Mỹ-Trung tranh giành số 1 siêu cường: Những kế hoạch dài hạn

Chiến tranh kinh tế Hoa Kỳ - Trung Quốc không đơn thuần chỉ dừng lại ở vấn đề thương mại, mà sâu xa đằng sau là những kế hoạch dài hạn giữa 2 siêu cường đang cạnh tranh nhau gay gắt để nắm giữ vị trí số 1 trong nền kinh tế toàn cầu, giữ vai trò thiết lập trật tự thế giới mới về thương mại và đầu tư.

Hoa Kỳ được cho đã chủ động khơi mào cuộc chiến này, khi Tổng thống Donald Trump quyết định khai khỏa bằng tuyên bố đánh thuế hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Ngay sau đó, Trung Quốc đã có hành động đáp trả tương tự, và cả 2 nước liên tục có những tuyên bố nhằm đẩy cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang.

“Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”

Đây là khẩu hiệu tranh cử phổ biến ở Hoa Kỳ và đã được nhiều đời tổng thống sử dụng, trong đó có ông Donald Trump. Để làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại, bắt đầu từ thời Tổng thống Obama, Hoa Kỳ đã tiếp tục khẳng định vị thế số 1 của mình trong nền kinh tế toàn cầu, bằng việc thực hiện thúc đẩy 2 hiệp định đối tác kinh tế được xem là huyết mạch của thế giới mà Hoa Kỳ đóng vai trò là trung tâm: xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu kế hoạch này thành công, trật tự thế giới mới sẽ được xác lập theo cách Hoa Kỳ muốn. Khi ông Trump thắng cử, ông ta tuyên bố rút khỏi TPP, điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ từ bỏ kế hoạch của mình. Bởi ông Trump nói rõ rằng ông ta sẽ chơi TPP theo cách mới - của một Tổng thống xuất thân là doanh nhân, theo phong cách kinh doanh, tức ông Trump chỉ đàm phán TPP song phương với từng nước, và “điều đó sẽ đem việc làm và các ngành công nghiệp quay trở về Hoa Kỳ”, như ông đã tuyên bố.

Để đối phó với kịch bản cuộc chiến, từ đầu năm nay Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã liên tục đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất USD, cùng với sự tốt lên của các chỉ số phản ánh sức khỏe kinh tế Hoa Kỳ đang ở mức lạc quan hơn bao giờ hết. Dòng vốn quốc tế vì thế đã bắt đầu quay trở lại nước này và đẩy giá USD tăng lên.

Đàm phán song phương với Trung Quốc, ông Trump nói rằng muốn giải quyết 3 vấn đề: chính sách công nghiệp của Trung Quốc (còn được gọi là chương trình Made in China 2025), thâm hụt thương mại và vấn đề tỷ giá của đồng nhân dân tệ so với USD. Trên mặt trận công nghiệp, các cố vấn của ông Trump muốn Trung Quốc tôn trọng vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn sự trỗi dậy mạnh mẽ của các ngành công nghiệp Trung Quốc, và tiến hành tăng thuế đối với các sản phẩm nằm trong kế hoạch “Sản xuất chế biến tại Trung Quốc 2025”. Ông Trump muốn chặn đứng ý đồ của Trung Quốc muốn dẫn đầu thế giới trên 10 lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật quan trọng nhất đối với thế giới trong thế kỷ 21.

Trên mặt trận thương mại, ông Trump muốn Trung Quốc có hành động rõ ràng và cụ thể để giảm sự mất cân đối trong thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ với Trung Quốc, khi giá trị hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ lên đến 560 tỷ USD trong năm 2017, trong khi hàng hóa Hoa Kỳ vào Trung Quốc chỉ 130 tỷ USD. Đầu tháng 5, ông Trump cử phái đoàn thương mại cao cấp sang Trung Quốc để thương thảo, được xem là ngoại lệ bởi với các quốc gia khác Hoa Kỳ chỉ đơn phương áp đặt các điều kiện, không có thỏa thuận đôi bên. Hành động này cho thấy ông Trump không muốn quan hệ mậu dịch với Trung Quốc bị đổ bể.

Đối với lĩnh vực tài chính - tiền tệ, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về việc liên tục phá giá đồng nội tệ của mình so với USD để đạt các lợi thế về xuất khẩu. Ông Trump cũng dự liệu kịch bản xấu nhất về tài chính khi các hành động tấn công thương mại của Hoa Kỳ diễn ra liên tục và không ngừng gây sức ép lên Trung Quốc. Đó là nỗi lo sợ đã theo đuổi nhiều đời Tổng thống Hoa Kỳ khi Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Hoa Kỳ, đang nắm giữ 1.200 tỷ USD trái phiếu chính phủ. Nếu Hoa Kỳ liên tục gây sức ép và tổn hại đến những lợi ích lâu dài về kinh tế và chính trị của Trung Quốc, khả năng Trung Quốc sẽ đáp trả bằng cách bán các trái phiếu này ra để làm rối loạn thị trường tài chính, giảm giá đồng USD, thậm chí gây ra khủng hoảng tài chính.

Nhất đới nhất lộ và giấc mộng Trung Hoa
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, và đang không ngừng theo đuổi những chiến lược dài hạn để hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa”, đưa quốc gia này vươn lên vị trí số 1 vào năm 2049, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước. Muốn đạt được mục tiêu này, trước hết Trung Quốc phải tìm cách vô hiệu 2 gọng kìm TPP và TTIP Hoa Kỳ đã đặt ra, nhằm loại bỏ hoặc làm suy yếu vai trò của Trung Quốc. Kế hoạch này có tên gọi “Con đường tơ lụa mới”, hay còn được biết dưới tên gọi “Nhất đới nhất lộ” (OBOR) - Một vành đai-Một con đường.

Trung Quốc sẽ làm cho các quốc gia thành viên phụ thuộc ngày càng sâu về thương mại, đầu tư và tài chính. Trong khi đó, các quốc gia còn lại trên thế giới sẽ trông cậy vào vai trò của Trung Quốc với tư cách là quốc gia lãnh đạo trong khối OBOR, nhằm xác lập lại trật tự thế giới mới do mình nắm giữ vai trò trung tâm.

OBOR là kế hoạch thương mại quốc tế vô cùng tham vọng và lớn nhất trong lịch sử cho đến lúc này. Nó kết nối và hợp nhất về mặt thương mại cả 3 lục địa Á - Âu - Phi với tổng dân số hơn 4 tỷ người (bằng một nửa thế giới), chiếm 30% GDP toàn cầu và dự kiến tiêu tốn khoản ngân sách lên đến 5.000 tỷ USD. Hiện Trung Quốc đang “rải” những dự án béo bở cho các quốc gia nằm trên hành lang OBOR, với 90 dự án đang được thực hiện có tổng giá trị lên đến 890 tỷ USD, trong tương lai chắc chắn con số này sẽ ngày càng được tăng lên.

Để đảm bảo nguồn lực tài chính cho kế hoạch OBOR, Trung Quốc đã giành chiến thắng ngoại giao ngoạn mục khi đạt được sự đồng thuận để thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), với vốn ban đầu 100 tỷ USD và Trung Quốc là nước đóng góp nhiều nhất khoảng 30%, nắm giữ quyền phủ quyết. Ý đồ chiến lược lâu dài của Trung Quốc đối với AIIB là sử dụng định chế tài chính này để thu xếp cho hàng hóa và dịch vụ tài chính của Trung Quốc tiến ra toàn cầu. Kế đến AIIB sẽ thu hút dòng chu chuyển vốn quốc tế về khu vực OBOR với vai trò trung tâm tài chính của Trung Quốc. Cuối cùng, AIIB từng bước hoàn thành kế hoạch quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, biến đồng tiền này có khả năng chuyển đổi, được chấp nhận trong các giao dịch thanh toán quốc tế tương tự như USD và các đồng tiền mạnh khác. Điều này bộc lộ rõ ràng tham vọng của Bắc Kinh về một trung tâm tài chính toàn cầu của quốc gia này trong tương lai gần.

Có thể thấy, OBOR là kế hoạch khá hoàn hảo khi cùng một lúc Trung Quốc giải quyết được cả vấn đề đối nội và đối ngoại. Bằng việc kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, Bắc Kinh muốn nâng cao đời sống kinh tế những khu vực phía Tây với địa hình hiểm trở, đói nghèo dẫn đến tình trạng bất ổn, đòi độc lập ở Tân Cương và Tây Tạng. Mặt khác, giải quyết được phần nào tình trạng hàng triệu lao động di dân từ các nơi hẻo lánh tràn về các thành phố miền Đông để tìm việc làm và tạo ra nhiều vấn nạn như hiện nay. Thực hiện OBOR Trung Quốc cũng giải quyết được vấn đề năng lực sản xuất dư thừa đang ngày càng cấp bách, tạo động lực tăng trưởng kinh tế mới.

Về đối ngoại, chiến lược của Trung Quốc là tạo ra cấu trúc thương mại toàn cầu với kết nối trung tâm (Trung Quốc) với ngoại vi (các quốc gia thành viên), hoạt động dựa trên các nguyên tắc quan trọng do Trung Quốc đơn phương ấn định. Điều này làm cho quan hệ giữa Bắc Kinh với chính phủ các nước càng chặt chẽ, trong khi quan hệ giữa chính phủ các nước thành viên với nhau ngày càng lỏng lẻo. Kế sách thâm sâu này làm cho quá trình hội nhập khu vực bị cản trở và các quốc gia ngày càng khó khăn trong việc xác lập các mối quan hệ nếu không có Trung Quốc, dần dần củng cố và khẳng định vị thế trung tâm độc tôn của Trung Quốc.

(Còn tiếp)

PGS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ĐH Kinh tế TPHCM

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/ho-so/ky-1-nhung-ke-hoach-dai-han-59811.html