Mỹ trừng phạt Trung Quốc: Khó tạo ra sức ép lớn

Trung Quốc đã đưa ra một loạt phản ứng dồn dập cho thấy Bắc Kinh rất cứng rắn trước lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào việc mua vũ khí Nga.

Trong động thái mới nhất nhằm phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ giáng lên Cục Phát triển Thiết bị thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc và người đứng đầu cơ quan này vì mua vũ khí Nga, phía Bắc Kinh đã triệu tập Đại sứ Mỹ Terry Branstand để trao công hàm phản đối các lệnh trừng phạt của Washington, đồng thời triệu hồi tư lệnh hải quân nước này, người đang tham gia Hội thảo chuyên đề các cường quốc hải dương quốc tế lần thứ 23 tại Mỹ. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng hủy chuyến đi của phái đoàn đàm phán do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu đến Washington vào tuần tới. Theo kế hoạch ban đầu, phái đoàn Trung Quốc sẽ đến Mỹ vào ngày 24 - 25/9 để đàm phán xoa dịu căng thẳng thương mại. Phía Bắc Kinh cũng cảnh báo những biện pháp đi xa hơn nữa nếu chính quyền Washington không rút lại lệnh trừng phạt.

Trung Quốc đã tỏ ra cứng rắn trước lệnh trừng phạt Mỹ đưa ra nhằm vào đơn vị quân đội nước này. Ảnh: AP

Các lệnh trừng phạt mới do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 20/9 nhằm vào Cục Phát triển Thiết bị và lãnh đạo cục này sau khi cơ quan chuyên trách vấn đề mua bán vũ khí của quân đội Trung Quốc này mua chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 của Nga hồi tháng 11/2017 và mua các tên lửa phòng không S-400 hồi đầu năm nay. Đáng chú ý, lệnh trừng phạt trên được đưa ra chỉ sau 3 ngày kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tuyên bố áp thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bắt đầu từ ngày 24/9 và cảnh báo tiếp tục tăng thuế lên mức 25% từ đầu năm sau. Đáp trả lại động thái của Washington, Bắc Kinh cũng tuyên bố áp thuế 5%-10% lên 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Những động thái gần đây cho thấy, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục kéo dài và ngày một căng thẳng. Giới chuyên gia nhận định, những nỗ lực để Trung Quốc và Mỹ cùng ngồi vào vòng đàm phán là một điều xa vời, bởi lẽ với vị thế là những nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, rất khó để một bên chịu nhượng bộ trước.

Về phần mình, phản ứng trước lệnh trừng phạt trên của Mỹ, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, lệnh trừng phạt mới này chỉ là dấu hiệu của sự cạnh tranh không lành mạnh, nhằm loại bỏ “sự cạnh tranh và năng động” của vũ khí do Nga sản xuất. Giới chuyên gia cho rằng, những phản ứng gay gắt trên cho thấy, lệnh trừng phạt mới của Mỹ hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến tiến trình mua bán vũ khí Trung Quốc và Nga. Bởi, cả Trung Quốc và Nga đều là những cường quốc trên thế giới, đồng thời với thỏa thuận mua bán vũ khí lần này hai nước đều đạt được những lợi ích nhất định. Trong thời điểm này, khi cuộc chiến thương mại vẫn chưa có hồi kết, lệnh trừng phạt từ phía Washington như tiếp tục “đổ thêm dầu vào lửa” càng khiến cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc rơi vào bế tắc. Ngoài ra, lệnh trừng phạt sẽ không ngăn được Nga bán vũ khí cho nước ngoài vì điều này không chỉ mang lại nguồn thu đáng kể mà còn giúp Moscow duy trì vị thế chính trị trên trường quốc tế. Chưa hết, hành động của Mỹ có thể thúc đẩy Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác để chống lại sức ép của Washington.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/my-trung-phat-trung-quoc-kho-tao-ra-suc-ep-lon-325861.html