Mỹ-Trung tạm 'đình chiến' thương mại

Mỹ- Trung đã nhất trí về giai đoạn đầu tiên của một thỏa thuận thương mại sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Washington. Đây là bước đột phá đầu tiên trong các cuộc đàm phán kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước nổ ra 18 tháng trước.

Mỹ- Trung đã nhất trí về giai đoạn đầu tiên của một thỏa thuận thương mại sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Washington. Đây là bước đột phá đầu tiên trong các cuộc đàm phán kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước nổ ra 18 tháng trước.

Tổng thống Donald Trump (phải) bắt tay Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng hôm 11-10. Ảnh: AP

Tổng thống Donald Trump (phải) bắt tay Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng hôm 11-10. Ảnh: AP

"Chúng tôi đạt được tiến triển quan trọng đối với thỏa thuận giai đoạn một”, Tổng thống Trump phát biểu trước báo giới sau cuộc họp tại Nhà Trắng với Phó Thủ tướng Lưu Hạc. Tổng thống Mỹ kỳ vọng thỏa thuận sẽ được ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký kết trong vòng 4 đến 5 tuần tới, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Chile vào giữa tháng 11.

Theo thỏa thuận, Mỹ đồng ý hoãn áp thuế 30% lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15-10 tới như dự kiến. Đổi lại, Trung Quốc cam kết mua thêm nhiều nông sản của Mỹ - tổng giá trị tăng lên 40-50 tỷ USD/năm, hơn gấp đôi mức năm 2017. Tổng thống Mỹ Trump sau đó cho biết, một phần trong thỏa thuận thương mại Mỹ- Trung có thể kéo khả năng Bắc Kinh mua lô máy bay trị giá 20 tỷ USD của hãng Boeing, cùng với hàng tỷ USD hàng nông sản của Mỹ. Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump nêu rõ: "Ngoài lô máy bay Boeing trị giá 16-20 tỷ USD, những khía cạnh khác của thỏa thuận này cũng có giá trị lớn như công nghệ, dịch vụ tài chính".

Ba tiến bộ lớn nhất

Dịch vụ tài chính và tiền tệ, vấn đề chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ là ba tiến bộ lớn nhất trong thỏa thuận lần này.

"Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận hiệu quả với... người đứng đầu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC)", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết. "Chúng tôi cũng đã có các cuộc thảo luận rộng rãi về vấn đề mở cửa thị trường tài chính của họ cho các Cty dịch vụ tài chính của Mỹ. Vì vậy, chúng tôi đã đạt được gần như một thỏa thuận hoàn chỉnh về cả hai vấn đề đó”, ông Mnuchin nói thêm Đây rõ ràng là một bước tiến đáng kể trong bối cảnh hồi tháng 8, Bộ Tài Chính Mỹ đã liệt Trung Quốc vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, cáo buộc Bắc Kinh cố tình làm suy yếu đồng NDT, để đạt được những lợi thế thương mại không công bằng.

Tổng thống Mỹ Trump cho biết, các cuộc đàm phán đã "đạt được tiến bộ rất tốt về vấn đề chuyển giao công nghệ", điểm mấu chốt trong bất hòa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Không nêu chi tiết nhưng ông Trump nói rằng, một thỏa thuận có thể sớm đạt được, với việc các Cty Mỹ chia sẻ bí quyết của họ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Đôi bên cùng có lợi

Trước mắt, việc “đình chiến” tạm thời giữa hai nước được xem là diễn biến tích cực đối với thị trường thế giới trong bối cảnh giới đầu tư lo lắng về những thiệt hại kinh tế nhiều hơn nữa từ thương chiến. Các nhà đầu tư đã rất phấn khởi trước tiến triển trên. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones đã tăng 320 điểm sau khi tin tức này được công bố.

"Ngay cả khi căng thẳng Mỹ - Trung chỉ mới tạm hoãn, đây vẫn là điều rất tốt và khiến các thị trường bớt căng thẳng", ông Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế (Mỹ), nói với đài CNBC. Theo Chủ tịch An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Hudson (Mỹ), Patrick M. Cronin, cả Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đều có lợi khi đưa ra những tin tức đáng hoan nghênh tại thời điểm mà hai nhà lãnh đạo phải đối mặt với những thách thức chính trị tại quê nhà. Với ông Trump, thỏa thuận thương mại mà tin tốt cho cuộc đua trở lại chiếc ghế Tổng thống vào năm 2020 và các cuộc luận tội tại Washington. Còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể chỉ ra sự ổn định ngắn hạn, củng cố các vấn đề dân tộc. Kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và có khả năng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng 6,6% hàng năm.

Vẫn còn những hoài nghi

Trong thỏa thuận, ông Trump chưa thay đổi kế hoạch áp thuế bổ sung đối với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15-12 tới. Kế hoạch này sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều mặt hàng của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, từ quần áo, đồ chơi đến điện thoại thông minh.

Ngoài ra, theo Bloomberg, giới chức Mỹ cho biết vấn đề liên quan đến Tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc không nằm trong thỏa thuận giai đoạn 1 mà sẽ được thảo luận trong giai đoạn đàm phán thứ hai. Trong khi đó, hai nguồn tin chính phủ Trung Quốc tiết lộ Bắc Kinh đã hoàn tất "danh sách thực thể không đáng tin cậy" nhằm trừng phạt các Cty gây tổn hại lợi ích của Trung Quốc và đang chờ phê duyệt. Ngoài ra, việc danh sách này có được công bố hay không còn tùy thuộc tiến triển của cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.

Ông David Dollar, chuyên gia tại Viện Brookings (Mỹ), tỏ ra bi quan, cảnh báo bất kỳ thỏa thuận nào 2 nước đạt được có thể sẽ không kéo dài. Chuyên gia này nhắc lại có những thời điểm Mỹ và Trung Quốc sắp tiến gần đến một thỏa thuận nhưng sau đó lại leo thang căng thẳng và cuộc chiến thuế quan. Điều quan trọng được giới quan sát mong đợi là một cơ chế thực thi thỏa thuận, thì dường như hai bên chưa thể đồng thuận về bất kỳ cơ chế giải quyết tranh chấp nào. Trưởng đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, một cơ chế giải quyết tranh chấp đang được hoàn thiện. Washington xem cơ chế này là yếu tố quan trọng để thực thi bất kỳ thỏa thuận nào. Tuy rằng, ông Lighthizer tiết lộ, một động thái đầu tiên của Mỹ có thể là việc hủy bỏ đợt áp thuế quan tiếp theo lên hàng Trung Quốc vào ngày 15-12 tới.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_214207_my-trung-tam-dinh-chien-thuong-mai.aspx