ngoái, do quan ngại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, chính phủ Australia đã công bố gói đạo luật mới nhằm thắt chặt những điều luật về hoạt động vận động hành lang của các doanh nghiệp nước ngoài và quyên góp chính trị, đồng thời mở rộng định nghĩa về tội phản quốc đối với Australia. Mỹ cũng thông qua một đạo luật mang tên FIRRMA, cho phép Washington có thêm thẩm quyền ngăn chặn một số hoạt động đầu tư từ nước ngoài.

Trước đó, vào đầu tháng này, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã cáo buộc Bắc Kinh có những hành động “đầu tư hoặc gây sức ép đối với các doanh nghiệp, studio quay phim, trường đại học, cơ quan nghiên cứu, nhà học giả, nhà báo và các quan chức ở nhiều cấp độ của Mỹ” nhằm mục đích xấu. Trung Quốc đã phủ nhận những cáo buộc trên.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/my-va-dong-minh-thanh-lap-uy-ban-dac-biet-doi-pho-trung-quoc-post278689.info