Mỹ tự hạn chế sức mạnh bộ 3 hạt nhân

Mỹ đang tự hạn chế sức mạnh bộ 3 hạt nhân của mình bằng việc đại tu tàu USS Boise lớp Los Angeles trong suốt 10 năm qua.

Thông tin này được USNI dẫn báo cáo do Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) công bố: "Hải quân Mỹ đã chi hơn 1,5 tỷ USD trong giai đoạn 2008-2018 để phục vụ những tàu ngầm hạt nhân tấn công không thể tác chiến.

Dù các nhà máy đã hoạt động quá công suất thiết kế nhiều năm qua, sự chậm trễ ngày càng kéo dài và các tàu ngầm hạt nhân phải đắp chiếu lâu hơn".

Tàu ngầm phải nằm chờ lâu nhất là USS Boise, tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles. Nó dự kiến được đại tu và chỉnh sửa từ năm 2013, nhưng sự quá tải khiến nhà máy của hải quân Mỹ không thể bắt đầu quá trình sửa chữa.

Đến năm 2016, Hải quân Mỹ tuyên bố USS Boise không đủ điều kiện vận hành và nó mới được bảo dưỡng từ giữa năm nay. Báo cáo được GAO công bố sau khi kiểm tra các đơn vị tàu ngầm, phân tích mức độ sẵn sàng chiến đấu trong 10 năm qua.

Tàu ngầm hạt nhân USS Boise.

Dữ liệu về hoạt động tác chiến, chi phí vận hành và hiệu quả bảo dưỡng cũng được nghiên cứu. Tuy nhiên, GAO không tiết lộ một số chi tiết trong báo cáo, như tỷ lệ tàu ngầm bị tháo phụ tùng để lắp cho những chiếc còn lại.

Phản ứng với báo cáo của GAO, Thượng nghị sĩ Joe Courtney, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, gọi báo cáo này là "đánh giá nghiêm túc về những thách thức với lực lượng tàu ngầm Mỹ", đồng thời yêu cầu hải quân nước này tận dụng các nhà máy tư nhân để sửa chữa những chiến hạm còn đang đắp chiếu.

GAO và Lầu Năm Góc đặc biệt lo ngại về khả năng sẵn sàng chiến đấu của những tàu ngầm tấn công nhanh như USS Boise vì chúng được coi là xương sống của hải quân Mỹ. Vì vậy, sự chậm trễ này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức mạnh của bộ 3 hạt nhân Mỹ.

Tàu ngầm USS Boise thuộc lớp Los Angeles được đánh giá là loại tàu ngầm mạnh mẽ và chạy êm hàng đầu thế giới hiện nay. Chúng được tạo ra để thay thế tàu ngầm lớp Sturgeon. Cho đến nay, một số chiếc tàu ngầm này đang dần dần được thay thế bởi vì những vấn đề liên quan đến lò phản ứng cũ và những loại tàu ngầm mới lớp Seawolf, và sau đó Virginia.

Vậy tại sao những chiếc tàu Los Angeles còn lại vẫn có thể khiến Nga và Trung Quốc e ngại? Câu trả lời đã được nhà phân tích Kyle Mizokami đăng trên tờ báo National Interest.

Tác giả đã ca ngợi cấu tạo của con tàu cũng như khả năng trinh sát và chiến đấu của nó. Không chỉ trong những năm 90 đã làm Nga và Trung Quốc sợ hãi mà cho tới tận bây giờ.

Tàu được thiết kế theo phương pháp 1 vỏ, bao gồm một thân ống hình trụ (dài hơn 50% vỏ tàu) phần mũi tàu và đuôi tàu được thiết kế dạng cầu parabol, được lắp bằng các bồn nước. Các tàu ngầm vẫn duy trì khả năng phóng tên lửa qua ống phóng ngư lôi. Các tên lửa Tomahawk tấn công mục tiêu trên bờ có tầm bắn lên đến 2.500 km.

Hệ thống TAINS (phiên bản bán tự động dẫn đường quán tính của hệ thống TERCOM) điều khiển tên lửa bay đến mục tiêu với vận tốc cận âm và độ cao so với mặt đất từ 20 đến 100 m. Ngoài ra, tàu ngầm lớp Los Angeles được trang bị tên lửa chống tàu Harpoon. Các tên lửa chống tàu Harpoon nâng cấp dành cho tàu ngầm được lắp đặt đầu đạn tự dẫn bằng radar chủ động và khối nổ mạnh 225 kg.

Tầm bắn của tên lửa chống tàu Harpoon với tốc độ bay của tên lửa ở cận âm là 70 km. Tàu ngầm được trang bị hệ thống tìm kiếm BRD-7, hệ thống phát hiện, định danh và phân loại mục tiêu trên sóng radio dưới nước WLR-1H và WLR-8(v)2, hệ thống phát hiện và định danh, chủng loại mục tiêu đài phát radar WLR-10.

Hiện nay Hải quân Mỹ đang tiến hành thử nghiệm hệ thống phát hiện đài sonar và tác chiến điện tử, gây nhiễu, tín hiệu giả AN/WLY-1 để thay thế cho thiết bị WLR-9A/12. Nhờ hiện đại hóa và trang bị thêm nhiều tính năng hiện đại, tàu ngầm hạt nhân Los Angeles của Mỹ được đánh giá là chạy êm nhất thế giới. Đã có 62 chiếc tàu ngầm nguyên tử lớp Los Angeles được đóng và hoạt động trên các đại dương.

Clip tàu kéo đưa USS Boise vào cảng

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-tu-han-che-suc-manh-bo-3-hat-nhan-3369682/