Mỹ tự tin tốt hơn Nga?

Mỹ khai thác 'mối đe dọa Nga' để dọa nạt khu vực Baltic nhưng lại tự phơi bày các chiêu bài mình đang sử dụng để can thiệp vào các nước.

Suy bụng ta ra bụng người

Tờ The Hill của Mỹ mới đây đăng bài phân tích về sự cạnh tranh Mỹ-Nga ở khu vực Baltic.

Theo bài viết của chuyên gia Frederick Kagan thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) và Catherine Harris thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Mỹ), Tổng thống Nga Vladimir Putin đang khiến các nhà lãnh đạo phương Tây xao nhãng khỏi mối đe dọa thực sự từ Moscow khi ông “phô trương” năng lực vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường của nước này.

Theo các tác giả người Mỹ, Tổng thống Putin nhấn mạnh về công nghệ vũ khí hạt nhân của các lực lượng quân sự Nga để “dọa nạt” thế giới bằng những sức mạnh mà chắc chắn Nga không muốn dùng tới.

Tuyên bố của Tổng thống Putin về các loại vũ khí chiến lược của Nga trong thông điệp liên bang hôm 1/3 đang khiến phương Tây náo loạn

Chiến lược ngăn chặn của Tổng thống Putin được các tác giả này đánh giá đã phát huy tác dụng khi một số lượng nhỏ các hệ thống phòng không, máy bay cùng với ý chí về sức mạnh của quân đội Nga gần như đã vô hiệu hóa hoạt động của Mỹ tại Syria.

Cảnh báo được đưa ra là Mỹ không được phép để các biện pháp của Tổng thống Putin đánh lừa, dẫn đến việc chuẩn bị và sợ hãi một cuộc chiến tranh sai lầm.

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã tập trung quá nhiều vào sức mạnh quân sự thông thường của Nga hơn là chú ý đến một cuộc "chiến tranh phức hợp" mà Nga ưa dùng.

Một nghiên cứu của RAND, trung tâm nghiên cứu của Mỹ, năm 2016 kết luận rằng quân đội Nga có thể chiếm các nước Baltic chỉ trong một tuần sau khi có lệnh điều động và khẳng định NATO không thể làm gì để ngăn chặn.

Lực lượng lính bộ của Nga có thể được triển khai ở biên giới của các nước Baltic hay Belarus và NATO sẽ khó có thể phản ứng một cách nhanh chóng.

Mỹ cùng các đồng minh trong NATO tiếp tục đưa lực lượng và vũ khí tới sát biên giới Nga bằng mọi cớ

Quan điểm các nước Baltic bị chiếm đóng nếu Nga hành động là xu thế nổi trội. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng của một nước Baltic gần đây khẳng định rằng cuộc diễn tập chiến tranh thường niên mới nhất của Nga là sự chuẩn bị cho một cuộc xâm chiếm châu Âu chứ không phải nhằm vào các nước Baltic, khiến cho người ta càng lo sợ về năng lực quân sự của Nga.

Theo hai nhà phân tích Mỹ, NATO đã rất khôn ngoan triển khai lực lượng cơ giới hóa (mặc dù chỉ gồm một số lượng nhỏ) tới Baltic như theo khuyến nghị của RAND. Tuy vậy, NATO cần triển khai lực lượng nhiều hơn và phải duy trì cảnh giác với nguy cơ về một cuộc tấn công bất ngờ từ Nga.

Ở khu vực Baltic, giới phân tích Mỹ cáo buộc Nga đang chuẩn bị sử dụng "chiến tranh phức hợp" hay cuộc chiến tranh ở "vùng xám" vốn đã thành công tại Syria và Ukraine.

Nhìn từ quan điểm của Mỹ thì Nga sử dụng lính đánh thuê và một số lượng nhỏ lực lượng đặc nhiệm Nga (còn gọi là Spetsnaz), cùng với việc triển khai giới hạn lực lượng không quân và các loại tên lửa thông thường.

Ngoài ra, Nga cũng sử dụng những lực lượng phi quân sự để củng cố chiến dịch của mình, trong đó có các phương tiện truyền thông tiếng Nga nhằm tạo ra điều kiện cho những hoạt động chống đối có thể trở thành cuộc nổi dậy.

Binh sĩ và phương tiện kỹ thuật quân sự Mỹ diễu hành trên đường phố ở Latvia

Hai chuyên gia Mỹ nhấn mạnh tới việc Nga đã gây ảnh hưởng tới các chính trị gia ở các nước NATO nhằm đảm bảo họ sẵn sàng tuyên bố những cuộc nổi dậy như vậy là vấn đề nội bộ quốc gia đó, từ đó hủy bỏ sự viện dẫn các điều khoản về "phòng thủ tập thể" trong Hiến chương của NATO.

Từ những phân tích trên, hai chuyên gia Mỹ cho rằng đó là mối đe dọa có khả năng xảy ra nhất đối với các nước Baltics. Các nhà lãnh đạo Mỹ và NATO phải công khai cam kết bảo vệ các nước Baltic, thậm chí kể cả với những bất ổn trong nước chứ không chỉ với sự xâm lược từ bên ngoài.

Bản thân các nhà lãnh đạo Baltic phải tập trung giải quyết các vấn đề trong nước chứ không phải phớt lờ những khiếu nại của người Nga thiểu số. Họ nên xây dựng mạng lưới tình báo trong nước, kiểm soát bạo loạn và các công cụ an ninh khác, phát hiện và xoa dịu bất cứ nỗ lực có tổ chức nào nhằm khơi dậy những cuộc chống đối bạo loạn và lật đổ.

Mỹ cần phải hành động nhanh chóng để tránh việc một ngày nào đó các lực lượng ngăn chặn của Mỹ và NATO chỉ ngồi nhìn mà không giúp được gì khi Nga hành động.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-tu-tin-tot-hon-nga-3354246/