Mỹ tung đòn hiểm với Thổ Nhĩ Kỳ vì mua S-400 của Nga

Đến nay Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ nhận được một chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-35 do tập đoàn Loockheed Martin sản xuất.

Các quan chức Mỹ đã nói với những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ sẽ không nhận được thêm bất kỳ lô thiết bị liên quan tới tiêm kích F-35 nào nữa, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin nắm rõ tình hình cho biết ngày 1-4.

Lầu Năm Góc cũng đã xác nhận với Reuters thông tin ngừng bàn giao các thiết bị liên quan tới F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

“Trong khi chờ đợi một quyết định mập mờ của Thổ Nhĩ Kỳ về việc từ bỏ S-400, việc chuyển giao và các hoạt động liên quan tới khả năng vận hành F-35 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đình chỉ”, Thiếu tá không quân Mỹ Mike Andrews, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết trong một tuyên bố.

Tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ tại một buổi triển lãm hàng không ở Đức. Ảnh: REUTERS

Tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ tại một buổi triển lãm hàng không ở Đức. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã từ chối rút lại thương vụ mua S-400 từ Nga mà Mỹ cho rằng sẽ làm tổn hại tới việc bàn giao F-35. Bất đồng về F-35 trở thành tranh cãi ngoại giao mới nhất giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sau một loạt căng thẳng như Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, bất đồng về chính sách Trung Đông và cuộc chiến ở Syria cho tới lệnh trừng phạt vào Iran.

Theo hãng tin Sputnik, Bộ Quốc phòng Mỹ đang tìm nguồn cung thứ cấp để thay thế các bộ phận máy bay F-35 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất sau khi Washington đình chỉ các hoạt động liên quan tới khả năng vận hành F-35 của Thổ Nhĩ Kỳ, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Charles Summers cho biết.

Hiện giới chức Thổ Nhĩ Kỳ chưa có phản hồi thông tin trên.

Reuters nhận định quyết định trên của Mỹ có thể làm phức tạp chuyến thăm Washington của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu trong tuần này để dự hội nghị thượng đỉnh NATO.

“Một số hệ thống vũ khí Nga được xem là mối đe dọa cố hữu cho Mỹ bất luận là do ai vận hành hay vì mục đích gì. Vì Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là nước mua F-35 mà còn là một đối tác công nghiệp, cho nên việc chặn bàn giao những hệ thống này tượng trưng cho một sự leo thang lớn của Mỹ”, chuyên gia Andrew Hunter làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.

Hãng tin RT cho biết, là một đồng minh NATO của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt mua 100 chiếc F-35 và đã ký hợp đồng về sản xuất thân máy bay và các bộ phận khác cho F-35. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình này do lo ngại kế hoạch mua S-400 của Ankara có thể tạo điều kiện giúp hệ thống của Nga theo dõi và phát hiện F-35.

Đến nay Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ nhận được một đơn vị của dòng tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm này.

Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: RT

Tổng thống Mỹ Donald Trump năm ngoái đã ký một dự luật chặn bàn giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, song văn phòng kiểm soát chương trình F-35 cho hay họ sẽ thực hiện việc bàn giao theo đúng kế hoạch hiện nay. Bốn nghị sĩ Mỹ tuần trước đã tung ra một dự luật lưỡng đảng khác cấm chuyển F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ cho tới khi Ankara đồng ý từ bỏ thương vụ S-400.

Hiện tại, thương vụ mua S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang được bàn. “Hợp đồng với Nga về S-400 vẫn có hiệu lực và những hệ thống phòng thủ này sẽ được chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc đàm phán hiện nay về vấn đề này đang được tiến hành”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói hôm 29-3, theo hãng tin TASS.

Khẩu đội S-400 đầu tiên trong số bốn khẩu đội Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua sẽ được bàn giao vào tháng 7 tới. Washington đến nay thất bại trong việc thuyết phục Ankara từ bỏ mua hệ thống phòng không của Nga để mua hệ thống Patriot đắt đỏ hơn.

Chiếc F-35 đầu tiên được chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ trong một buổi lễ ở bang Texas (Mỹ) hồi tháng 6-2018. Các phi công Thổ Nhĩ Kỳ đã được huấn luyện về F-35 tại một căn cứ không quân ở bang Arizona (Mỹ) từ tháng 7 năm ngoái.

Thổ Nhĩ Kỳ tham gia dự án phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35 cùng 8 quốc gia khác từ năm 2002, với khoản đóng góp hàng tỉ USD. Đổi lại, Mỹ sẽ cung cấp 100 chiếc F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cho tới năm ngoái, Ankara được cho là đã đóng góp khoảng 1,25 tỉ USD, theo hãng tin Bloomberg.

Ngoài ra, 10 công ty của Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch sản xuất 12 tỉ USD các bộ phận chủ chốt như thân máy bay, thiết bị hạ cánh. Ankara cũng là nhà cung cấp duy nhất màn hình hiển thị trong buồng lái trong số các nước tham gia chương trình.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/my-tung-don-hiem-voi-tho-nhi-ky-vi-mua-s400-cua-nga-825127.html