Mỹ từng dọa giáng đòn hạt nhân Trung Quốc như thế nào

Quân đội Trung Quốc đại lục từng dồn dập đánh chiếm quần đảo trong vùng lãnh thổ Đài Loan, khiến Mỹ tức giận và dọa đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.

Pháo đài bay B-52 của Mỹ.

Theo National Interest, cuộc nội chiến Trung Quốc kết thúc năm 1950 với việc Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo phải rút chạy sang chuỗi đảo Đài Loan.

Quân Tưởng Giới Thạch khi đó kiểm soát nhiều hòn đảo lớn nhỏ, bao gồm cả những hòn đảo chỉ cách Trung Quốc đại lục vài km. Những hòn đảo này nhanh chóng trở thành căn cứ kiên cố để Quốc dân đảng đấu súng với quân đội Trung Quốc ở đại lục.

Năm 1950, chiến tranh Triều Tiên nổ ra khiến Tổng thống Mỹ khi đó là Harry Truman quyết định điều Hạm đội 7 đến bảo vệ Đài Loan. Ngược lại, quân Tưởng Giới Thạch cũng không được phép phát động tấn công Trung Quốc đại lục.

Chiến lược này thay đổi kể từ khi Tổng thống Dwight D. Eisenhower lên nắm quyền vào năm 1953. Hạm đội 7 của Mỹ rút đi tạo điều kiện để Quốc dân đảng tiếp tục củng cố lực lượng giao chiến với quân Trung Quốc.

Nhưng hải quân Trung Quốc khi đó cũng kịp tăng cường sức mạnh với pháo hạng nặng, tàu chiến và máy bay mua từ Liên Xô. Một loạt các cuộc đấu súng, giao tranh trên biển và các cuộc bắn phá trên không diễn ra sau đó đã gây ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhất.

Ngày 14.11.1953, 4 tàu ngư lôi của hải quân Trung Quốc phục kích tàu khu trục Tai-ping của Quốc dân đảng. Ánh sáng phát ra từ tàu này vô tình giúp các tàu của Trung Quốc dễ dàng nhận diện được mục tiêu và tấn công bằng ngư lôi. Con tàu có lượng giãn nước 1.400 tấn này nhanh chóng chìm trước khi được cứu.

Máy bay ném bom Il-10 Sturmovik của lực lượng không quân hải quân Trung Quốc đã tấn công Cảng Dachen, đánh chìm tàu đổ bộ Zhongquan. Những hành động này cho thấy phe Quốc dân đảng không thể bảo đảm an toàn cho các khu vực vùng biển gần Trung Quốc đại lục.

Trong khi nã pháo vào đảo Kim Môn, phía đông thành phố Hạ Môn, quân đội Trung Quốc lên kế hoạch đánh chiếm quần đảo Dachen. Tuy nhiên, đảo Yijiangshan, cách bờ biển Trung Quốc khoảng 16km trở thành vật ngáng đường. Hòn đảo nhỏ này được bảo vệ bởi hơn 1.000 lính Quốc dân đảng, 100 ụ súng máy và 60 khẩu pháo.

Tướng quân đội Trung Quốc Zhang Aiping thuyết phục chính quyền Bắc Kinh về một cuộc đổ bộ lên đảo Yijiangshan. Cuộc đổ bộ ban đầu được ấn định vào ban đêm, nhưng đã phải chuyển sang “kiểu Trung Quốc”, tức là dùng hỏa lực áp đảo và đổ bộ ngay trong ngày.

Pháo binh Đài Loan diễn tập quân sự.

8 giờ sáng ngày 18.1.1955, 54 máy bay tấn công Il-10 và máy bay ném bom Tu-2 hai động cơ, được 18 máy bay chiến đấu La-11 hộ tống đã tấn công đại bản doanh và các vị trí đặt pháo binh của quân đội Quốc dân đảng. Đây là đợt tấn công đầu tiên kéo dài 6 tiếng trên không, bao gồm 184 máy bay và thả tổng cộng 115 tấn bom.

Trong khi đó, bốn tiểu đoàn pháo binh hạng nặng và súng máy trên bờ ở gần Toumenshan cũng nã đạn dữ dội lên đảo Yijiangshan.

Cuộc đổ bộ diễn ra vào 2 giờ chiều cùng ngày với sự tham gia của 3.000 quân. Binh sĩ Trung Quốc tấn công đảo bằng 140 tàu đổ bộ và phương tiện vận chuyển, được hộ tống bởi 4 tàu khu trục nhỏ, hai pháo hạm và 6 tàu phóng rocket.

Đến thời điểm đó, lực lượng Quốc dân đảng trên đảo Yijiangshan đáp trả khá yếu ớt dù đánh chìm 1 tàu của hải quân Trung Quốc và làm hư hỏng 21 tàu khác.

Binh sĩ Trung Quốc đặt trên lên bờ biển phía nam hòn đảo vào 2 giờ 30 phút, hứng chịu thương vong lớn trước các ụ súng máy của Quốc dân Đảng. Vào khoảng 3 giờ chiều, đợt tấn công mang tính đột phá giúp quân Trung Quốc chiếm giữ cao điểm trên Đồi 93.

Quân Quốc dân đảng sau đó phải rút về cố thủ dưới lòng đất. Trung Quốc đáp trả bằng cách dùng súng phun lửa để dọn sách lô cốt và đường hầm. Tướng chỉ huy Quốc dân đảng là Wang Shen-ming gửi thông điệp cuối cùng, thông báo quân Trung Quốc đang áp sát. Tướng Wang Shen-ming sau đó tự sát bằng lựu đạn.

5 giờ 30 phút chiều, quân đội Trung Quốc tuyên bố kiểm soát hoàn toàn đảo Yijiangshan. Tướng Zhang Aiping ra lệnh chuyển trụ sở chỉ huy lên đảo và yêu cầu binh sĩ nhanh chóng thiết lập phòng tuyến, đề phòng Quốc dân đảng phản công.

Cuộc đổ bộ chiếm đảo của Trung Quốc ghi nhận 1.529 người thương vong, bao gồm 416 binh sĩ thiệt mạng. Quân đội Trung Quốc nói Quốc dân đảng tổn thất 567 lính và bắt sống 519 người khác.

Kiểm soát đảo Yijiangshan, Trung Quốc nhanh chóng mở chiến dịch tấn công nhằm vào quần đảo Dachen. Đợt nã pháo và không kích dữ đội đến mức cố vấn Mỹ yêu cầu Quốc dân đảng sơ tán người khỏi đảo.

Quân đội Trung Quốc trong một cuộc diễn tập đổ bộ chiếm đảo.

Ngày 5.2.1955, 132 tàu chiến của Hạm đội 7 được 400 máy bay yểm trợ, sơ tán 14.500 dân thường và 14.000 lính Quốc dân đảng khỏi quần đảo Dachen, chấm dứt sự kiểm soát của Đài Loan với khu vực này.

Cũng trong thời điểm này, Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết cam kết bảo vệ Đài Loan khỏi các chiến dịch tấn công tiếp theo từ Trung Quốc đại lục. Đến tháng 3, Mỹ chính thức gửi thông điệp cảnh báo sẽ giáng đòn hạt nhân Trung Quốc để bảo vệ Đài Loan.

Một tháng sau đó, lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông ra tín hiệu sẵn sàng đàm phán và các đợt ném bom cũng chấm dứt vào tháng 5.

Chính sách đẩy căng thẳng đến bờ vực chiến tranh hạt nhân của Tổng thống Mỹ Eisenhower khi đó được cho là yếu tố then chốt giúp tạm ngừng xung đột eo biển Đài Loan.

3 năm sau, khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai diễn ra nhưng vị thế của Đài Loan đã khác xưa, nhờ được Mỹ cung cấp tên lửa không đối không Sidewinder và pháo hạng nặng.

Ngày nay, Mỹ vẫn cam kết bảo vệ vùng lãnh thổ Đài Loan dù Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm ngoái tuyên bố ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc”. Chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh coi Hong Kong, Macau và Đài Loan đều thuộc Trung Quốc.

Đăng Nguyễn - NI

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/my-tung-doa-giang-don-hat-nhan-tq-de-bao-ve-dai-loan-830532.html