Mỹ trừng phạt Venezuela và Iran, Nga 'ung dung' ngồi hưởng lợi

Các lệnh cấm vận, trừng phạt ngành dầu mỏ của Venezuela và Iran đã khiến chính Mỹ bị rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng lượng dầu thô, buộc phải nhập khẩu dầu Urals của Nga, qua đó mang lại nguồn lợi không nhỏ cho 'xứ sở bạch dương'.

Tự làm khó mình

Cuối năm 2018, Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ Iran. Theo đó, các quốc gia nhập khẩu dầu từ Iran và các công ty làm ăn với các cá nhân, tổ chức Iran bị liệt vào danh sách đen và sẽ bị Mỹ trừng phạt.

Quốc gia Nam Mỹ Venezuela cũng bị "dính đòn" tương khi Mỹ tuyên bố trừng phạt Tập đoàn dầu khí quốc gia (PDVSA) vào tháng 2-2019; ngăn cản các quốc gia buôn bán dầu mỏ với Venezuela. Rút cuộc, Nga đang là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ các lệnh trừng phạt này.

Nhà máy dầu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA

Nhà máy dầu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA

Trong nửa đầu tháng 5-2019, các công ty Mỹ đã mua 5 triệu thùng dầu thô Urals (một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Nga). Con số này cũng tương đương với tổng lượng dầu xuất khẩu của Nga sang Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2019. "Bước nhảy vọt" này là kết quả của sự thiếu hụt dầu thô nghiêm trọng sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với ngành dầu khí của Venezuela và Iran.

Gần như ngay sau khi áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA, giới kinh doanh dầu mỏ Mỹ bắt đầu tính toán thiệt hại. Lượng hàng nhập từ Venezuela đã giảm 3 lần. Mặc dù Mỹ có sản lượng dầu có hàm lượng lưu huỳnh thấp rất dồi dào, nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu thô. Một số nhà máy lọc dầu của Mỹ, đặc biệt là ở Bờ Đông và Vịnh Mexico - tập trung vào tinh chế dầu thô nặng, chủ yếu đến từ Venezuela.

Theo số liệu của công ty đầu tư Caracas Capital Markets, trong tuần cuối tháng 2-2019, hai tàu chở dầu chỉ giao được 766.000 thùng dầu từ Venezuela tới Mỹ. Trong khi các công ty Nga đã có 9 chuyến tàu với hơn 3 triệu thùng dầu và sản phẩm dầu mỏ đưa đến Mỹ trong tuần đó.

Đầu tháng 4-2019, lượng dầu xuất khẩu của Venezuela sang Mỹ giảm 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 139.000 thùng/ngày. Sau khi lệnh cấm vận của Mỹ bắt đầu của hiệu lực vào ngày 28-4, hoạt động giao hàng đã chấm dứt hoàn toàn.

Hạn chế áp đặt này đã gây ra sự thiếu hụt tạm thời tại thị trường Mỹ, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA); tất cả những công ty quan trọng trong ngành công nghiệp lọc dầu của Mỹ như Citgo Oil, Valero Energy và Chevron đều bị ảnh hưởng.

Trong hai tuần đầu tiên của tháng 5-2019, nguồn cung cấp dầu của Venezuela cho Mỹ ở mức 0 thì lượng mua "vàng đen" từ Nga đạt mức "kỷ lục". Theo tính toán của Caracas Capital Markets, từ ngày 1 đến 13-5, 13 tàu chở dầu từ Nga đã giao 5 triệu thùng cho Mỹ, tương đương số lượng dầu trong 4 tháng trước.

Nhà quản lý của Venezuela Capital, ông Russ Dellen, dự đoán nguồn cung dầu hàng tháng của Nga cho Mỹ sẽ tăng gấp 3 lần vào cuối năm nay. Nga sẵn sàng "trám" vào thị phần của Venezuela tại thị trường Mỹ, các chuyên gia Oil Price cho biết.

Mặt khác, các nhà máy lọc dầu châu Âu sử dụng các loại dầu nặng cũng khẩn trương tìm kiếm sự thay thế cho nguồn cung truyền thống đã biến mất khỏi thị trường. Họ trở thành "nạn nhân ngẫu nhiên" của các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela, do thị trường mất đi gần 800.000 thùng/ngày.

Ngoài ra, trong khuôn khổ giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước ngoài khối, các nước xuất khẩu dầu mỏ đã cắt giảm khai thác các loại dầu nặng, trong khi vẫn duy trì khối lượng cung cấp dầu nhẹ đắt tiền.

Gậy ông đập lưng ông

Thật đen đủi cho Mỹ, nước này không chỉ chịu thiệt hại do chính lệnh trừng phạt của mình, mà con đem lại "nguồn lợi chính đáng" cho đối thủ Nga. Theo số liệu của Refinitiv Eikon, từ tháng 10-2018 đến tháng 3-2019, Saudi Arabia đã giảm 1/2 xuất khẩu các loại dầu nặng sang châu Âu, còn Iraq thì hơn 40%. Vào tháng 4-2019, tình trạng không thể tiếp cận nguồn dầu mỏ Iran và Venezuela đã khiến những khách hàng châu Âu thực sự 'tranh giành" dầu Urals của Nga.

Hãng tin Reuters của Anh trích lời dẫn của một thương nhân trong ngành dầu khí cho hay, tất cả các nhà máy lọc dầu đang tìm kiếm dầu Urals hoặc sản phẩm tương đương, rõ ràng là lượng dầu này sẽ không đủ cho tất cả các khách hàng có nhu cầu.

Nga đang hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt cứng rắn của Mỹ đối với ngành dầu khí Venezuela và Iran

Những lô hàng nhập khẩu thay thế đắt hơn đáng kể. Vào tháng 3-2019, cuộc cạnh tranh ngày càng leo thang giữa các nhà máy lọc dầu châu Âu với nguồn dầu của Nga đã làm giảm mức chênh lệch giá giữa dầu Urals và dầu Brent xuống 30% - mức thấp nhất kể từ năm 2013. Nhờ vậy, ngành sản xuất dầu mỏ của Nga đã kiếm được thêm khoảng 140 triệu USD.

Trừng phạt và các yếu tố địa chính trị khác đã dẫn đến thực tế là lĩnh vực lọc dầu đang gặp phải tình trạng thiếu dầu nặng nhập khẩu từ Venezuela và một phần từ Iran. Vấn đề này đặc biệt "nóng" đối với Mỹ, Bộ trưởng Năng lượng Nga A. Novak nói trong cuộc phỏng vấn với báo Asharq al Awsat. Tuy nhiên, khó có thể nói trước diễn biến sau này nhưng thực tế là sự thiếu hụt dầu nặng trên thị trường đã đem lại những ảnh hưởng tích cực cho dầu Urals của Nga.

Với việc đẩy mạnh khai thác dầu đá phiến, cracking băng cháy, Mỹ hiện có sản lượng dầu khoảng 12 triệu thùng/ngày và trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới trên thực tế. Tuy nhiên, Mỹ vẫn phụ thuộc vào các nguồn cung nước ngoài, đồng nghĩa với việc "tạm thời" chưa thể làm “bá chủ” trong lĩnh vực này. Đối với Mỹ, muốn thống trị trong lĩnh vực dầu mỏ lúc này không dễ dàng chút nào, và một sự thực là Nga đã, đang và sẽ tiếp tục hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt của Mỹ trong thời gian tới.

Nhất Tuệ (Theo Sputnik, Vedomosti, RIA Novosti)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/my-trung-phat-venezuela-va-iran-nga-ung-dung-ngoi-huong-loi/812128.antd