Mỹ - Trung: Từ 'thương chiến' đến 'chiến tranh Lạnh'

Theo đánh giá của các chuyên gia, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bước sang giai đoạn đầu của cuộc 'Chiến tranh Lạnh' mới về kinh tế, có thể kéo dài sau cả nhiệm kỳ của tổng thống Trump.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một họp báo chung ở Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: China Daily

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một họp báo chung ở Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: China Daily

Trung Quốc vẫn tỏ thái độ kiên trì, tin rằng một khi bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ kết thúc, Washignton sẽ trở lại bàn đàm phán.

Từ đầu mùa xuân năm nay, câu chuyện dài nhiều tập về cuộc “thương chiến” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có nguy cơ lấn sang cả mùa đông năm nay, biến cuộc thư hùng giữa hai cường quốc thành cuộc chiến trường kỳ, lan sang cả những lĩnh vực khác. Ngày 24/9, khoản thuế mới mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới áp đặt lên hàng hóa xuất khẩu của nhau đã bắt đầu có hiệu lực. Với Mỹ sẽ là 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, còn với Trung Quốc là 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Cuộc giao tranh diễn ra

Tuần qua, những tương tác quan trọng đã bắt đầu diễn ra ở New York, nơi cuộc họp hàng năm của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bắt đầu. Tổng thống Donald Trump dường như tự tin Mỹ sẽ giành phần thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Song ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương, mọi người đang lờ mờ nhận thấy một thực tế u ám: Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở giai đoạn đầu của cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới về kinh tế, cuộc chiến có thể kéo dài dai dẳng kể cả sau khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ tổng thống.

Trong cuộc đấu này, ông Trump nắm những quân bài tốt hơn, cứ nhìn vào các con số thì thấy. Ví thử hai nước đấu trận quan thuế đến cùng, đưa đến việc giao thương bế tắc, thì bên nào sẽ bị gục trước? Khi ông Trump bắt đầu đánh thuế trên 34 tỷ USD, rồi 16 tỷ USD hàng của Trung Quốc đầu tiên, ông Tập bèn đánh trả trên những số lượng tương xứng. Ông Trump nâng thêm 200 tỷ USD và đe dọa thêm 267 tỷ USD, ông Tập chỉ có thể đánh trả 50 hay 60 tỷ USD.

Ông Tập thiếu các quân bài để đấu lại, vì mỗi năm Mỹ chỉ bán cho Trung Quốc 150 tỷ USD thôi, nhưng mua của Trung Quốc những 500 tỷ USD. Hơn nữa, kinh tế Trung Quốc, tính bằng Tổng sản lượng nội địa (GDP), tùy thuộc 38% vào xuất nhập cảng; còn ngoại thương chỉ chiếm 27% kinh tế Mỹ. Như vậy thì những cú đá của Trump đánh vô hàng Tàu sẽ đau hơn là các cú đấm của Tập đánh vào hàng Mỹ. Cuộc chiến sẽ đánh diễn ra như một cuộc chiến tiêu hao, mỗi bên tấn công bên kia, thành lũy bên nào đổ trước thì phải thua.

Hai bên đã dàn trận, những phát súng đầu tiên đã nổ. Dựa trên các con số thuần túy kinh tế thấy Tập Cận Bình yếu hơn hẳn Donald Trump, và sẽ còn yếu nữa trong một, hai năm tới. Ông Trump cũng tấn công cầm chừng, mới nã súng 10% thuế quan trên 200 tỷ USD, nhưng sẽ dùng trọng pháo 25% vào đầu năm 2019 nếu ông Tập chưa quy hàng. Sau đó, mới đánh trên tất cả các món hàng Mỹ mua từ nước Trung Quốc . Trong khi đó, coi bộ ông Tập Cận Bình hết các mục tiêu để tấn công.

Lập trường của ông Trump đã khiến Bắc Kinh hoang mang, khó chịu, cảm thấy bị khiêu khích và quyết định trả đũa. Bắc Kinh cũng chủ động hủy chuyến đi Washington tuần này của Phó thủ tướng Lưu Hạc, nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc. Thế bế tắc về ngoại giao đang khiến nhiều người trong giới doanh nghiệp và chính sách cân nhắc khả năng Mỹ vướng vào cuộc chiến thương mại kéo dài và có thể gây tổn thất về kinh tế trong nhiều năm tới cho chính nước Mỹ.

Theo quan điểm của giới chuyên gia, chưa hẳn là đã vì cạnh tranh không lành mạnh giúp Trung Quốc thành công, mà cái chính là do đại lục đã biết tận dụng những quy tắc do các cường quốc, đứng đầu là Hoa Kỳ, đã đề ra. Không ai bắt buộc các lãnh đạo phương Tây phải mở hết mọi cánh cửa thương mại, khuyến khích di dời nhà xưởng và hủy bỏ lần lượt các công cụ cho phép can thiệp nền kinh tế dưới áp lực của các tập đoàn đa quốc gia – những hãng đang hối hả chạy sang Trung Quốc. Đương nhiên Trung Quốc đã ép buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao một phần công nghệ và kỹ nghệ.

Nhưng các hãng này không những không bất mãn mà còn rất vui vẻ được đến khai thác nguồn nhân công rẻ mạt và có thể phớt lờ hệ quả sinh thái từ các hoạt động sản xuất của mình. Chỉ có điều Đảng Cộng sản Trung Quốc không để cho thương mại làm mờ mắt. Hệ thống đảng-nhà nước vẫn kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế. Các đại gia tư bản không thể kinh doanh như ý mình muốn. Dù vậy, Washington vẫn tin rằng rồi Bắc Kinh cũng sẽ phải nhượng bộ trước các đòi hỏi của ông Donald Trump.

Ba giải pháp đối phó

Dù mức nhập khẩu từ Mỹ và xuất khẩu sang Mỹ vẫn tăng đều đặn, nhưng cuộc đối đầu hiện nay không phải không gây đau đớn, buộc Trung Quốc phải có những giải pháp đối phó. Thứ nhất, Trung Quốc đang thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và sẽ phải đối mặt với những hệ quả khó lường về mặt xã hội. Một kế hoạch hỗ trợ để bù đắp cho những thiệt hại nếu có đối với những doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng nặng nề từ các hạn chế thương mại.

Thứ hai, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các cộng sự của ông đã có sẵn một kế hoạch “Made in China 2025”, đưa ra cách nay ba năm để phát triển một số ngành công nghiệp cách tân hơn và có thể tự chủ trong sáu lĩnh vực (trong đó có công nghệ tin học, ngành tự động hóa, hàng không và không gian, đại dương, phương tiện chạy bằng điện, y sinh học, nguyên liệu mới, năng lượng).

Cuối cùng, vũ khí thứ ba để chống lại lệnh cấm vận của Mỹ chính là dựa vào nhiều đối tác khác và nhất là các nước láng giềng. Một mặt, Trung Quốc bắt đầu di dời nhà xưởng tận dụng nguồn nhân công giá rẻ, tránh các lệnh cấm vận và mức thuế quan cao. Mặt khác, Trung Quốc thúc đẩy các dự án hợp tác đa phương như thỏa thuận Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP) hay như dự án con đường tơ lụa đi từ Trung Á đến Châu Âu ngang qua Nam Phi, cơ hội để Trung Quốc tìm kiếm thị trường mới.

Sau 17 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế, Trung Quốc lần lượt bỏ xa các cường quốc Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản và giờ đang trên đà qua mặt nước Mỹ. Tổng sản phẩm nội địa của Trung Quốc trong năm 2016 đạt 11.200 tỷ USD so với con số 18.569 tỷ USD của Mỹ. Một điều mà ông Donald Trump đã không thể chấp nhận và đã bực bội thốt lên rằng “tất cả những lũ ngu chỉ chăm chăm nhắm vào Nga, trong khi đáng ra phải bận tâm đến Trung Quốc”.

Hiện tại, Hoa Kỳ vẫn chiếm ưu thế trong nhiều lĩnh vực (công nghệ, kinh tế, ngoại giao và quân sự). Tuy đế chế Trung Hoa này tiến nhanh với một tốc độ chóng mặt, nhưng tổng sản phẩm nội địa GDP tính theo đầu người của Trung Quốc chưa bằng 15% của Hoa Kỳ. Ngược lại, thặng dư mậu dịch của Trung Quốc phá kỷ lục, lên đến 375 tỷ đô la, chiếm gần phân nửa (47,2%) tổng mức nhập siêu của Hoa Kỳ. Nguyên thủ Mỹ tố cáo Bắc Kinh cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến việc nhiều nhà xưởng ở Mỹ phải đóng cửa, hàng triệu người mất việc làm.

Giờ đây, chính quyền Donald Trump hy vọng có thể làm cho Bắc Kinh chao đảo, trong khi Tập Cận Bình đang muốn tin rằng một khi bầu cử giữa nhiệm kỳ kết thúc thì Washignton sẽ trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, ông An Gang, nhà nghiên cứu thuộc Viện Pangoal, Trung Quốc, lưu ý rằng cuộc đọ sức Mỹ – Trung trên thực tế đã vượt quá khuôn khổ thương mại, bắt đầu lan sang cả quân sự và chiến lược.

TS. ĐINH HOÀNG THẮNG

Theo nhadautu.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/my-trung-tu-thuong-chien-den-chien-tranh-lanh-151965.html