GS Ngô Bảo Châu: Phông văn hóa quan trọng không kém chuẩn bị một cái nghề

Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng, để con trẻ được hòa mình vào cuộc sống văn hóa từ khi còn rất nhỏ quan trọng không kém chuẩn bị một cái nghề. Vốn văn hóa sẽ giúp con trẻ hội nhập cuộc sống, thích nghị mọi điều kiện thay đổi của cuộc sống.

Với chủ đề "Sáng tạo là kỷ nguyên tiếp theo của trí tuệ", Hội nghị thường niên về Tương lai giáo dục “Symphony Of The Mind” năm 2021 do Tổ chức Giáo dục Embassy Education tổ chức quy tụ nhiều học giả uy tín, nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực như tâm lý học, giáo dục, kinh doanh và nghệ thuật...

Nhà toán học, Giáo sư Ngô Bảo Châu, chủ nhân của giải thưởng Fields năm 2010 đã có những chia sẻ sâu sắc về sự sáng tạo trong khoa học, nghệ thuật, giáo dục.

Một người thầy thực thụ không bao giờ truyền đạt lại một kiến thức đã chết

Theo GS. Ngô Bảo Châu, sáng tạo là phần cốt yếu cả trong nghiên cứu, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, giáo dục… trong đó, sáng tạo trong dạy và học là điều rất quan trọng.

Chủ nhân của giải thưởng Fields năm 2010 liên tưởng việc dạy học của một nhà giáo thực thụ như một nghệ sỹ chơi một bản nhạc của Beethoven. Anh ta có thể làm sống lại một bản nhạc được ra đời cách đây 300-400 năm.

“Một người thầy thực thụ không bao giờ truyền đạt lại một kiến thức đã chết. Không chỉ đọc thuộc lòng những gì có trong sách và giảng đi giảng lại năm nào cũng giống như năm nào. Kiến thức mà chúng ta truyền đạt cho học sinh có thể không phải chúng ta tìm ra nhưng trước hết chúng ta phải hiểu rất sâu”, GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ.

Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ tại Hội nghị thường niên về Tương lai giáo dục Symphony Of The Mind 2021

Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ tại Hội nghị thường niên về Tương lai giáo dục Symphony Of The Mind 2021

Dẫn lại câu nói nổi tiếng của nhà Vật lý lý thuyết Albert Einstein, “Sáng tạo là nhìn thấy những gì mà người khác nhìn thấy nhưng nghĩ những gì mà chưa ai khác từng nghĩ đến”, GS. Ngô Bảo Châu khẳng định, đấy chính là bản chất sáng tạo của nhà khoa học cũng như của những người làm nghệ thuật.

GS. Ngô Bảo Châu cũng cho rằng, toán học không phải chỉ là cộng, trừ, nhân, chia nhanh. Cái khó nhất của toán học chính là từ quan sát một hiện tượng chúng ta tìm ra những khái niệm, cách thực hành tư duy trên những khái niệm đó để giải thích, mô tả, mô phỏng những điều đã quan sát được.

Tương tự, sáng tạo trong nghệ thuật cũng như vậy. Người nghệ sỹ không diễn giải bằng những khái niệm mà họ diễn giải bằng những dụng cụ, màu sắc, diễn giải bằng những nốt nhạc…

“Tôi không nghĩ rằng những bản nhạc xuất phát từ hư vô mà là xuất phát từ xã hội bên ngoài, nó phản chiếu đến tâm hồn của họ thì mới ra được một tác phẩm... Tất cả đều cần sự sáng tạo”, GS. Ngô Bảo Châu đưa ra quan điểm.

“Mong các con tôi là những người độc lập, biết sống cuộc sống của mình"

Trong tập 1 Hội nghị thường niên về Tương lai giáo dục “Symphony Of The Mind” năm 2021 được phát sóng vào tối 08/10, GS. Ngô Bảo Châu cũng chia sẻ nhiều suy nghĩ cá nhân về giáo dục con cái.

Câu nói của nhà giáo dục John Dewey được Giáo sư Ngô Bảo Châu rất tâm đắc: “Việc học không phải là sự tập luyện trong cuộc sống. Học là sống, là các cháu được sống trong cuộc sống của chúng nó”. Trong cuộc sống ấy, theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, không chỉ là chơi mà còn là học. Học khoa học, học viết, học làm toán, nghệ thuật…

“Nhiều người vẫn quan niệm, học phải có điểm cao để sau này có một sự nghiệp thành đạt. Đúng là ai cũng phải có sự nghiệp của mình nhưng đấy không phải là tất cả cuộc sống. Cuộc sống là phải biết sống thế nào cho chan hòa với mọi người, sống hạnh phúc và đem lại hạnh phúc cho người khác nữa”, GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ.

Hội nghị thường niên về Tương lai giáo dục Symphony Of The Mind 2021 quy tụ nhiều học giả nổi tiếng, uy tín trong nhiều lĩnh vực.

Điều quan trọng, theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, khi con trẻ chưa thể sống độc lập thì người lớn phải tạo điều kiện để con trẻ được sống với những điều cái mà chúng muốn học hay là có thể khơi gợi để các em thích học.

Nhà toán học Ngô Bảo Châu thừa nhận, các con của ông đều học không quá xuất sắc nhưng có nhiều đam mê khác nhau. Và điều mà ông thực sự mong muốn ở những người con của mình là chúng có thể sống độc lập, biết sống, làm chủ cuộc sống của mình, hạnh phúc với cuộc sống của mình và có cảm xúc trước cái hay, cái đẹp của đời sống nghệ thuật, biết đem lại cả niềm vui cho những người khác.

Dĩ nhiên ông cũng mong muốn một trong những đứa con của mình sau này làm toán giống mình. Nhưng nếu không thành công ông cũng không cảm thấy quá buồn về điều đó.

Để con trẻ có thể thích nghi với một cuộc sống nhiều thay đổi, theo Giáo sư Ngô Bảo Châu các em cần được trang bị, được hòa mình vào cuộc sống văn hóa từ khi còn rất nhỏ. Điều này quan trọng không kém việc chuẩn bị một cái nghề.

“Vốn văn hóa sẽ giúp các em hội nhập, thích nghi trong mọi điều kiện thay đổi của cuộc sống. Từ trong nước đến nước ngoài, ở đâu các em cũng có thể hòa nhập được, hiểu được người ta nói gì, nghĩ cái gì. Một người không hiểu, không đón nhận được những gì mà người khác chia sẻ, không biết chia sẻ suy nghĩ của mình với người khác thì tôi không tin những người ấy thực sự hạnh phúc”, Giáo sư Ngô Bảo Châu khẳng định.

Trần Bá Duy/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/gs-ngo-bao-chau-phong-van-hoa-quan-trong-khong-kem-chuan-bi-mot-cai-nghe-896813.vov