Mỹ Trung xung trận

Mỹ ra đòn trước và Trung Quốc đáp trả sau, nhưng vào cùng thời điểm và với cùng mức độ: Cuộc xung khắc thương mại giữa 2 nước này đã bắt đầu vào ngày 6.7 vừa qua.

Một nhà máy sản xuất dầu ăn từ đậu nành nhập khẩu của Mỹ ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Chưa đến mức chiến tranh thương mại

Mỹ áp thuế quan bảo hộ mậu dịch đối với 828 dòng sản phẩm hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ với mức độ giá trị 34 tỉ USD. Mỹ đang chuẩn bị mở rộng thêm cho 284 dòng sản phẩm hàng hóa khác nữa của Trung Quốc với mức độ giá trị 16 tỉ USD, tổng cộng là 50 tỉ USD. Trung Quốc trả đũa Mỹ tương tự, với mức độ giá trị ban đầu cũng là 34 tỉ USD và tiếp theo sẽ thêm 16 tỉ USD nữa. Tất cả đều không bất ngờ và đột ngột mà được tuyên bố và chuẩn bị từ cách đây đã khá lâu, tức là Trung Quốc biết rõ Mỹ định làm gì và Mỹ biết rõ Trung Quốc sẽ đáp trả như thế nào.

Cả những khả năng kịch bản tiếp theo cũng đều được 2 bên tính đến. Phía Mỹ dọa rằng, nếu Trung Quốc đáp trả như vậy thì sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi và mức độ thêm từ 200 đến 400 tỉ USD nữa. Trung Quốc chưa cho biết cụ thể, nhưng quả quyết sẽ ăn miếng trả miếng Mỹ.

Vậy là, Mỹ và Trung Quốc đã xung trận. Trận xung khắc tương tự, nhưng ở mức độ giá trị khác đã diễn ra trước đó giữa Mỹ với EU và Canada. Trung Quốc không phải là đối tác duy nhất bị Mỹ xô đẩy vào cuộc xung khắc thương mại, nhưng hiện tại bị Mỹ tấn công thương mại với mức độ quyết liệt nhất.

Nếu mức độ giá trị dừng lại ở 34 hoặc thậm chí cả 50 tỉ USD thì giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chỉ là xung khắc thương mại, chứ chưa đến mức chiến tranh thương mại. Nhưng nếu phía Mỹ trả đũa Trung Quốc vì bị Trung Quốc trả đũa mà mở rộng thêm biện pháp bảo hộ thương mại với mức độ giá trị 200 tỉ USD thôi chứ chưa cần đến thêm 400 tỉ USD thì chiến tranh thương mại giữa 2 nước đã bùng phát.

Lý do ở chỗ, năm 2017, Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc giá trị hàng hóa hơn 130 tỉ USD. Tức là Trung Quốc không thể leo thang mức độ “người sao ta vậy” với Mỹ vượt quá khối lượng giá trị xuất khẩu này của Mỹ chứ chưa nói đến mức độ 250 hoặc 450 tỉ USD. Tức là Mỹ sẵn sàng thí bỏ hoàn toàn xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc để tấn công nhằm vào xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Quan hệ trao đổi thương mại song phương khi ấy giữa 2 nước này không còn bình thường nữa. Trung Quốc sẽ phải tính đến những đối sách khác nữa, chứ còn riêng trong chuyện áp thuế quan bảo hộ thương mại này thì hiện Trung Quốc yếu thế hơn Mỹ.

Thực chất đằng sau cuộc xung khắc

Nếu phía Mỹ thực hiện đến cùng những gì đã lộ ý trong cuộc xung khắc thương mại này với Trung Quốc thì trong thực chất, chẳng khác gì ngừng toàn bộ trao đổi thương mại với Trung Quốc để khắc phục tình trạng bị thâm hụt triền miên và với mức độ lớn trong trao đổi thương mại với Trung Quốc. Biện pháp hay ý định này quá cực đoan và đầy rủi ro về phản tác dụng đối với Mỹ, vì thế, hiện chắc chưa phải là quyết sách của Mỹ, mà mới chỉ là công cụ giúp Mỹ gây và gia tăng áp lực đối với Trung Quốc. Các thời tổng thống ở Mỹ trước ông Donald Trump chưa có ai và khi nào chủ động gây chuyện xung khắc thương mại quyết liệt và không khoan nhượng về thương mại với Trung Quốc như ông Donald Trump hiện tại.

Thực chất, vấn đề ở đây đối với Mỹ không chỉ đơn thuần là mục tiêu giảm thâm hụt trong cán cân trao đổi thương mại với Trung Quốc hoặc cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu, mà là cuộc cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc trên mọi phương diện, đặc biệt về giành vị thế đứng đầu thế giới về kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc tế trong thế kỷ 21 đều tiềm ẩn ở đó. Cụ thể hơn, có thể nói là, Mỹ không muốn Trung Quốc thành công với chương trình “Made in China 2025”.

Câu hỏi không thể không được đặt ra ở đây là, vì sao Mỹ lại gây chuyện với Trung Quốc khi Mỹ không thể không cần Trung Quốc để giải quyết ổn thỏa và dứt điểm vấn đề chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Câu trả lời chỉ có thể là, Mỹ dùng đúng chuyện xung khắc hoặc chiến tranh thương mại này để gây áp lực với Trung Quốc. Trung Quốc giúp Mỹ trong chuyện này thì Mỹ có thể giảm bớt mức độ gây chuyện thương mại với Trung Quốc.

Các đối tác kinh tế và thương mại khác của Mỹ vừa đáp trả trực tiếp Mỹ, vừa nhìn vào diễn biến của cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để liệu tính những bước đi tiếp theo. Vì lợi ích riêng của họ trong quan hệ với Mỹ mà các đối tác này sẽ không liên minh, liên kết, liên quân hay liên thủ với nhau để đối phó Mỹ, ngoại trừ ở trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhưng điều có thể chắc chắn được là Mỹ bị cô lập.

NGẠC NGƯ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/my-trung-xung-tran-617440.ldo