Mỹ-Trung Quốc: Công khai tuyên chiến, ngấm ngầm công kích, một trật tự quốc tế mới đang manh nha

Lần đầu tiên không có tuyên bố chung nào được đưa ra, cuộc gặp kết thúc trong bầu không khí căng thẳng, hai bên 'ăn miếng trả miếng' nảy lửa, chỉ trích mạnh mẽ lẫn nhau, đó là kết quả cuộc đối thoại Mỹ-Trung đầu tiên sau khi tân Tổng thống Joe Biden lên cầm quyền.

Trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung Quốc, đối với Mỹ, nguy cơ dường như lớn hơn cơ hội; đối với châu Âu, nguy cơ và cơ hội cùng tồn tại; đối với Trung Quốc và châu Á, cơ hội dường như lớn hơn nguy cơ. Bên cạnh đó, một trật tự quốc tế mới dường như đang manh nha hình thành. (Nguồn: CER)

Trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung Quốc, đối với Mỹ, nguy cơ dường như lớn hơn cơ hội; đối với châu Âu, nguy cơ và cơ hội cùng tồn tại; đối với Trung Quốc và châu Á, cơ hội dường như lớn hơn nguy cơ. Bên cạnh đó, một trật tự quốc tế mới dường như đang manh nha hình thành. (Nguồn: CER)

Điều này gây lo ngại rằng, trong cuộc đọ sức giữa Mỹ và Trung Quốc, kéo dài từ thời cựu Tổng thống Donald Trump đến thời Chính quyền đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden, tình hình "chiến trận" từ công khai cho đến ngấm ngầm là rất khó lý giải. Dù vậy, từ những manh mối gần đây có thể nhận định xu thế phát triển của thế giới trong thời gian tới.

Bẫy Thucydides

Bẫy Thucydides là một khái niệm mang hàm nghĩa rằng, chiến tranh là xu hướng tự nhiên khi một trung tâm quyền lực mới nổi lên đe dọa thay thế trung tâm quyền lực cũ. Mối quan tâm hàng đầu hiện nay là xu hướng phát triển của Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, thậm chí là toàn cầu và quan hệ tương tác giữa Mỹ-Trung Quốc-châu Âu, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.

Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd, người được cho là rất am hiểu về Trung Quốc, nhấn mạnh toàn bộ thập niên 2020 là thời khắc rất quan trọng đối với Mỹ và Trung Quốc. Sức mạnh của hai nước về kinh tế và công nghệ sẽ tiệm cận nhau ở mức chưa từng có. Do vậy, đây sẽ là "thập kỷ nguy hiểm" đối với Mỹ và Trung Quốc, cũng như châu Á và thậm chí là toàn cầu.

Theo khái niệm "Bẫy Thucydides", Mỹ với tư cách Big Brother (Người anh lớn) đã đứng trên đỉnh cao thế giới hơn một thế kỷ và đang đối diện với sự đeo bám một cách mạnh mẽ, đầy tham vọng của Trung Quốc.

Cùng với khoảng cách chênh lệch giữa hai nước đang được thu hẹp nhanh chóng, một nước Mỹ đang lo lắng sẽ tìm cách để kiềm chế Trung Quốc. Mặt khác, một Trung Quốc đang trỗi dậy sẽ phát hiện rằng, việc muốn yên ổn ở vị trí thứ hai cũng sẽ khó khăn, nên cuối cùng chỉ có một lựa chọn bắt buộc là đối trọng trực tiếp với "Big Brother".

Đây chính là logic của "Thập niên nguy hiểm". Tuy nhiên, nguy hiểm, không đơn thuần chỉ liên quan đến Mỹ và Trung Quốc, mà sẽ liên lụy đến châu Á, thậm chí toàn cầu.

Mỹ-Trung Quốc và châu Âu

Có thể quan sát những nét lớn về tình hình trong những năm 2020 từ ba góc độ.

Đầu tiên, xét từ bản thân nước Mỹ, cơ hội và thách thức lớn nhất về kinh tế được quyết định bởi việc nước này có giành chiến thắng trong cuộc chiến khoa học công nghệ với Trung Quốc hay không.

Ngoài ra, những khó khăn của Mỹ trên các phương diện kinh tế tài chính, với rủi ro tích tụ từ chính sách siêu nới lỏng và nợ; về xã hội là vấn đề phân hóa giàu nghèo và mâu thuẫn sắc tộc ngày càng nghiêm trọng; và về chính trị là lo ngại về chủ nghĩa dân túy và đối lập. Tất cả các yếu tố đó đều sẽ làm suy yếu địa vị thống trị của Mỹ.

Thứ hai, sự kiện có xác suất lớn nhất trong 10 năm tới là Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành số một toàn cầu. Đối với nước Mỹ đã ngồi trên ngai vàng GDP hơn một thế kỷ qua, phải chờ xem điều này sẽ gây ra những "sang chấn tâm lý" lớn như thế nào.

Đồng thời, vấn đề có thể được dự đoán là cuộc đọ sức tay đôi giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực phía Tây Thái Bình Dương sẽ ngày càng gay gắt, đi cùng với câu hỏi liệu hiện trạng của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và eo biển Đài Loan có được duy trì trong thấp thỏm hay không?

Bên cạnh đó, mặc dù Mỹ tìm cách ngăn chặn, nhưng thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), mạng lưới kinh tế thương mại châu Á-Thái Bình Dương lấy Trung Quốc làm trọng tâm đang dần hình thành, do đó cần phải quan sát xem liệu Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ do Wasshington dày công xây dựng nhằm kiềm chế bố cục chiến lược của Trung Quốc có thể vận hành hiệu quả hay không.

Cuối cùng, xét từ góc độ toàn cầu trước hết là quan hệ Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, việc Vương quốc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã khiến châu Âu giảm bớt sự tác động và vướng mắc từ Mỹ thông qua Anh, cộng thêm việc giữa Mỹ và châu Âu vốn tồn tại mâu thuẫn lợi ích, nên tính chủ thể và tự chủ của châu Âu sẽ được tăng cường. Do đó, việc điều này có làm lỏng lẻo cục diện Đại Tây Dương từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay hay không là vấn đề cần phải quan sát.

Dựa vào manh mối này, việc quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu được tăng cường dường như là xu thế tất yếu. Hiệp định đầu tư được hai bên ký vào cuối năm 2020 đã truyền tải thông điệp rất rõ ràng. Trước đó, Trung Quốc cũng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của châu Âu đối với sáng kiến BRI và Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB). Cụ thể, những năm gần đây, tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc - châu Âu phát triển mạnh cũng đã thúc đẩy việc cụ thể hóa khái niệm Vành đai và Con đường từ ý tưởng trừu tượng ban đầu.

Ngoài ra, do chủ nghĩa bá quyền và sức ảnh hưởng quốc tế của Mỹ suy giảm trong một thời gian dài, nên hệ thống và trật tự quốc tế do Mỹ xây dựng từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, từ Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho đến hệ thống tài chính toàn cầu lấy đồng USD làm đồng tiền quốc tế cũng đều đang xuất hiện dấu hiệu lỏng lẻo và suy yếu. Đó là những yếu tố khiến thế giới ngày càng khó ứng phó với những vấn đề mang tính thách thức toàn cầu.

Những vấn đề như chủ nghĩa bảo hộ thương mại, khí hậu, năng lượng, dịch bệnh, lương thực, an ninh mạng, chủ nghĩa khủng bố, phổ biến vũ khí hạt nhân… đều thiếu một hệ thống quốc tế có thể xử lý hiệu quả. Năng lực, uy tín và đạo đức của Mỹ với tư cách là nhà lãnh đạo toàn cầu bắt đầu bị sự hoài nghi rộng rãi và mạnh mẽ.

Tóm lại, toàn cầu đang đối diện với một thập niên có tính không xác định và tính xung đột cao. Đối với Mỹ, nguy cơ dường như lớn hơn cơ hội; đối với châu Âu, nguy cơ và cơ hội cùng tồn tại; đối với Trung Quốc và châu Á, cơ hội dường như lớn hơn nguy cơ. Bên cạnh đó, một trật tự quốc tế mới dường như đang manh nha hình thành.

Bẫy Thucydides mang tên nhà sử học Hy Lạp cổ đại Thucydides, người đã có những quan sát về cuộc chiến tranh Peloponnese giữa quyền lực mới trỗi dậy là thành bang Athens và quyền lực cũ đang thống trị là thành bang Sparta. Cuộc chiến này đã đẩy nền Văn minh Hy Lạp cổ đại sụp đổ. Thucydides đã phát biểu rằng, "Chính sự trỗi dậy của Athens và nỗi sợ hãi mà nó gây ra ở Sparta đã khiến chiến tranh trở thành điều tất yếu". Phát biểu này đã tạo ra hàm nghĩa cho khái niệm "Bẫy Thucydides" sau này. Hiện nay, Bẫy Thucydides được giới học giả dùng để chỉ sự cạnh tranh khó tránh giữa Trung Quốc và Mỹ thời hiện đại. Và dù có nhiều tranh luận về chuyện ai đang sợ hãi thì Bẫy Thucydides vẫn là ác mộng cho phần còn lại của thế giới.

(theo Project-syndicate, TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-trung-quoc-cong-khai-tuyen-chien-ngam-ngam-cong-kich-mot-trat-tu-quoc-te-moi-dang-manh-nha-140369.html