Mỹ-Trung Quốc và cuộc đua 'cường quốc không gian'

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung Quốc vẫn căng thẳng, chính quyền của Tổng thống Joe Biden vừa phải tìm cách hạ nhiệt quan hệ, vừa phải đối mặt với công nghệ vũ khí chống vệ tinh hiện đại của Bắc Kinh.

Khi thế giới ngày một quan tâm đến việc chinh phục vũ trụ, các nước lớn tăng tốc cuộc đua vào không gian, Mỹ-Trung Quốc chính là hai quốc gia đang có những bước chạy đà vững chắc nhất.

Cuộc đua này đang dần bị biến thành một "cuộc chiến không gian" đích thực, với việc các nước lớn đua nhau cho ra mắt những loại laser có thể làm ‘mù’ vệ tinh, hay những loại tên lửa có thể bắn hạ vệ tinh trên quỹ đạo một cách dễ dàng.

Mỹ-Trung Quốc đang vướng vào cuộc đua trở thành ‘cường quốc không gian’. (Nguồn: STAT)

Mỹ-Trung Quốc đang vướng vào cuộc đua trở thành ‘cường quốc không gian’. (Nguồn: STAT)

Cũng giống như những lĩnh vực khác trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc, Bắc Kinh giữ tham vọng nhất định nhằm tăng cường sự hiện diện trên vũ trụ. Trong báo cáo hồi tháng 2/2019, Lầu Năm Góc khẳng định, Trung Quốc và Nga đã bắt đầu phát triển các công nghệ có thể ngăn cản hoặc phá hủy những vệ tinh của Mỹ và đồng minh trong trường hợp có xung đột.

Washington tin rằng sự phát triển công nghệ của Bắc Kinh tạo ra những mối đe dọa trong không gian, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của quân đội Mỹ nói riêng và an ninh quốc gia Mỹ nói chung.

Thế nhưng, cho đến thời điểm này, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như chưa có kế hoạch cụ thể nào để đối phó Trung Quốc trong lĩnh vực này, nhất là việc điều phối nhánh mới nhất của quân đội Mỹ: Lực lượng Không gian (USSF), vốn là di sản của người tiền nhiệm Donald Trump.

Trung Quốc tăng tốc

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã có những nghiên cứu rất kỹ càng về quân đội Mỹ, đặc biệt là việc áp dụng các công nghệ trên không gian như vệ tinh vào các cuộc chiến tại Afghanistan năm 2001 và Iraq năm 2003.

Theo thống kê, hàng nghìn quả tên lửa hành trình và bom được dẫn đường bằng vệ tinh đã được sử dụng, với độ chính xác cao, để tấn công lực lượng Taliban và hệ thống phòng thủ của Iraq.

Chính vì vậy, Trung Quốc cho rằng những vệ tinh đang hoạt động ngoài quỹ đạo kia chính là một trong những thách thức mà quốc gia này phải lo ngại. Dần dần, trong quá trình đẩy mạnh sự phát triển của công nghệ, Bắc Kinh cũng đã gấp rút đẩy mạnh sự hiện diện trong không gian bằng những thứ vũ khí mới mạnh mẽ.

Trung Quốc bắt tay vào thực hiện các nghiên cứu về vũ khí chống vệ tinh vào năm 2005. Vào đầu năm 2007, sau nhiều lần thử nghiệm, Trung Quốc đã bắn hạ thành công một vệ tinh thời tiết ở độ cao 864km tính từ Trái đất.

Theo CNN, quốc gia này sử dụng một loại đầu đạn được gọi là đầu đạn động học do tên lửa đạn đạo đưa lên quỹ đạo.

Năm 2020, Trung Quốc đã phóng thành công mẫu tên lửa tiên tiến nhất của mình mang tên Trường Chinh 5 (Long March-5), với tải trọng 25 tấn, tạo tiền đề cho một loạt các dự án không gian trong tương lai. (Nguồn: AFP)

Sau đó, Bắc Kinh đã tiến hành thêm khoảng chục cuộc thử nghiệm, trong đó có sử dụng những loại đầu đạn hiện đại hơn, có thể bắn cao hơn nhiều và về lý thuyết khiến hầu hết các lớp tàu vũ trụ của Mỹ gặp nguy hiểm.

Tuy nhiên, một đầu đạn có thể mất nhiều giờ mới có thể đi được lên quỹ đạo, tạo ra nhiều dư địa cho vệ tinh Mỹ né tránh hoặc trả đũa. Hơn nữa, các mảnh vỡ từ những vệ tinh bị phá hủy có thể gây nguy hiểm cho chính tàu vũ trụ của Bắc Kinh.

Do đó, Trung Quốc cũng tìm cách đa dạng hóa lực lượng chống vệ tinh của mình. Đầu tiên là việc sử dụng các chùm tia laser để làm “mù” vệ tinh, đồng thời nghiên cứu các cách khác để tấn công vệ tinh với tốc độ ánh sáng. Tuy nhiên, tất cả các kỹ thuật được đánh giá là đòi hỏi nhiều năm và có lẽ là hàng thập kỷ phát triển.

Sau đó, họ đã nảy ra ý tưởng mới, dựa vào suy nghĩ rằng, mọi khía cạnh của sức mạnh không gian của Mỹ đều được điều khiển từ mặt đất bởi máy tính. Nếu phá được tường lửa, bộ não của các hạm đội không gian của Washington hoàn toàn có thể bị tê liệt. Không những vậy, các cuộc tấn công mạng lại không hề quá tốn kém.

Trung Quốc bắt đầu phát triển virus để lây nhiễm vào máy tính của đối phương và bắt đầu tập trận quân sự tấn công mạng vào năm 2005.

Phản ứng của Washington

Nhận ra được bước đi của Trung Quốc, trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Barack Obama và đội ngũ của mình đã giới thiệu cái gọi là “chiến lược bù đắp” để đối phó với Bắc Kinh và bất cứ mối đe dọa nào bằng cách tận dụng lợi thế công nghệ của Mỹ.

Ý tưởng của chiến lược là việc chính phủ tìm cách khai thác những đột phá về công nghệ không gian của các công ty tư nhân như một cách để tái tạo sức mạnh cho quân đội, giống như cách mà Mỹ đã dựa vào Steve Jobs và Apple cho những thiết bị máy tính.

Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Washington đã bơm hàng khoảng 7,2 tỷ USD vào 67 công ty, nổi bật là các công ty vũ trụ tư nhân như SpaceX của Elon Musk và Blue Origin của Jeff Bezos, nhằm kết hợp với chính phủ để phát triển những đột phá mới trong ngành công nghệ vũ trụ. Kết quả là, các công ty này đã cho ra mắt hàng loạt những vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ với chi phí sản xuất phải chăng, cũng như các nhóm tên lửa có thể tái sử dụng. Những cải tiến này được cho là khiến việc nhắm bắn và phá hủy vệ tinh trở nên khó khăn hơn rất nhiều, nếu không muốn nói là không thể.

Cờ của Lực lượng Không gian Mỹ, một nhánh của Quân đội Mỹ, được thành lập dưới thời Tổng thống Donald Trump. (Nguồn: New York Times)

Tới thời của Tổng thống Donald Trump, Mỹ tiếp tục chiến lược thương mại hóa của người tiền nhiệm, tuy rằng cả ông Trump lẫn Nhà Trắng đều không công nhận điều này. Chiến lược này được kết tinh bằng việc USSF chính thức được ra mắt.

Tháng 3/2020, USSF thông báo đã sở hữu một loại vũ khí tấn công mới, được hiểu là một hệ thống gây nhiễu được đặt dưới mặt đất, bắn các tia năng lượng lên vũ trụ làm gián đoạn việc truyền tín hiệu từ vệ tinh liên lạc của đối phương. Ngoài ra, chính quyền của ông Trump cũng đã đề nghị lên Quốc hội Mỹ để bắt đầu sản xuất những loại “vũ khí đối kháng trên không gian”, với chi phí dự kiến lên tới hàng trăm triệu USD.

Các quan chức thời Tổng thống Trump đã mô tả những bước đi của Mỹ không chỉ để phản ứng với sự tiến bộ công nghệ vượt bậc, mà còn với các kế hoạch trong tương lai của Trung Quốc. Năm 2019, Cơ quan Tình báo Quốc phòng của Lầu Năm Góc cảnh báo rằng Trung Quốc dường như đang triển khai một thế hệ laser cực mạnh mới, có thể đưa vào hoạt động giữa thập kỷ này, gây nguy hiểm cho các lớp vệ tinh mới của Mỹ.

Các nhà phân tích cho rằng, chính quyền của Tổng thống Joe Biden có thể tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu các công nghệ không gian mới, đồng thời giữ USSF hoạt động do lực lượng này có sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội. Các chuyên gia quân sự thì tin rằng USSF đang gửi tới Trung Quốc một thông điệp rõ ràng.

Ông Lloyd J. Austin, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong buổi điều trần trước Thượng viện khẳng định rằng, ông sẽ tập trung duy trì và làm sắc nét “lợi thế cạnh tranh” của Mỹ trước quân đội ngày một hùng mạnh của Trung Quốc. Ông cũng kêu gọi đầu tư mạnh mẽ hơn vào việc đổi mới, sáng tạo các nền tảng liên quan đến vũ trụ, nhất là từ khối tư nhân để tăng cường sức mạnh cho quân đội.

Quang Đào

(theo New York Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-trung-quoc-va-cuoc-dua-cuong-quoc-khong-gian-135661.html