Thiền sư Thích Nhất Hạnh chỉ cách hóa giải 'chiến tranh lạnh' vợ chồng

Vợ chồng khi giận nhau thường làm cho bầu không khí gia đình trở nên rất căng thẳng và mệt mỏi. Ai cũng nghĩ mình đúng nên xu hướng giải quyết trước với cơn giận là 'cố thủ' ý kiến của mình. 'Chiến tranh lạnh' từ đó bùng nổ. Tự trong tâm ai cũng muốn kết thúc 'chiến tranh' nhưng không ai muốn mình là kẻ bại trận phải đầu hàng trước.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vì giận, vợ chồng sống với nhau như cực hình

Vợ chồng Lam lấy nhau được 5 năm nhưng chưa có con. Việc chậm sinh con không ảnh hưởng tới hạnh phúc của hai người, bởi mọi người vẫn thấy họ vui vẻ bên nhau mỗi ngày.

Tuy nhiên, tâm sự trên một diễn đàn về tình yêu hôn nhân, Thành, chồng Lam cho biết, mới đây vì ghen tuông mà anh đã nặng lời với vợ. Quá giận vì bị chồng xúc phạm, Lam đã làm to chuyện bằng việc đề nghị ly hôn. Mặc cho chồng xin lỗi nhưng Lam vẫn không hết giận. Cô bảo với chồng là đã hết tình yêu nên tốt nhất là chia tay.

Trước thái độ quyết liệt của vợ, Thành đồng ý ly hôn. Nhưng trớ trêu là khi Thành đồng ý ly hôn thì Lam lại giữ anh lại và nói rằng, cô nói hết yêu là vì quá giận chồng, là vì mất bình tĩnh chứ thực tình là không hề muốn xa chồng.

Tuy vậy, việc bị chồng nói lời xúc phạm, Lam vẫn không thể quên, vẫn không thể bỏ qua được. Kết quả là hai vợ chồng họ cứ dùng dằng chẳng dứt, đi không được, ở lại cũng không xong.

Thành nói: “Tôi cũng cố gắng để làm hòa với vợ nhưng mà mấy ngày nay cô ấy cứ lạnh nhạt. Tôi hỏi thì cô ấy nói không muốn lạnh nhạt nhưng không hiểu sao lại không thể vui vẻ lại được. Tôi có tâm sự với cô ấy là nếu hết yêu rồi thì sẽ ra đi để cô ấy tìm người khác nhưng cô ấy lại không chịu. Nhiều khi tôi cảm thấy vợ chồng sống với nhau cứ như là cực hình”.

Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam thì câu chuyện của cặp vợ chồng trên là không hiếm trong cuộc sống.

Mặc dù người chồng không nói rõ đã xúc phạm vợ cụ thể là gì nhưng qua lời kể của anh ta thì chắc chắn một điều rằng, lời mắng chửi của người chồng đã làm cho cô vợ cảm thấy bị tổn thương cực độ. Cô vợ giận chồng, không thể tha thứ cho chồng nhưng lại không thể sống thiếu chồng. Cũng có thể cô ta tỏ ra giận chồng, lạnh nhạt với chồng để người chồng thấy ra được lỗi lầm.

Theo các chuyên gia tâm lý, vợ chồng vốn là một mối quan hệ của yêu thương nhưng vì sự giận hờn mà mối quan hệ đó lúc nào cũng đứng trước nguy cơ xảy ra “chiến sự”. Nặng thì mắng chửi thậm chí đánh đập nhau. Nhẹ thì “chiến tranh lạnh” nổ ra, không ai nói với ai một lời. Bao giờ cũng vậy, phụ nữ luôn muốn vợ chồng hòa bình trở lại nhưng họ thường thể hiện trái ngược với mong muốn của mình.

Như một quy luật về tâm lý, phụ nữ không ai muốn mình là người phải làm lành mà trách nhiệm đó phải của người chồng. Do vậy, sau khi cãi nhau, nhiều bà vợ coi chồng như kẻ vô hình, không trò chuyện, không nhắn tin, không nghe điện thoại. Họ làm mặt giận như vậy là để người chồng phải làm lành với mình.

Nhưng thực tế thì sự cố chấp và lòng tự tôn không giúp các bà vợ hả giận, mà chỉ làm tình cảm của họ và nửa còn lại thêm rời rạc. Vì thế các chuyên gia khuyên chị em không nên để tình trạng này kéo dài vì đó không phải là cách hữu hiệu nhất để trừng phạt ai cả, ngược lại còn khiến cho bản thân cảm thấy mệt mỏi, không khí gia đình nặng nề, khó chịu và để lâu còn ảnh hưởng không tốt đến tình cảm vợ chồng.

“Hạt giống giận” trong tâm

Trong cuốn Giận của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thiền sư cho rằng: Khi ai làm cho ta giận ta thường cho rằng chính người đó đã làm cho ta khổ. Ta đỗ lỗi hoàn toàn cho người đó.

Tuy nhiên, nếu xét cho thật kỹ, ta sẽ khám phá ra rằng cơn giận đã có sẵn trong ta dưới hình thức một hạt giống, “hạt giống giận”. “Hạt giống giận” trong ta mới là nguyên nhân chính làm ta giận và khổ. Bởi có rất nhiều người cũng gặp hoàn cảnh giống ta mà lại không nổi giận như ta.

Cũng cùng một lời nói, cũng cùng một cử chỉ mà người kia thì giữ được bình tĩnh trong khi ta lại giận dữ. Tại sao ta có thể nổi giận dễ dàng như vậy? Có thể là vì “hạt giống giận” trong ta quá mạnh. Và vì ta không có cơ hội tu tập chăm sóc cơn giận cho nên “hạt giống giận” đã được tưới tẩm quá nhiều trong quá khứ.

Nhưng trong vài người hạt giống giận đã trở thành mạnh hơn những hạt giống của hiểu biết, thương yêu. Người kia chỉ là nguyên nhân thứ yếu của niềm đau nỗi khổ của ta. Nhờ có chăm sóc cơn giận, ta ý thức rằng người kia còn đang đau khổ và ta bắt đầu để tâm đến người ấy.

Việc đổ lỗi cho người khác là nguyên nhân dẫn đến cơn giận của mình, theo Thiền sư đó là xu hướng khá phổ biến ở hầu hết trong chúng ta. Vì thế, cách xử lý thường thấy khi giận là ta thường làm một việc gì đó để cho người kia khổ, nghĩ rằng làm như thế thì ta sẽ bớt khổ.

Ta tự bảo: “Tôi muốn trừng phạt anh. Tôi muốn làm cho anh đau khổ vì anh đã làm cho tôi đau khổ. Thấy anh đau khổ tôi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn”.

Rất nhiều người có xu hướng hành động một cách trẻ con như vậy. Sự thật là khi ta làm cho người kia đau khổ thì người ấy sẽ trả đũa bằng cách làm cho ta đau khổ thêm. Kết quả là leo thang đau khổ cho cả hai bên.

Vậy nên, theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, để giải quyết được nỗi khổ do cơn giận mang lại thì điều cần làm là chúng ta không đổ lỗi cho ai. Hãy xem cơn giận như là em bé đang la khóc, còn mình là mẹ của em bé đó. Hãy ôm ấp cơn giận như người mẹ ôm ấp em bé, vỗ về và yêu thương.

Khi ai đó làm cho ta giận thì ta phải trở về với thân tâm và chăm sóc cơn giận của mình. Bởi khi giận, nếu tiếp tục đối đầu, tranh cãi với người làm cho ta giận, thì lúc đó sẽ trở thành hành động y như người chạy theo bỏ thêm lửa tự đốt ngôi nhà của mình”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Ngân Khánh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/thien-su-thich-nhat-hanh-chi-cach-hoa-giai-chien-tranh-lanh-vo-chong-20171027182220441.htm