Mỹ tuyên bố đáp trả nếu Trung Quốc xây dựng căn cứ ở Solomon

Quan chức Mỹ tuyên bố sẽ đáp trả bất kỳ nỗ lực nào nhằm thiết lặp căn cứ quân sự ở quần đảo Solomon theo thỏa thuận gần đây của nước này với Trung Quốc.

Tuyên bố của Mỹ được đưa ra trong cuộc họp kéo dài 90 phút giữa các quan chức cấp cao của Mỹ với Thủ tướng quần đảo Solomon Manasseh Sogavare và 20 thành viên trong nội các và nhân viên cấp cao của Solomon hôm 22/4.

Tuy nhiên, ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, không tiết lộ về cách thức phản ứng của Washington nếu Bắc Kinh xây căn cứ quân sự ở Solomon.

Phái Trung Quốc và quần đảo Solomon tuyên bố ký thỏa thuận an ninh song phương.

Phái Trung Quốc và quần đảo Solomon tuyên bố ký thỏa thuận an ninh song phương.

Theo ông Daniel Kritenbrink, mục đích của Mỹ "giải thích với những người bạn của chúng tôi... nhưng cũng để trao đổi một cách rất thẳng thắn về những lo ngại về thỏa thuận an ninh mà họ đã ký kết với Trung Quốc".

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cũng cho hay, Thủ tướng Manasseh Sogavare đã nhắc lại "những đảm bảo cụ thể rằng sẽ không có căn cứ quân sự... không có sự hiện diện lâu dài, không nâng cấp năng lực quân sự".

Ông Daniel Kritenbrink cho rằng, thỏa thuận an ninh giữa quần đảo Solomon và Trung Quốc "thiếu minh bạch" và đặt câu hỏi về động cơ của hai bên.

“Rõ ràng là chỉ có một số rất ít người biết về nội dung thỏa thuận này, và Thủ tướng Manasseh Sogavare cho biết ông sẽ chỉ chia sẻ các chi tiết khi có sự cho phép của Trung Quốc - đây chính là vấn đề gây quan ngại”, ông Daniel Kritenbrink nói, cáo buộc thiếu minh bạch là đặc điểm của các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cũng cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở nước ngoài và xây dựng cơ sở hạ tầng để có thể thể hiện sức mạnh quân sự của mình ở những nơi xa hơn so với lãnh thổ mình.

Hôm 19/4, Trung Quốc và quần đảo Solomon thông báo đã ký hiệp ước an ninh nhưng không công bố chi tiết. Tuy nhiên, theo bản dự thảo bị rò rỉ hồi tháng Ba, tàu thuyền Trung Quốc sẽ được phép thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại Solomon. Bắc Kinh cũng có thể triển khai "các lực lượng thích hợp" để bảo vệ nhân viên cùng dự án của nước này ở Solomon.

Thỏa thuận an ninh giữa quần đảo Solomon và Trung Quốc được xem là lý do buộc Mỹ cử ông Kritenbrink và ông Kurt Campbell - Điều phối viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đến khu vực.

Chuyến thăm tới quần đảo Solomon là chặng cuối cùng trong chuyến đi xuyên Thái Bình Dương của phái đoàn Mỹ. Trước đó, họ đã dừng chân ở Hawaii, Fiji và Papua New Guinea.

Kông Anh(Nguồn: Straits Times)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/my-tuyen-bo-dap-tra-neu-trung-quoc-xay-dung-can-cu-o-solomon-ar673360.html