Mỹ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì mua hệ thống tên lửa Nga

Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 14/12 áp lệnh trừng phát lên Thổ Nhĩ Kỳ về việc Ankara mua một hệ thống tên lửa Nga...

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc gặp ở New York, tháng 9/2017 - Ảnh: Getty/CNBC.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc gặp ở New York, tháng 9/2017 - Ảnh: Getty/CNBC.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 14/12 áp lệnh trừng phát lên Thổ Nhĩ Kỳ về việc Ankara mua một hệ thống tên lửa Nga.

Theo hãng tin CNBC, động thái không nằm ngoài dự báo này có khả năng đẩy cao căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), không lâu trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng. Lệnh trừng phạt của Washington cũng là một thông điệp cảnh báo với các quốc gia khác khi cân nhắc có nên mua vũ khí của Nga hay không.

Năm 2017, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Recep Erdogan đạt một thỏa thuận được cho là có trị giá 2,5 tỷ USD với Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo đó Moscow sẽ cung cấp cho Ankara một hệ thống tên lửa S400. Hệ thống tên lửa đất đối không này được xem là đặt ra nguy cơ đối với NATO và cả F-35, nền tảng vũ khí đắt đỏ nhất của Mỹ.

Mặc những lời cảnh báo của Mỹ và các đồng minh khác trong NATO, vào tháng 7/2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận bộ phận đầu tiên trong 4 bộ phận của hệ thống S400 mua từ Nga. Một tuần sau, Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách một đối tác tài chính và sản xuất, khỏi chương trình chiến đấu cơ F-35.

Theo một đạo luật trừng phạt của Mỹ mà ông Trump ký hồi tháng 8/2017, Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt nguy cơ bị Mỹ áp lệnh trừng phạt kinh tế vì tiếp nhận hệ thống tên lửa Nga. Tuy nhiên, đến giờ lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ mới được Mỹ chính thức đưa ra.

"Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh có giá trị và một đối tác an ninh khu vực quan trọng của Mỹ. Chúng tôi muốn tiếp tục sự hợp tác hiệu quả đã kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai nước bằng cách gỡ bỏ sớm nhất có thể trở ngại là việc Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu S400", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết trong một tuyên bố khi công bố trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.

Lệnh trừng phạt cấm việc bán hàng hóa và công nghệ Mỹ cho tập đoàn quốc phòng Presidency of Defense Industries của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đóng băng tài sản và hạn chế nhập cảnh đối với Chủ tịch và các quan chức cấp cao khác của tập đoàn này.

Việc Washington trừng phạt Ankara vào thời điểm cuối nhiệm kỳ của ông Trump có thể gây ra những sóng gió trong quan hệ giữa hai bên trong nhiệm kỳ của ông Biden. Tuy nhiên, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng việc đưa ra lệnh trừng phạt vào lúc này không vì bất kỳ một chủ đích nào, mà đơn giản bởi quy trình trừng phạt là "rất nghiêm túc" và đòi hỏi sự "cân nhắc kỹ lưỡng".

"Mất nhiều thời gian để giải quyết một loạt vấn đề phức tạp, nhất là khi Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh NATO. Đó là khoảng thơi gian cần thiết để chúng tôi hoàn tất quy trình cân nhắc kỹ lưỡng này", ông Matthew Palmer, Vụ phó Vụ Quan hệ Âu-Á thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nói tại một cuộc họp báo.

Nhằm ngăn Thổ Nhĩ Kỳ mua S400, Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 2013 và 2017 đã đề xuất bán cho nước này hệ thống tên lửa Patriot do tập đoàn quốc phòng Mỹ Raytheon sản xuất. Tuy nhiên, cả hai lần Ankara đều từ chối vi Mỹ không chịu chuyển giao công nghệ nhạy cảm của hệ thống Patriot.

Bất chấp nguy cơ bị Mỹ trừng phạt, hơn một chục quốc gia đã bày tỏ mối quan tâm đối với hệ thống tên lửa S400 của Nga.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/my-trung-phat-tho-nhi-ky-vi-mua-he-thong-ten-lua-nga-20201215150033033.htm