Mỹ trừng phạt vì Trung Quốc giao thương quân sự với Nga

Cục Phát triển Thiết bị Quân đội Trung Quốc và người đứng đầu cơ quan này vừa bị trừng phạt vì đã hợp tác quân sự với Nga.

Tờ The Guardian của Anh mới đây thông tin, Cục Phát triển Thiết bị (EDD) thuộc Quân đội Trung Quốc và người đứng đầu cơ quan này là ông Li Shangfu đã bị Mỹ trừng phạt vì “có tiến hành giao dịch lớn” với Rosoboronexport, một nhà sản xuất và xuất khẩu vũ khí lớn của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay với một quân nhân Trung Quốc. Ảnh: AP.

Theo Reuters, đơn vị này đã mua 10 máy bay chiến đấu SU-35 vào năm 2017, cũng như nhiều thiết bị có liên quan đến hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao S-400 vào năm 2018.

Đơn vị này của quân đội Trung Quốc cũng như ông Li Shangfu sẽ không thể xin giấy phép xuất khẩu và tham gia vào hệ thống tài chính của Mỹ. Những người này cũng đã bị liệt vào danh sách những “cá nhân chú ý đặc biệt” của Bộ Ngân khố Mỹ, theo đó, người Mỹ sẽ bị cấm làm ăn kinh doanh với những người bị liệt vào danh sách này.

Chính quyền Mỹ cũng liệt vào danh sách đen 33 người và tổ chức có liên quan đến quân đội và tình báo Nga, theo quy định của Đạo luật chống đối thông qua luật trừng phạt của Mỹ, còn có tên khác là CAATSA.

Đạo luật CAATSA cho phép Mỹ ngăn chặn một quốc gia, tổ chức hay công ty thuộc bên thứ ba giao dịch hoặc có liên đới với các cá nhân, tổ chức hay công ty Nga bị liệt vào danh sách đen.

Lệnh trừng phạt mới đối với Trung Quốc vừa được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 20/9 đã thể hiện rõ phần nào sự leo thang của các biện pháp trừng phạt của Mỹ từ lĩnh vực dân sự sang quân sự.

Một quan chức giấu tên của Mỹ nói rằng các biện pháp trừng phạt trên là nhằm đánh vào Nga chứ không phải vào quân đội hay chính phủ Trung Quốc.

“Mục tiêu sau cùng của các hình thức trừng phạt này là Nga. Chúng không có ý định phá hoại khả năng quốc phòng của bất kỳ quốc gia nào... Thay vào đó chúng nhằm buộc Nga phải tổn thất về tài chính vì những hoạt động xấu của họ” - quan chức này tiết lộ.

Thông cáo từ Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói hẳn điều này.

Đòn gió với Trung Quốc

Song cũng có chuyên gia cho rằng, động thái này là nhằm áp chế Trung Quốc và đã được lựa chọn thời điểm để tung ra.

Ông Peter Harrell, cựu quan chức cấp cao chuyên về các lệnh trừng phạt thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng việc Washington chọn thời điểm Mỹ - Trung leo thang căng thẳng thương mại để trừng phạt Quân đội Trung Quốc là một quyết định "thú vị".

Mỹ đã áp thuế mới nhất nhắm vào 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ vốn đều có hiệu lực kể từ ngày 24/9. Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc với tổng giá trị trên 500 tỷ USD với lý do Trung Quốc giao thương bất công với Mỹ.

Mục tiêu mà nhà lãnh đạo Mỹ hướng tới là gây sức ép cho Trung Quốc phải thay đổi các chính sách thương mại của mình, trong đó có mở cửa hơn nữa cho hàng hóa Mỹ, chấm dứt việc đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ, chấm dứt việc trợ giá cho các công ty xuất cảng vào Mỹ và hủy bỏ điều luật buộc các công ty Mỹ hợp tác với Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ.

Trung Quốc dù mạnh miệng đáp trả nhưng đang cạn dần lá bài. Phạm vi ảnh hưởng của thuế Trung Quốc hẹp hơn rất nhiều so với phạm vi ảnh hưởng của thuế Mỹ nên đòn đáp trả không hiệu quả.

Thuế Trung Quốc chỉ nhắm vào một vài sản phẩm của Mỹ như là ngũ cốc, sản phẩm nông nghiệp, thép, nhôm, xe cộ trong khi thuế Mỹ có bình diện rất rộng từ hàng tiêu dùng cho đến hàng điện tử của Trung Quốc.

Trung Quốc có thể dùng đến lá bài bán số trái phiếu Chính phủ Mỹ mà họ hiện đang nắm giữ (1.300 tỷ USD). Với con bài này Bắc Kinh có thể khiến Mỹ phải tìm người mua lại số nợ và lãi suất do vậy sẽ tăng lên tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế Mỹ. Nhưng thực tế, với tình hình kinh tế khả quan, dù có bị tăng lãi suất thì vẫn trong mức chịu đựng được của Mỹ.

Về phần Trung Quốc, việc họ bán trái phiếu Mỹ sẽ đẩy giá trị đồng Nhân dân tệ lên cao, và khi đồng tiền của Trung Quốc tăng giá thì hàng hóa của họ sẽ trở nên đắt đỏ khiến họ mất ưu thế cạnh tranh trên hầu hết các thị trường trên thế giới.

Trong trường hợp Trung Quốc siết chặt hoạt động của doanh nghiệp Mỹ thì Mỹ cũng sẽ siết chặt lại hoạt động của các công ty Trung Quốc ở 51 tiểu bang. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc vốn dĩ dựa vào các sản phẩm kỹ thuật cao của Mỹ và các đồng minh.

Việc Mỹ đánh thuế hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải mất nhiều tiền hơn. Nhưng Mỹ gần đây cũng đã đa dạng hóa thị trường nhập khẩu và nhập cảng rất nhiều những mặt hàng tương tự từ các thị trường châu Á như Ấn Độ, Malaysia và Indonesia. Do đó, sự ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt và đáp trả có ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ nhưng sẽ không nhiều và chính họ sẽ tự ổn định lại hầu bao của mình.

Hàng loạt các vấn đề trên cho thấy, bằng mọi cách, Washington sẽ không nhường bước cho Bắc Kinh mà sẽ tìm mọi cách để Trung Quốc rơi vào thế buộc phải thay đổi chính sách của mình.

Việc "đánh lái" trừng phạt từ dân sự sang quân sự cũng là cách để họ cảnh cáo Trung Quốc nếu có ý định thắt chặt liên minh Nga - Trung.

Tuy nhiên, Mỹ cũng không muốn "triệt hạ" Trung Quốc bởi sẽ ảnh hưởng đến cả kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới, thậm chí còn tác động đến các vấn đề địa chính trị như tình hình Triều Tiên.... Do đó, trong tương lai, khả năng tung đòn trừng phạt của Mỹ sẽ bị hạn chế dần.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-trung-phat-vi-trung-quoc-giao-thuong-quan-su-voi-nga-3365912/