Mỹ tung lệnh trừng phạt vô nghĩa, Iran đoạn tuyệt ngoại giao

Tổng thống Trump áp lệnh trừng phạt vào lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, không cho tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/6 chính thức ký vào lệnh trừng phạt mới nhất nhằm vào Iran và Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, cáo buộc ông đứng sau các hành động gây bất ổn của Iran, đồng thời cảnh báo lệnh cấm vận có thể kéo dài nhiều năm.

Tổng thống Trump tại Phòng Bầu dục sáng 24/6 ký lệnh trừng phạt mới nhất vào Iran. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Trump tại Phòng Bầu dục sáng 24/6 ký lệnh trừng phạt mới nhất vào Iran. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng áp lực với Iran. Họ sẽ không bao giờ được sở hữu vũ khí hạt nhân" – Tổng thống Trump phát biểu sau khi ký vào sắc lệnh trừng phạt.

Ông chủ Nhà Trắng cho rằng lãnh tụ Khamenei phải chịu trách nhiệm vì các hoạt động gây bất ổn của Tehran.

"Chúng tôi không theo đuổi xung đột. Phản ứng của Iran sẽ quyết định thời điểm chấm dứt cấm vận, nó có thể diễn ra ngay ngày mai hoặc kéo dài thêm nhiều năm" – ông Trump nói thêm.

Ông nói rằng lệnh trừng phạt sẽ cấm các lãnh đạo Iran tiếp cận các hệ thống tài chính quốc tế, nhưng chính phủ Mỹ chưa cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Tổng thống Mỹ ban đầu cho biết lệnh cấm vận nhằm đáp trả vụ Tehran bắn rơi máy bay trinh sát không người lái (UAV) trị giá 200 triệu USD của Washington hôm 20/6. Tuy nhiên, sau đó ông khẳng định những biện pháp trừng phạt vẫn được áp đặt dù vụ bắn hạ UAV có xảy ra hay không.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo 8 chỉ huy Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt.

Với việc lãnh đạo Iran hầu như không giữ tài sản giá trị nào ở các ngân hàng quốc tế hay sử dụng các ngân hàng này cho các giao dịch, tác dụng của lệnh trừng phạt mới hầu như rất ít.

Trong khi đó, tờ New York Times, việc lệnh trừng phạt mang tính biểu tượng là chủ yếu cho thấy chính quyền TT Trump ngày càng ít các đòn trừng phạt kinh tế mới. Washington giờ chủ yếu quan sát coi lệnh trừng phạt dầu mỏ hồi cuối tháng 4 sẽ buộc các lãnh đạo Iran phải nhượng bộ tới mức nào. Theo đó, chính quyền Tổng thống Trump cấm các quốc gia mua dầu mỏ từ Iran, trong khi đây chính là xương sống của nền kinh tế nước này.

Dẫu có ít tác động thực tế, lệnh trừng phạt từ Mỹ đã khiến Tehran phản ứng mạnh mẽ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Abbas Mousavi ngày 25/6 đăng dòng tweet tuyên bố những lệnh trừng phạt mới được chính quyền Mỹ áp đặt đã đóng lại vĩnh viễn con đường ngoại giao giữa Tehran và Washington.

“Áp đặt những biện pháp trừng phạt vô dụng lên lãnh tụ tối cao Iran (Ayatollah Ali Khamenei) và lãnh đạo ngoại giao của Iran (Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif) sẽ đóng cửa vĩnh viễn con đường ngoại giao" – ông Mousavi đăng dòng tweet.

"Chính quyền liều lĩnh của ông Trump đang phá hủy những cơ chế quốc tế được thiết lập để gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới" – người phát ngôn cho biết thêm.

Ông Trump nhằm vào Tổng thống Iran, Tehran cảnh báo không còn khả năng đối thoại.

Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Majid Takht Ravanchi cũng bình luận rằng, Iran sẽ không tham gia đối thoại với bất cứ quốc gia nào đe dọa Iran bằng trừng phạt.

"Chúng tôi không chịu khuất phục trước áp lực. Mỹ đã gây áp lực với Iran và hôm nay, chúng tôi đã chứng kiến rằng họ đã bổ sung thêm các biện pháp trừng phạt. Nếu còn dùng chiến lược đó, sẽ không còn cách nào để Iran và Mỹ tiến hành một cuộc đối thoại” – ông Ravanchi khẳng định.

Vị Đại sứ cho biết thêm: "Quyết định của Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Iran là một dấu hiệu khác cho thấy sự thù địch của Mỹ đối với người dân Iran và các nhà lãnh đạo của chúng tôi. Mỹ đang không tôn trọng luật pháp và trật tự quốc tế… Để giảm leo thang, Mỹ nên tự loại bỏ mình ra khỏi khu vực của chúng tôi và cũng nên tránh xa cuộc chiến kinh tế chống lại nhân dân chúng tôi."

Động thái trừng phạt của ông Donald Trump cũng gây ra không ít bất ngờ. Chỉ trước đó 1 ngày, Đặc phái viên của Mỹ về Iran Brian Hook đã nói về khả năng nước Mỹ sẽ ngồi xuống đối thoại cùng với Iran. Ông nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters: “Tổng thống sẵn sàng ngồi xuống đối thoại với chính quyền Iran. Tôi nghĩ câu hỏi là tại sao Tehran liên tục bác bỏ biện pháp ngoại giao".

Theo vị đặc phái viên, Tổng thống Trump sẵn sàng đàm phán thỏa thuận giúp gỡ bỏ lệnh cấm vận của Washington nhằm vào Tehran, với điều kiện Iran từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, cũng như chấm dứt hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực. Đây là những điều mà lâu nay Iran luôn phủ nhận.

Ông John Smith, người từng là Giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Kho bạc Mỹ cho biết, Washington chưa bao giờ nhắm mục tiêu vào một nguyên thủ quốc gia Iran từ trước đến nay. Do đó, lần trừng phạt này là và đó là dấu hiệu ông Trump đang cá nhân hóa các lệnh trừng phạt nhằm vào một quốc gia.

“Nói chung, khi bạn nhắm mục tiêu vào một người đứng đầu quốc gia, bạn không còn đường quay lại nữa. Đó cũng có nghĩa là các lựa chọn đã kết thúc” – ông Smith nhận định.

Một số nhà phân tích chính sách cho rằng các lệnh trừng phạt trước đó được ban hành theo chiến dịch áp lực tối đa của ông Trump là lý do tại sao Iran cảm thấy bắt buộc phải áp dụng các chiến thuật mạnh mẽ hơn khi nền kinh tế của nước này cảm thấy khủng hoảng. Chính quyền Trump muốn buộc Tehran mở các cuộc đàm phán về các chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như các hoạt động của nó trong khu vực.

Nhưng điều đó sẽ càng khiến Iran không khuất phục, nhất là khi họ có những tấm gương sáng đã lội ngược dòng một cách hoàn hảo trước trừng phạt của ông Trump như Nga hay Trung Quốc.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-tung-lenh-trung-phat-vo-nghia-iran-doan-tuyet-ngoai-giao-3382581/