Mỹ, Trung Quốc bàn cách hóa giải căng thẳng thương mại

Tờ Financial Times cho biết, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán thương mại trong hai ngày 7 và 8-1 tới. Đây được xem là dấu hiệu tích cực nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế thế giới trong bối cảnh hai bên vẫn đang thực thi thỏa thuận 'đình chiến thương mại' kéo dài 90 ngày.

"Theo thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc trong cuộc gặp ở Argentina, các nhóm kinh tế của hai nước đã giữ liên lạc chặt chẽ. Do quá trình tham vấn song phương đạt được tiến bộ, hai bên đồng ý tổ chức một cuộc đối thoại trực tiếp"-thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, phái đoàn Mỹ do Phó Đại diện Thương mại Jeffrey Gerrish dẫn đầu sẽ tới Trung Quốc vào tuần tới để tham gia cuộc đàm phán rất được dư luận quốc tế chờ đợi này. Đây sẽ là cuộc thương lượng trực tiếp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được thỏa thuận "đình chiến thương mại" trong cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Argentina vào ngày 1-12-2018.

Dây chuyền sản xuất vô tuyến tại một nhà máy ở Lianyungang, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm 2018 đã xấu đi trông thấy với những đòn đáp trả thương mại qua lại, cụ thể là hai bên liên tục có những biện pháp áp thuế nhập khẩu với khối lượng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD từ đối phương. Thỏa thuận “đình chiến 90 ngày” được coi là cơ hội để hai quốc gia này xúc tiến các cuộc thương lượng nhằm tìm giải pháp tháo gỡ căng thẳng thương mại song phương vốn đang ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế toàn cầu. Theo thỏa thuận này, Mỹ hoãn tăng thuế từ mức10% hiện nay lên 25% đối với gói hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc; đổi lại, Bắc Kinh đồng ý mua một lượng lớn các mặt hàng nông sản, năng lượng và các sản phẩm khác của Washington, đồng thời giảm và dỡ bỏ thuế đánh vào mặt hàng ôtô nhập khẩu từ Mỹ xuống dưới mức 40%.

Cuộc đàm phán trong hai ngày 7 và 8-1 tới có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi trước đó, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer từng cảnh báo, nếu các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục thất bại thì Washington sẽ áp đặt các mức thuế mới với Bắc Kinh.

Bất chấp những phát biểu tích cực của lãnh đạo hai trước thềm năm mới 2019, việc Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận lâu dài liên quan tới vấn đề thương mại hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Liên quan tới vụ giới chức Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), Giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây cảnh báo các công dân nước này tới Trung Quốc cần tăng cường cảnh giác trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao gia tăng. Khuyến cáo đi lại mới được Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành ngày 3-1 vừa qua lưu ý các công dân của nước này về khả năng nhà chức trách Trung Quốc bổ sung các biện pháp an ninh hoặc áp dụng các lệnh giới nghiêm, hạn chế đi lại, thậm chí không cho phép các công dân Mỹ xuất cảnh.

Vụ bắt giữ nữ doanh nhân nổi tiếng Mạnh Vãn Chu cũng khiến quan hệ giữa Trung Quốc và Canada rơi vào tình trạng căng thẳng trong thời gian vừa qua. Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách bắt giữ nhiều công dân Canada vì các tội danh khác nhau. Theo thông báo ngày 3-1 của Bộ Các vấn đề quốc tế của Canada, đến nay đã có tổng cộng 13 công dân nước này bị bắt giữ tại Trung Quốc, trong đó ít nhất 8 người đã được thả tự do.

Vụ việc cũng khiến nhiều doanh nghiệp Canada lo ngại về tình hình làm ăn trong thời gian tới, bởi Trung Quốc hiện đang là một trong những đối tác thương mại lớn của Canada. Thống kê cho thấy, năm 2017, Canada đã xuất khẩu khối lượng hàng hóa trị giá hơn 16,3 tỷ USD sang Trung Quốc, hơn một nửa trong số đó là nông sản và nguyên liệu đầu vào.

ANH VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/my-trung-quoc-ban-cach-hoa-giai-cang-thang-thuong-mai-559748