Mỹ tung chiêu độc khiến Ấn Động không thể bỏ qua 'bản sao F-22'

Với việc giành thế độc quyền sở hữu chiến đấu cơ F-21, loại máy bay được phát triển từ F-16 nhưng lại mang trong mình một số tính năng chiến đấu của chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, Mỹ đang 'tung chiêu độc' để Ấn Độ không thể bỏ qua và chọn loại chiến đấu cơ này.

Theo trang tin news18, tập đoàn hàng không vũ trụ khổng lồ Lockheed Martin (Mỹ) gần đây tuyên bố họ sẽ không bán mẫu máy bay chiến đấu mới ra lò F-21 cho bất cứ quốc gia nào khác nếu Ấn Độ đặt hàng 114 chiếc.

Lockheed đã công bố mẫu F-21 tại Triển lãm hàng không Ấn Độ ở Bengaluru hồi tháng Hai năm nay, Mỹ nhấn mạnh rằng loại máy bay mới sẽ đáp ứng các yêu cầu của Không quân Ấn Độ (IAF).

Trước đó, IAF đã đưa ra Đề nghị thông tin (RFI) đối với các nhà sản xuất máy bay chiến đấu để phục vụ cho kế hoạch mua sắm 114 chiến đấu cơ mới với chi phí khoảng 18 tỷ USD.

Gói thầu này được đánh giá là một trong những chương trình mua sắm quân sự lớn nhất thế giới trong vài năm trở lại đây.

Các hãng chế tạo hàng đầu đang tham gia đấu thầu bao gồm Lockheed (mẫu F-21), Boeing (F/A-18), Dassault Aviation (Rafale, Eurofighter Typhoon), MiG (MiG-35) và Saab (Gripen).

Ông Vivek Lall, phó giám đốc bộ phận Phát triển kinh doanh và chiến lược của công ty vũ khí Mỹ cho hay: "Chúng tôi sẽ không bán mẫu máy bay bay này và cấu hình của nó cho bất cứ ai trên thế giới. Đây là cam kết của Lockheed Martin. Nó cho thấy tầm quan trọng của Ấn Độ và tầm quan trọng của các yêu cầu mà New Delhi đưa ra".

Cũng theo ông Lall, nếu Lockheed giành được hợp đồng thì họ sẽ không chỉ xây dựng cơ sở sản xuất F-21 cùng tập đoàn Tata (Ấn Độ), mà còn giúp thiết lập một hệ sinh thái phục vụ cho việc phát triển toàn diện ngành sản xuất quốc phòng của New Delhi.

Mỹ cho biết F-21 dù bên ngoài không có nhiều khác biệt với mẫu F-16 Block 70 (cũng do Lockheed sản xuất), nhưng bên trong chúng đã được nâng cấp toàn diện và mang trong mình một số đặc tính của tiêm kích thế hệ thứ 5.

Không hiếm chuyên gia cho rằng, F-21 có thể được coi là bản sao rút gọn tính năng chiến đấu của F-22 Mỹ.

Tuổi thọ khung thân của F-21 là 12.000 giờ cao hơn rất nhiều so với mức 8.000 giờ trên F-16 và 4.000 - 6.000 giờ trên các máy bay của Nga.

Khả năng mang vũ khí của F-21 cũng tăng thêm 40% so với F-16.

“F-21 nhấn mạnh đến những yêu cầu đặc biệt của không quân Ấn Độ và đưa nước này vào hệ sinh thái chiến đấu cơ lớn nhất thế giới”, Lockheed Martin cho hay.

Không những vậy, Mỹ còn sẵn sàng chuyển giao dây chuyền sản xuất loại máy bay này.

Ấn Độ luôn đòi hỏi các đối tác phải chuyển giao công nghệ và cho sản xuất chiến đấu cơ trực tiếp trong nước, đây là điều trở ngại khiến cho các ứng cử viên dù rất mạnh nhưng vẫn bị rớt đài

Nhà sản xuất máy bay Mỹ công bố, F-21 sẽ được trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu mới, hệ thống ngắm bắn Sniper và trang bị nhiều vũ khí hạng nặng.

Buồng lái của F-21 cũng có nét hiện đại như trên tiêm kích F-35 với các màn hình cỡ lớn.

Lockheed nhấn mạnh các công nghệ đột phá trên F-21 được lấy từ F-22 và F-35 – hai mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 duy nhất đang hoạt động trên thế giới.

F-21 trang bị radar quét mảng pha điện tử chủ động APG-83, với tầm phát hiện mục tiêu gần như gấp đôi so với các loại radar cũ. Bên cạnh đó, nó có khả năng theo dõi và tấn công nhiều mục tiêu hơn, với độ chính xác cao hơn.

Hệ thống Tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại tầm xa (IRST) cho phép các phi công phát hiện mối đe dọa một cách chính xác, và một hệ thống cho phép tăng 40% khả năng mang vũ khí không-đối-không của máy bay. Đây thực sự là một trong những chiến đấu cơ mạnh mẽ nhất hiện nay chỉ sau tiêm kích thế hệ thứ 5.

Việt Hùng (Tổng Hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-my-tung-chieu-doc-khien-an-dong-khong-the-bo-qua-ban-sao-f22/810575.antd