Mỹ ưu tiên ngăn chặn xung đột tại Tây Phi trong thập kỷ tới

Mỹ có kế hoạch hỗ trợ dài hạn cho các nước như Cote D'voire, Benin, Togo... trong bối cảnh gia tăng lo ngại rằng bạo lực thánh chiến ở khu vực Sahel có thể lan sang vùng duyên hải Tây Phi.

Binh sĩ Cameroon tham gia cuộc tập trận Flintlock 2023 tại Daboya thuộc vùng Savannah, Ghana, ngày 11/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Binh sĩ Cameroon tham gia cuộc tập trận Flintlock 2023 tại Daboya thuộc vùng Savannah, Ghana, ngày 11/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ông Michael Heath, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Tây Phi, trong khi các thành phố ven biển kết nối với thế giới thông qua các cảng biển vẫn khá an toàn, bạo lực lại gia tăng ở các khu vực giáp ranh giữa Mali và Burkina Faso. Ông đánh giá đây là một mối đe dọa đáng kể và đang có xu hướng gia tăng. Đáng lo ngại là các chính quyền sở tại hầu như không có năng lực ứng phó vì chưa bao giờ đối mặt với mối đe dọa như thế này trước đây.

Những lo ngại về tình hình bạo lực ở Sahel gia tăng từ khi Pháp kết thúc chiến dịch kéo dài 8 năm chống lại các phần tử thánh chiến tại đây. Giới chức Mỹ cho rằng bất ổn tại khu vực này còn có nguyên nhân là sự cạnh tranh về tài nguyên khi biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn cung, ảnh hưởng phát triển kinh tế. Xuất phát từ lý do này, Washington dự định các hoạt động hỗ trợ sẽ tập trung một phần vào việc giải quyết các lỗ hổng kinh tế. Theo ông Gregory LoGerfo, một quan chức chống khủng bố cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, các chính phủ trong khu vực cần quan tâm hơn đến cách tiếp cận toàn diện và quản trị tốt. Ngoài ra, các chính phủ Tây Phi cần được trợ giúp trong xây dựng hệ thống pháp lý để có thể phân biệt những người tị nạn hợp pháp chạy trốn khỏi Sahel và các mối đe dọa an ninh.

Báo cáo công bố tháng 3 vừa qua nhận định các nước khu vực Sahel đã hứng chịu nhiều cuộc tấn công khủng bố hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Điều quan trọng là phải "ngăn chặn xung đột bạo lực bùng phát hoặc lan rộng hơn nữa trong khu vực."

Tháng trước, Phó Tổng thống Kamala Harris đã đến thăm Ghana vào như một phần trong nỗ lực của Mỹ tăng cường sự hiện diện ở châu Phi, với cam kết viện trợ 100 triệu USD trong 10 năm để củng cố khả năng phục hồi của các nước vùng duyên hải Tây Phi. Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đang xem xét khoản hỗ trợ bổ sung từ ngân sách chống khủng bố.

Trong chiến lược toàn cầu mới nhằm ngăn chặn xung đột và ổn định khu vực, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã xác định vùng duyên hải Tây Phi là ưu tiên hàng đầu trong thập kỷ tới. Tình trạng bạo lực cực đoan không chỉ gây bất ổn tại các nước vùng Sahel ở Tây Phi như Mali, Burkina Faso và Niger mà còn đang nhanh chóng lan sang các quốc gia ven biển như Ghana. Theo Dự án Dữ liệu sự kiện và vị trí xung đột vũ trang, năm ngoái, số vụ bạo lực tại ở Bắc Ghana tăng mạnh lên 19 vụ, trong khi năm trước đó chỉ ghi nhận 1 vụ.

TTXVN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-uu-tien-ngan-chan-xung-dot-tai-tay-phi-trong-thap-ky-toi-20230408092526192.htm