Mỹ-Trung Quốc 'so găng' sản xuất vaccine ngừa Covid-19: Kẻ tám lạng, người nửa cân

Trung Quốc kiểm soát tốt dịch bệnh, rầm rộ triển khai 'ngoại giao vaccine', nhưng tỷ lệ tiêm chủng ngừa Covid-19 lại rất thấp. Trong khi đó, vaccine ngừa Covid-19 của Mỹ đã cho thấy tính hiệu quả và nước này đã có những điều chỉnh nhằm cải thiện hình ảnh quốc tế.

Công bằng mà nói, vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc và của châu Âu-Mỹ đều có hạn chế riêng, tất cả đều được vội vàng đưa ra thị trường trong vòng 1 năm. (Nguồn: Reuters)

Công bằng mà nói, vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc và của châu Âu-Mỹ đều có hạn chế riêng, tất cả đều được vội vàng đưa ra thị trường trong vòng 1 năm. (Nguồn: Reuters)

Những lời khen, chê

Ngày 26/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bắt đầu thẩm tra vaccine ngừa Covid-19 của hãng Sinopharm (Trung Quốc) làm cơ sở đưa ra quyết định có cho phép sử dụng hay không. Sắp tới, vaccine Sinovac của Trung Quốc cũng sẽ được thẩm tra.

Nhưng từ tháng 5/2020, Trung Quốc đã không ngừng nhấn mạnh rằng, vaccine ngừa Covid-19 do Trung Quốc nghiên cứu phát triển "đứng hàng đầu thế giới".

Phó Giám đốc Trung tâm Quan hệ quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc Kim Xán Vinh thậm chí còn cho rằng, vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc chiếm 4 vị trí đầu tiên trong danh sách 10 loại vaccine ngừa Covid-19 an toàn nhất thế giới.

Vấn đề là, trên phương diện vaccine ngừa Covid-19, chưa có tổ chức, chuyên gia hay tạp chí uy tín quốc tế nào thừa nhận vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc đứng hàng đầu thế giới. WHO cũng chưa phê duyệt một loại vaccine ngừa Covid-19 nào do Trung Quốc nghiên cứu phát triển.

Vào mùa Hè năm ngoái, Trung Quốc chiếm tới 4 trong số 10 loại vaccine ngừa Covid-19 được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên thế giới, giúp gia tăng lòng tin của người dân trong nước.

Một phần nguyên nhân là do Mỹ và châu Âu áp dụng công nghệ vaccine mRNA thế hệ mới, không dựa vào việc nuôi cấy phát triển tế bào, tuy dễ dàng sản xuất hàng loạt, nhưng lại đối mặt với thách thức trong vấn đề bảo quản với độ lạnh sâu.

Trong khi đó, Trung Quốc phát triển vaccine ngừa Covid-19 dựa vào công nghệ bất hoạt truyền thống, tuy công nghệ hoàn thiện, nhưng việc nuôi cấy tế bào lại mất nhiều thời gian. Hơn nữa, Trung Quốc không có số lượng lớn người nhiễm bệnh để thử nghiệm, cho nên, nước này dần rơi vào thế bất lợi trong cuộc đua phát triển vaccine ngừa Covid-19.

Trong khi đó, hiệu quả của vaccine Pfizer và Modena do Mỹ nghiên cứu phát triển lên tới trên 95%. Đầu năm nay, vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer bị cáo buộc gây tử vong cho 29 người ở Na Uy và một số người dân Mỹ, nhưng kết quả điều tra sau này cho thấy chưa chắc nguyên nhân tử vong liên quan trực tiếp tới vaccine.

Vẫn còn những nghi ngờ

Dù là vaccine 1 liều do hãng Johnson & Johnson của Mỹ phát triển hay vaccine AstraZeneca của Anh, đều đã xuất hiện hiện tượng đông máu, thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng đối với một số trường hợp. Cũng như AstraZeneca, vaccine của Johnson & Johnson cũng đã bị đình chỉ tiêm nhiều ngày và chỉ mới được khôi phục vào ngày 23/4 vừa qua.

Đối với vaccine Trung Quốc thì sao? Báo cáo cho thấy, tại Hong Kong (Trung Quốc) có 3 trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine Trung Quốc; 1 phụ nữ Hàn Quốc cũng tử vong sau khi tiêm vaccine ở Thượng Hải. Theo tin tức công khai, tới thượng tuần tháng 3/2021, số ca tử vong do nghi ngờ có liên quan tới 44 triệu mũi Sinovac đã được tiêm chủng cũng nên được xem xét.

Trung Quốc đã cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho 69 quốc gia mà tình hình dịch bệnh căng thẳng. Lãnh đạo một số nước như Indonesia, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia, Jordan… đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc và khẳng định hiệu quả của nó.

Ông Kim Xán Vinh từng tuyên bố, vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc có hiệu quả 100%. Nhưng kết quả thử nghiệm ở Brazil cho thấy hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 do Trung Quốc nghiên cứu phát triển chỉ đạt 50,4%.

Lãnh đạo các nước như Anh, Mỹ, Canada… đều đã công khai tiêm ngừa Covid-19 để gia tăng sự tin tưởng của người dân vào tác dụng phòng ngừa dịch bệnh của việc tiêm vaccine. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc tới nay vẫn chưa công khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 do nước này nghiên cứu phát triển.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc Cao Phúc thẳng thắn nói rằng, tác dụng của vaccine Trung Quốc "không quá lý tưởng". Theo ông Cao Phúc, việc WHO không chấp thuận vaccine Trung Quốc là điều dễ hiểu vì vaccine Trung Quốc vẫn còn thiếu dữ liệu thử nghiệm giai đoạn ba.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc và của châu Âu-Mỹ đều có hạn chế riêng, bởi trong tình huống khẩn, tất cả đều được rút ngắn giai đoạn, vội vàng đưa ra thị trường trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, theo tờ Tin tức Thế giới, về mặt hiệu quả, chắc chắn vaccine của Mỹ và Anh vượt qua vaccine của Trung Quốc.

Cho tới nay, tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 ở Trung Quốc chỉ đạt khoảng 4%, tới khi nước ngoài có miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm ngừa đạt 60-70%, Trung Quốc sẽ gặp nguy hiểm, bởi bất cứ bệnh dịch nào cũng có thể trở lại gây ra rắc rối lớn.

Có người nói, năm 2020 Mỹ thua Trung Quốc là thua ở việc chống dịch, nhưng giờ đây Mỹ đã thắng Trung Quốc về hiệu quả vaccine mang lại, tỷ lệ tiêm ngừa và khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng.

Trung Quốc sử dụng "ngoại giao vaccine" để tăng cường vị thế, nhưng Mỹ cũng đã có những thay đổi, khi Nhà Trắng mới đây quyết định trong vòng 2 tháng, sẽ chia sẻ khoảng 60 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca đã mua, nhưng chưa cần dùng đến cho thế giới, sau khi hoàn tất đánh giá an toàn. Chắc chắn, hình ảnh quốc tế của Mỹ sẽ được cải thiện sau động thái này.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-trung-quoc-so-gang-san-xuat-vaccine-ngua-covid-19-ke-tam-lang-nguoi-nua-can-143643.html