Mỹ tung bằng chứng tên lửa Kh-101 của Nga kém tin cậy hơn AGM-158 JASSM

Trong cuộc không kích vào các mục tiêu bị cáo buộc là cơ sở sản xuất và tàng trữ vũ khí hóa học tại Syria, Không quân Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng tên lửa hành trình tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM, tuy nhiên nó bị phía Nga cáo buộc rằng kém tin cậy.

Trận oanh kích hôm 14/4 được ghi nhận là lần đầu tiên tên lửa hành trình tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM của Mỹ thực chiến.

Có tổng cộng 19 tên lửa loại này đã được phóng đi từ máy bay ném bom chiến lược siêu âm B-1B Lancer nhằm vào Trung tâm nghiên cứu khoa học Barzah của Syria.

Phía Mỹ tuyên bố rằng toàn bộ các tên lửa đều đã trúng mục tiêu và san phẳng cơ sở nghiên cứu của Syria, đạt tỷ lệ chính xác tuyệt đối 100%.

Tuy nhiên phía Syria và Nga bác bỏ và cho rằng hầu hết tên lửa đã bị đánh chặn hoặc không chính xác, cho thấy AGM-158 JASSM là loại vũ khí không đủ độ tin cậy.

Như để đáp lại phản ứng trên, phía Mỹ đã lật lại vụ không kích do Không quân Nga thực hiện bằng máy bay ném bom Tu-95MS và tên lửa hành trình Kh-101 hồi cuối năm 2015.

Khi đó các máy bay ném bom Tu-95MS được cho là đã cất cánh từ một căn cứ không quân của Iran để phóng Kh-101 vào mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo IS trên đất Syria.

Mặc dù Nga tuyên bố rằng toàn bộ tên lửa đã trúng mục tiêu nhưng Mỹ lại thông báo đã có vài quả bị rơi ngay trên đất Iran, dĩ nhiên Nga đã bác bỏ.

Sự việc trên gần như đã rơi vào quên lãng nếu không có vụ việc cáo buộc tên lửa JASSM kém hiệu quả vừa qua, như để trả đũa truyền thông Mỹ đã công bố một vài bức ảnh chụp xác tên lửa Kh-101 bị rơi trên đất Iran.

Kh-101 có thể mang đầu đạn nặng 400 kg và tầm bắn lên đến 9.600 km, sai số mục tiêu của nó chỉ trong khoảng 10 m, có khả năng bắn trúng các loại mục tiêu kích thước chỉ 2 - 3 m, bao gồm cả mục tiêu di động.

Tuy nhiên số lần Nga dùng Kh-101 không kích IS chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi đó tên lửa hành trình Kalibr có giá thành tương đương, thậm chí đắt đỏ hơn đôi chút vẫn liên tiếp được tin dùng.

Được biết, trước khi tuyên bố sẽ nâng cấp Kh-101, dòng tên lửa này đã lần đầu được Nga sử dụng để tấn công IS tại Syria hồi cuối năm 2015 và nhận được sự tung hô hết lời của phương Tây.

Tuy nhiên, Nga đã phải vội vàng nâng cấp Kh-101 chỉ sau 2 lần thực chiến, thông tin trên đã nói lên nhiều điều về chất lượng của vũ khí này.

Rõ ràng tên lửa hành trình Kh-101 không đáng tin cậy như Nga từng nhiều lần công bố và nó có liên quan trực tiếp đến quyết định nâng cấp dòng tên lửa này mà Moskva vội vàng đưa ra.

Trong khi đó Mỹ cho biết qua màn thực chiến thành công vừa qua, họ quyết định tiếp tục đặt hàng số lượng lớn tên lửa AGM-158 JASSM, đây là điều mà Nga chưa thể làm với Kh-101, cho thấy độ tin cậy của vũ khí này còn có nhiều điều cần bàn cãi.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/my-tung-bang-chung-ten-lua-kh101-cua-nga-kem-tin-cay-hon-agm158-jassm/765102.antd