Mỹ-Trung tiếp tục 'đấu khẩu' tại Thượng đỉnh APEC

Bất chấp lời kêu gọi thúc đẩy hợp tác của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục có màn 'đấu khẩu' kịch liệt trên mọi lĩnh vực, từ thương mại, đầu tư đến an ninh khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence

Theo BBC và AFP, bất đồng nghiêm trọng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới dự báo nhiều khó khăn cho việc đạt được một sự đồng thuận chung giữa các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC). 21 nền kinh tế thành viên APEC bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.

Phát biểu tại phiên họp hôm qua, Thủ tướng nước chủ nhà Papua New Guinea Peter O'Neill khẳng định, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với hàng loạt các thách thức lớn và chỉ có hợp tác mới là giải pháp để cùng nhau vượt qua những thách thức này. “Điều này không chỉ mang lại hy vọng cho người dân Papua New Guinea mà còn mở ra hy vọng cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Để làm được điều này thì chúng ta cần phải tăng cường sự hợp tác giữa các nước, các nền kinh tế”, ông O’Neill nói.

Lời kêu gọi của Thủ tướng nước chủ nhà được loan đi sau khi Diễn đàn hợp tác kinh tế APEC bị phủ bóng đen bởi hàng loạt các vấn đề căng thẳng, tiêu biểu là màn tranh cãi “ăn miếng trả miếng” kịch liệt giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ về chính sách kinh tế, sau khi nổ ra cuộc chiến thương mại kéo dài từ đầu năm tới nay.

Theo SCMP, trước đó, hôm 17/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra lời cảnh báo đầy ẩn ý nhắm đến chính sách "Nước Mỹ là trước tiên" của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi cho rằng, các quốc gia đang theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ chắc chắn sẽ thất bại và nó đang ám ảnh sự tăng trưởng toàn cầu. Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định: “Washington sẽ không chấm dứt việc áp thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chừng nào Bắc Kinh chưa thay đổi cung cách làm ăn”.

Ông Mike Pence cũng thẳng thừng chỉ trích Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động từ năm 2013. Theo ông Pence, các nước không nên chấp nhận những khoản vay nợ có nguy cơ xâm phạm chủ quyền của họ, đồng thời khẳng định, Mỹ không bao giờ buộc các nước khác chấp nhận “Vành đai để bóp nghẹt hay Con đường một chiều”, một cách “chơi chữ” ám chỉ chính sách của Trung Quốc trong nỗ lực thu hút “đối tác” ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Để xoa dịu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến vấn đề thương mại hay sự chia rẽ giữa các nền kinh tế về chính sách hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa, lãnh đạo nhiều nền kinh tế thành viên APEC đã kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ nhằm đối phó với các thách thức mới. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng, cần đánh giá lại toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế vì tiến trình này đang khiến nhiều nền kinh tế tụt lại phía sau và thúc đẩy sự bất bình đẳng.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề xuất thành lập một quỹ mới nhằm thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, giúp thúc đẩy hợp tác khu vực và xây dựng năng lực tại các nước đang phát triển.

Theo thông lệ, kết thúc hội nghị APEC, toàn bộ 21 nền kinh tế thành viên APEC, chiếm 40% dân số thế giới, chiếm một nửa thương mại toàn cầu và khoảng 60% kinh tế thế giới sẽ thống nhất ra một Tuyên bố chung nhằm định hướng hành động. Tuy nhiên, theo tin mới nhất Hội nghị APEC năm nay đã không ra được Tuyên bố chung.

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC không đạt được Tuyên bố chung mà Thủ tướng nước chủ nhà Papua New Guinea Peter O'Neill cho biết sẽ sớm ra một Thông cáo tổng kết hội nghị trong những ngày tới, đồng thời khẳng định APEC đang tìm cách bảo đảm hoạt động thương mại "tự do và cởi mở" trước năm 2020.

Kim Long

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/my-trung-tiep-tuc-dau-khau-tai-thuong-dinh-apec-post231070.html