Mỹ từng có ý định phát động chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên?

Trong cuốn sách mới nhất của mình, nhà báo kì cựu Bob Woodward tiết lộ rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump từng lên kế hoạch hủy diệt Triều Tiên bằng 80 loại vũ khí hạt nhân.

Hệ thống tên lửa Hàn Quốc Hyunmoo II (trái) và hệ thống tên lửa chiến thuật MGM-140 (tầm bắn 300 km) của quân đội Mỹ (phải) trong cuộc tập trận chung ngày 29/7/2017. (Ảnh: Thanh Niên)

Hệ thống tên lửa Hàn Quốc Hyunmoo II (trái) và hệ thống tên lửa chiến thuật MGM-140 (tầm bắn 300 km) của quân đội Mỹ (phải) trong cuộc tập trận chung ngày 29/7/2017. (Ảnh: Thanh Niên)

(Bài viết trích dẫn quan điểm của Doug Bandow, cựu trợ lý đặc biệt của cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan)

Ý đồ của Trump

Vào ngày 11/9 vừa qua, Bob Woodward - một trong hai nhân vật huyền thoại thực hiện vụ điều tra Watergate khiến Tổng thống thứ 37 của Mỹ Richard Nixon phải từ chức, đã ra mắt cuốn sách mới có tựa đề “Rage”.

Cuốn sách tiết lộ những bí mật đáng lo ngại về hoạt động của chính quyền Trump trong nhiệm kỳ vừa qua. Một trong số đó là việc Tổng thống Trump đã từng có ý định phát động chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên.

Bìa cuốn "Rage" của nhà báo kì cựu Bob Woodward. (Ảnh: Tribune Content Agency)

Theo Bob Woodward, ông Trump đã chuẩn bị một kế hoạch tấn công Triều Tiên với hơn 80 loại vũ khí hạt nhân. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis cho biết, hai nước đã đứng trên bờ vực của một cuộc chiến hạt nhân vào cuối năm 2017. Khi đó, ông Trump đe dọa Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “lửa và giận dữ” nếu tiếp tục gây hấn với Mỹ.

Những bí mật được Bob Woodward tiết lộ đã gây ra những tranh cãi lớn tại Hàn Quốc. Lầu Năm Góc dường như đã chuẩn bị rất nhiều kế hoạch để chống lại một số quốc gia, cho dù không hề muốn. Bên cạnh đó, không có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump đang triển khai các kế hoạch mới để tấn công hạt nhân Triều Tiên.

Tổng thống Donald Trump trò chuyện với nhà báo Bob Woodward vào tháng 12-2019 tại Nhà Trắng. (Ảnh: White House)

Sự vượt trội về mọi mặt của Mỹ là lí do chính khiến Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân để không bị dễ dàng “bắt nạt”. Việc sẵn sàng tấn công Bình Nhưỡng cho thấy Washington đã không tôn trọng luật quốc tế, tính mạng của người dân và các tác động tiêu cực tới khu vực.

Rõ ràng Triều Tiên không hề mong muốn một cuộc chiến tranh hạt nhân. Càng không có khả năng Bình Nhưỡng sẽ tấn công phủ đầu trước. Lực lượng 2 bên quá chênh lệch để ông Kim Jong-un liều lĩnh như vậy.

Lí do duy nhất khiến 2 nguyên thủ quốc gia đối đầu đó là sự can thiệp của Mỹ trong khu vực. Cụ thể hơn, nếu Mỹ không duy trì quân đội và các đồn trú trên lãnh thổ Hàn Quốc, Bình Nhưỡng sẽ “phớt lờ” Washington. Sẽ không có một “mối đe dọa từ Mỹ” nào với chính quyền Kim Jong-un. Mọi khả năng cho một cuộc xung đột vũ trang đều bắt nguồn từ các chính sách của Washington trên bán đảo Triều Tiên.

Vì vậy, việc chính phủ Mỹ lập luận rằng họ tấn công hạt nhân để ngăn chặn Triều Tiên khai hỏa trước là vô căn cứ. Hoa Kỳ sẽ thành kẻ gây hấn trong khu vực, thay vì một đồng minh đáng tin cậy của Hàn Quốc nếu làm vậy.

Viễn cảnh khủng khiếp

Rải một loạt bom hạt nhân lên lãnh thổ Triều Tiên sẽ “thiêu rụi vài triệu người”- cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis tiết lộ. Ngay cả khi sống sót, họ sẽ không thể sinh sống trên một đất nước chỉ còn lại những hố bom. Hậu quả chưa dừng lại ở đó; phóng xạ sẽ lan rất nhanh đến các nước lân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga.

Mặt khác, nếu Mỹ thất bại trong việc hủy diệt Triều Tiên, Hàn Quốc sẽ là nước đầu tiên phải nhận hậu quả. Mở màn sẽ là một cuộc pháo kích quy mô lớn thẳng vào thủ đô Seoul. Sau đó, một đội quân với hàng nghìn chiếc xe tăng của Bình Nhưỡng sẽ tiến vào lãnh thổ Hàn Quốc. Cả 2 bên sẽ phải hứng chịu những thương vong và thiệt hại vô cùng nghiêm trọng.

Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, hàng triệu người dân sẽ thiệt mạng nếu chiến tranh hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ nổ ra. (Ảnh: The San Diego Union -Tribune)

Nhật Bản và bán đảo Guam sẽ là những nạn nhân tiếp theo. Chỉ cần Triều Tiên thả một quả bom hạt nhân, hay phóng một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào các thành phố như Tokyo, Okinawa và bán đảo Guam, sẽ có thêm hàng triệu người thiệt mạng. Cho dù phe đồng minh của Mỹ chắc chắn giành phần thắng, cuộc chiến này sẽ là một thảm họa với loài người.

Sau khi kết thúc cuộc chiến, vị thế của Mỹ trên trường quốc tế sẽ giảm mạnh. Washington sẽ phải chịu những sự phản đối gay gắt, vì đã sử dụng vũ khí hạt nhân mà không có một bằng chứng nào cho thấy Triều Tiên có ý định khai hỏa trước. Việc xây dựng và duy trì mối quan hệ thân thiết với Nga, hay hợp tác với Trung Quốc sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Các nước trung lập càng có thêm lí do để cùng nhau liên kết chống lại Washington. Thậm chí, các đồng minh cũng có thể quay lưng với Hoa Kỳ.

Chiến tranh không phải là lựa chọn khôn ngoan

Danh tiếng của Mỹ trên trường quốc tế đã bị ảnh hưởng rất nhiều trong những năm gần đây, đặc biệt là sau cuộc tấn công Iraq năm 2003 và sự can thiệp vào nội chiến Libya. Việc ủng hộ Ả Rập Xê-Út can thiệp quân sự vào Yemen cũng góp phần không nhỏ. Khi Donald Trump lên nắm quyền, uy tín quốc tế của Mỹ lại tiếp tục lao dốc khi Trump gây hấn với hầu hết đồng minh về chính trị.

Pew Research Center, một Viện Nghiên cứu Chính sách phi đảng phái có trụ sở tại Washington, đã nhận xét trong báo cáo mới nhất rằng: “Trong cuộc khảo sát được thực hiện với 13 nước, uy tín của Hoa Kỳ đã bị sụt giảm mạnh, ngay cả với các đồng minh và đối tác chính như Anh, Pháp, Đức, Nhật, Canada và Úc. Tại một số nước như Canada, Anh, Nhật và Úc, tỉ lệ ủng hộ Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ qua.”

Kết quả khảo sát của Pew Research Center về tỷ lệ ủng hộ nước Mỹ trong 2 thập kỷ qua tại 6 nước Anh, Pháp, Đức, Nhật, Canada và Úc. (Ảnh: Pew Research Center)

Tiến hành chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên sẽ quét sạch tất cả những thiện chí còn lại của thế giới với Mỹ, kể cả những đồng minh thân cận nhất tại Châu Á. Hoa Kỳ sẽ bị coi là một nước hiếu chiến và nguy hiểm hơn rất nhiều so với Triều Tiên. Bắc Kinh và Moscow thậm chí có thể liên minh để cùng nhau chống lại Washington.

Đây không phải lần đầu tiên Mỹ lên kế hoạch tấn công Triều Tiên. Trong quá khứ, chính quyền Tổng thống Bill Clinton gần như đã phát động một cuộc chiến tranh tương tự.

Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Perry và cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, Mỹ đã huy động hàng trăm nghìn lính cho cuộc chiến và chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch tấn công vào các cơ sở hạt nhân tại Triều Tiên. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Young-sam khẳng định, chỉ có cuộc điện đàm của ông với Tổng thống Bill Clinton sau đó mới có thể ngăn chặn chiến tranh bùng nổ.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Young-sam.

Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in hoàn toàn không đồng tình với ý định tấn công hạt nhân của Mỹ. Một quan chức Hàn Quốc giấu tên đã tuyên bố: “Việc sử dụng vũ khí hạt nhân không nằm trong kế hoạch của chúng tôi, và việc sử dụng vũ lực là không được phép nếu không có sự đồng ý của Hàn Quốc.”

Mỹ đang trên đà trở thành quốc gia hiếu chiến nhất thế giới. 2 thập kỷ qua, số dân thường thiệt mạng trong các cuộc chiến tranh mà Mỹ tham gia lên đến hàng trăm nghìn. Hàng triệu người phải sơ tán. Những căng thẳng và xung đột tại Trung Đông khiến khu vực này trở nên bất ổn định hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, về hậu quả, không cuộc chiến nào trong quá khứ có thể sánh bằng cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington. Thành tựu to lớn nhất của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên suốt 67 năm qua, đó là ngăn chặn các cuộc xung đột mới xảy ra.

Việt Khôi

Theo National Interest

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/the-gioi/my-tung-co-y-dinh-phat-dong-chien-tranh-hat-nhan-voi-trieu-tien-181067.html