Mỹ - Trung Quốc: Đàm phán thương mại, hạ nhiệt căng thẳng

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 4-1 thông báo, Mỹ và Trung Quốc sẽ tổ chức các cuộc đàm phán cấp thứ trưởng vào ngày 7 và 8-1. Phó đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish sẽ dẫn đầu đoàn đàm phán của Mỹ.

Thế chẳng đặng đừng

Theo Tân Hoa xã, đây sẽ là cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên trong thời gian 90 ngày đình chiến với những điểm đã thống nhất trong cuộc gặp bên lề G20 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thông tin này cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có tiến triển trong việc hạ nhiệt căng thẳng thương mại. Tuần trước, Tổng thống Donald Trump cũng cho biết đã có cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình, đồng thời khẳng định việc đàm phán đang diễn biến tốt. Bắc Kinh cũng công bố vòng giảm thuế nhập khẩu thứ 3 với hơn 700 mặt hàng, bắt đầu từ ngày 1-1, nhằm mở cửa nền kinh tế và giảm chi phí cho người tiêu dùng trong nước. Theo thỏa thuận tháng trước, hai nước sẽ phải đàm phán một thỏa thuận thương mại muộn nhất là ngày 1-3.

Trong khi đó, khảo sát của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) Mỹ công bố ngày 3-1 cho thấy, hầu hết các yếu tố của hoạt động sản xuất tại Mỹ, từ sản xuất, phân phối và thuê nhân công đều sụt giảm trong tháng 12-2018. Theo đó, chỉ số sản xuất quốc gia đã giảm 5,2%, xuống còn 54,1%, là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10-2008, thời điểm nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất tại Mỹ bị ảnh hưởng là do việc chính quyền ông Donald Trump áp thuế bổ sung đối với mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu cũng như một loạt hàng hóa Trung Quốc. Các số liệu trên cùng với việc thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh, có thời điểm chỉ số công nghiệp Dow Jones mất hơn 600 điểm, khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2019 u ám hơn. Dẫu vậy, các nhà kinh tế vẫn nhận định sẽ không xảy ra suy thoái. Theo một số nhà kinh tế, việc thắt chặt các điều kiện thị trường tài chính có thể khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) không tăng lãi suất trong năm 2019.

Triển vọng chưa sáng

Số liệu thống kê tuần này cho thấy hoạt động sản xuất trong tháng 12-2018 đã giảm hầu hết tại châu Âu, châu Á, trong đó hoạt động sản xuất tại Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong 19 tháng qua. Các thị trường trên thế giới tiếp tục bị tác động do tâm lý lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm sau khi ISM công bố các số liệu mới nhất về hoạt động chế tạo công nghiệp của Mỹ kể trên.

Chuyên gia phân tích Ole Hansen của Saxo Bank cho biết, vàng đang được “săn đón” trên hầu hết các kênh mua bán. Với hoạt động đầu cơ gia tăng như vậy, thị trường vàng sẽ tiến đến mức 1.300 USD/ounce sớm hơn dự đoán. Trong một dấu hiệu cho thấy nhu cầu vàng đang ngày càng gia tăng, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết, lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã tăng lên 795,31 tấn, mức cao nhất kể từ đầu tháng 8-2018. Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc tăng 1,2% lên 15,70 USD/ounce; giá bạch kim tăng 0,4% và được giao dịch ở mức 797,20 USD/ounce.

Các nhà chế tạo ô tô lớn cũng thông báo số liệu yếu kém khi kinh doanh xe tại thị trường Mỹ trong tháng 12-2018, trong đó doanh thu bán hàng của hai tập đoàn Ford và General Motors lần lượt giảm 8,8% và 2,7%. Giá cổ phiếu của Ford giảm 1,5%, trong khi GM giảm 4,1%.

Doanh thu bán ô tô tại Mỹ của Ford và General Motors cùng giảm

Doanh thu bán ô tô tại Mỹ của Ford và General Motors cùng giảm

Ông Sam Stovall, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư của hãng Nghiên cứu CFRA tại New York cho biết kinh tế Trung Quốc vốn được dự báo sẽ giảm tốc, song số liệu của ISM đưa ra thấp hơn dự kiến gây bất ngờ cho giới đầu tư, bởi Mỹ dường như được xem là “nơi trú ẩn an toàn trong cơn bão”. Ông Peter Tuz, Chủ tịch hãng Chase Investment Counsel cho biết có đủ số liệu chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh khi năm 2018 khép lại. Trong đó, vấn đề thương mại và địa chính trị là hai trong số những yếu tố tác động lớn nhất.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/my-trung-quoc-dam-phan-thuong-mai-ha-nhiet-cang-thang-569092.html