Mỹ - Trung Quốc: 'Kẻ tám lạng, người nửa cân' trong cuộc đua AI

Hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới vẫn cạnh tranh trong cuộc đua phát triển ứng dụng AI, bất chấp vừa đạt thỏa thuận tạm ngừng căng thẳng thương mại hôm 1.12.

Người tham dự Triển lãm Quốc tế Trung Quốc về An ninh Công cộng lần thứ 14 ở Bắc Kinh hôm 24.10 đang quan sát chương trình phần mềm an ninh AI - Ảnh: AFP

Theo South China Morning Post, cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) là tâm điểm của sự kiện Diễn đàn Công nghệ Toàn cầu Fortune, diễn ra ở Quảng Châu (Trung Quốc) tuần trước. Cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nỗ lực cạnh tranh phát triển các ứng dụng AI nhằm giải quyết vấn đề thực tế.

“Các doanh nghiệp lớn sẽ hưởng lợi từ chu kỳ thu thập thêm dữ liệu, phát triển AI tốt hơn và vì thế, họ có sản phẩm tốt hơn, kiếm được nhiều tiền hơn và đạt thị phần lớn hơn”, chủ tịch kiêm CEO Lee Kai-fu của hãng Sinovation Ventures nhận định hôm 29.11.

Ông Lee nói thêm, trước khi Mỹ và Trung Quốc công bố tạm ngừng căng thẳng thương mại tại Hội nghị thượng đỉnh G20: “Vì vậy các hãng Trung Quốc sẽ phát triển nội địa trước, và sau đó là ra ngoài Trung Quốc, còn các hãng Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng lãnh thổ của họ. Nhiều nước khác đang tương đối đứng yên, vì vậy sự dịch chuyển tài sản là điều đang diễn ra”.

AI đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch Made in China 2025 của Bắc Kinh. Kế hoạch hứa hẹn đưa các ngành từ robot, vũ trụ đến vật liệu mới, phương tiện chạy bằng năng lượng mới của Trung Quốc lên cao hơn trong chuỗi giá trị. Nước này muốn thay thế hàng ngoại nhập bằng hàng nội địa, xây dựng các doanh nghiệp đi đầu toàn cầu, có đủ sức thách thức công nghệ tiên tiến của các hãng phương Tây.

“Đã đến lúc Mỹ và Trung Quốc nghĩ lại về vai trò dẫn đầu của họ trong việc giúp thế giới tiến lên phía trước, và giúp mỗi nước bắt đầu lập bản đồ phương pháp tiếp cận riêng”, ông Lee cho hay, lưu ý rằng sự tích lũy tài sản đang diễn ra ở cả hai thị trường. Cuộc đua toàn cầu sẽ phụ thuộc vào việc nước nào có thể dùng công nghệ AI nhanh hơn, tốt hơn thay vì phát minh ra nó. Theo chuyên gia này, dân số đông của Trung Quốc là một thế mạnh.

Yang Yuanqing, chủ tịch kiêm CEO Lenovo, đồng quan điểm với ông Lee, cho rằng Trung Quốc có thế mạnh dù bản thân thừa nhận rằng hai nước Mỹ - Trung hiện vẫn còn khoảng cách. “Trung Quốc đứng sau Mỹ về nhiều công nghệ như chip, thuật toán và ứng dụng doanh nghiệp lớn, chúng tôi còn đường dài để đi”, ông Yang nhận định.

Baidu, Alibaba Group Holding, Tencent Holdings và iFlyTek được xem là các “nhà vô địch” AI Đại lục trong năm 2017, có nhiệm vụ thúc đẩy phát triển mảng này. Mới đây, các hãng như Yitu Technology và SenseTime còn nổi lên, phát triển công nghệ giúp sàng lọc ung thư và chế tạo xe không người lái.

Nhận thấy mối đe dọa với vị thế lãnh đạo công nghệ toàn cầu của mình, Mỹ mạnh tay với kế hoạch Made in China của Bắc Kinh, cho rằng đây là ví dụ của việc nhà nước Trung Quốc can thiệp thiếu công bằng vào nền kinh tế. Dù vậy Gary Rieschel, đối tác quản lý tại Qiming Venture Partners, nghĩ khác. Ông cho rằng hệ sinh thái AI của Trung Quốc đa phần là doanh nghiệp tư nhân chứ không phải công ty nhà nước.

Một số nhà đầu tư khác thì cùng nhận định rằng các hãng tư nhân sẽ đóng góp nhiều cho AI trong tương lai. “10 năm kể từ bây giờ, các hãng có hỗ trợ AI sẽ có giá trị cổ phiếu cao hơn nhiều so với cổ phiếu nhóm FAANG (gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Google) cùng nhóm BAT (Baidu, Alibaba và Tencent) hiện nay”, nhà sáng lập kiêm CEO Breyer Capital, ông Jim Breyer, cho biết.

Doanh nhân này là một trong những người đầu tiên đầu tư vào Facebook nói thêm: “Sẽ có từ 18 đến 20 công ty. Nhiều trong số đó có thể là doanh nghiệp nghìn tỉ USD trong 10 năm kể từ bây giờ. 18 trong số 20 hãng đó sẽ ở Mỹ hoặc Trung Quốc”.

Thu Thảo

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/cong-nghe/my-trung-quoc-ke-tam-lang-nguoi-nua-can-trong-cuoc-dua-ai-1029967.html