Mỹ, Trung Quốc thảo luận để tránh chiến tranh thương mại

Trong hôm 3/5 các cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có mặt ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc để bắt đầu các vòng thảo luận kéo dài hai ngày nhằm ngăn chặn một cuộc chiến thương mại có thể xảy ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cuộc thảo luận kéo dài hai ngày không được giới quan sát kỳ vọng nhiều. (Nguồn: AP).

Mỹ và Trung Quốc thời gian qua đã liên tiếp đe dọa sẽ áp đặt hàng rào thuế quan - với giá trị hàng chục tỷ USD - đối với hàng hóa của mỗi bên. Cả hai bên, cùng lúc, cũng hy vọng sẽ đạt được bước tiến trong các cuộc đàm phán để giảm căng thẳng thương mại.
Phái đoàn của Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Reobert Lighthizer, sẽ gặp gỡ giới chức Trung Quốc tại Bắc Kinh và sẽ rời khỏi đây vào tối hôm thứ Sáu tuần này - Người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh cho hay.

“Đội ngũ tài chính vĩ đại của chúng ta đang ở Trung Quốc để đàm phán về vấn đề thương mại” - Tổng thống Trump viết trên Twitter.

Trước đó, trong lúc công bố thông tin về chuyến thăm này hồi tuần trước, ông Trump nói rằng đây là “một cơ hội rất tốt” để đạt một thỏa thuận với Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với ông.

“Tôi không mong đợi kết quả gì từ các vòng đàm phán” - Michael Camunez, Giám đốc điều hành của Hãng tư vấn Chiến lược Toàn cầu Monarch và từng là quan chức thương mại kỳ cựu dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhận định.

Theo ông Camunez, chính quyền Mỹ hiện nay không có cùng quan điểm với đội ngũ các nhà đàm phán - trong đó có người bị coi là giữ quan điểm quá cứng rắn là ông Lighthizer và những người ủng hộ thương mại tự do như ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump.

Phía Chính phủ Trung Quốc cũng cố gắng giảm nhẹ kỳ vọng vào các vòng thảo luận này. Với quy mô và sự phức tạp trong mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung, “sẽ là không thực tế nếu kỳ vọng rằng mọi vấn đề sẽ được giải quyết chỉ thông qua một đợt thảo luận” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, nêu rõ.

Được biết, các vòng thảo luận này sẽ tập trung vào một số vấn đề vướng mắc đang nổi trội trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung.

Cắt giảm thâm hụt thương mại

Chính quyền Trump hiện nay muốn phía Trung Quốc mua nhiều hơn các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ với hy vọng sẽ giảm được lượng thâm hụt hàng hóa lên tới 375 tỷ USD. Họ cũng đang thúc đẩy Bắc Kinh từ bỏ chính sách công nghiệp trong đó bảo hộ các công ty trong nước và ép các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cuộc thảo luận trong tuần này chỉ có thể mang tới cho Mỹ các thỏa thuận tạm thời, trong đó bao gồm việc Trung Quốc công bố thêm chi tiết về việc mở cửa ngành công nghiệp chế tạo xe hơi và cam kết tăng lượng nhập khẩu từ Mỹ. Việc Bắc Kinh cam kết nhập thêm lượng hàng trị giá 50 tỷ USD mỗi năm từ Mỹ đã được xem là một thắng lợi đối với đội ngũ của Tổng thống Trump.

Hiện nay, các công ty của Trung Quốc cũng đang muốn đẩy mạnh nhập các sản phẩm công nghệ cao từ nước Mỹ. Bởi vậy mà các công ty công nghệ nước này tỏ ra hết sức lo lắng khi trong tháng trước, chính quyền Trump đã đe dọa sẽ cấm nhà sản xuất smartphone ZTE của Trung Quốc mua linh kiện từ Mỹ trong vòng 7 năm.

Quyền tiếp cận thị trường, tài sản trí tuệ

Theo ông Pauline Loong, Giám đốc Công ty phân tích Asia Analytica, trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), chính quyền Bắc Kinh thay vì mua thêm hàng hóa của Mỹ, có thể sẽ trao quyền tiếp cận thị trường nhiều hơn cho các công ty Mỹ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định rằng các cam kết tương tự cũng từng được Trung Quốc đưa ra, nhưng lại gây khó cho các công ty nước ngoài bởi sự chậm trễ và các yêu cầu cụ thể mà các công ty này cần đáp ứng.

Hồi cuối năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh cũng tuyên bố cho phép các công ty nước ngoài được sở hữu các ngân hàng và công ty đầu tư trong nước, cho rằng nó sẽ tạo điều kiện cho Phố Wall làm ăn ở nước này. Tuy nhiên, đến nay các công ty nước ngoài vẫn gặp khó khăn trong việc đáp ứng các điều kiện.

Các công ty Mỹ hiện đang hoạt động ở Trung Quốc cũng muốn chính quyền Trump gây sức ép với Bắc Kinh để ngăn chặn tình trạng ăn cắp tài sản trí tuệ, bị ép chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc. Vấn đề này được xem là gai góc nhất trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung hiện nay, trong bối cảnh Trung Quốc đang muốn chuyển đổi nền kinh tế sang ngành công nghiệp công nghệ cao.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/my-trung-quoc-thao-luan-de-tranh-chien-tranh-thuong-mai-tintuc402705