Mỹ - Trung sau G20: 10% 'băng chưa tan' là cả vấn đề

Trong một dấu hiệu tiến bộ quan trọng hôm 29/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, đã đồng ý đình chiến và quay trở lại đàm phán thương mại.

Lãnh đạo Mỹ - Trung nắm chặt tay nhau tại G20 Osaka hôm 29/6.

Lãnh đạo Mỹ - Trung nắm chặt tay nhau tại G20 Osaka hôm 29/6.

Mỹ và Trung Quốc sẽ còn phải đối mặt với một con đường dài trước khi 2 bên có thể đạt được thỏa thuận chấm dứt hoàn toàn chiến tranh thương mại nhiều thương tổn - nhận định mà truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra sau khi nguyên thủ 2 nước tổ chức đối thoại "phá băng" tại Nhật Bản 2 ngày vừa qua.

2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở giữa một cuộc xung đột thương mại trả đũa, chứng kiến mức thuế ngày càng nghiêm trọng đối với hàng nhập khẩu của nhau. Trong một dấu hiệu tiến bộ quan trọng hôm 29/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, đã đồng ý đình chiến và quay trở lại đàm phán.

Tuy nhiên, tờ China Daily - nhật báo tiếng Anh thường được Bắc Kinh sử dụng để đưa thông điệp của mình ra quốc tế - cảnh báo rằng, dù hiện tại đã có nhiều khả năng đạt được thỏa thuận hơn, nhưng vẫn không có gì là sự đảm bảo chắc chắn.

"Mặc dù Washington đã đồng ý hoãn áp dụng thuế quan bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc để nhường chỗ cho các cuộc đàm phán, và ông Trump thậm chí còn bóng gió đưa ra quyết định giảm nhẹ với Huawei cho đến khi kết thúc đàm phán, vấn đề vẫn còn rất nhiều", số cuối ngày thứ 7 có viết.

Thỏa thuận về 90% các vấn đề đã được chứng minh là chưa đủ, trong khi chỉ với 10% còn lại về sự khác biệt cơ bản của 2 bên, sẽ là không dễ dàng để đạt được sự đồng thuận 100%, mà theo lý giải của tờ báo là bởi, bản chất của khoảng cách đó vượt quá khái niệm con số.

Tổng thống Trump đã chìa một nhành ô liu với Chủ tịch Tập về vấn đề của Huawei - nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới - sau những gì mà Washington đã cáo buộc rằng công ty Trung Quốc có nguy cơ an ninh quốc gia do mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc, đồng thời vận động các đồng minh của Mỹ cấm cửa Huawei khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông 5G thế hệ tiếp theo.

Tuy nhiên, những bình luận của ông Trump về Huawei, được đưa ra tại một cuộc họp báo kéo dài hơn 1 giờ ở Osaka với ông Tập, dường như chỉ tạo ra một phản ứng thận trọng từ Bắc Kinh, khi không một từ "Huawei" nào được đề cập trong nhận xét kết quả G20 của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sau đó.

Nói cách khác, Trung Quốc cho thấy nước này không vội mừng về những dấu hiệu tiến triển thương mại với Mỹ.

Taoran Notes, một tài khoản WeChat có ảnh hưởng do Nhật báo Kinh tế Trung Quốc điều hành nhận định rằng, nhiều khả năng Mỹ "hòa hoãn" chỉ bởi đã nhận thức được rằng Bắc Kinh khó lòng nhượng bộ và thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc đang ngày càng là một bất lợi trong nước - đặc biệt là trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống 2020 mà ông Trump hướng đến tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ 2.

"Như chúng tôi đã nói trước đây - đối thoại và đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là lâu dài, khó khăn và phức tạp. Chiến đấu sau đó nói chuyện, rồi lại chiến đấu và tiếp tục nói chuyện... sẽ là diễn biến thường thấy", Taoran Notes viết.

Hương Thảo (Theo StraitsTimes)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/my-trung-sau-g20-10-bang-chua-tan-la-ca-van-de-346781.html