Mỹ trừng phạt Rosneft vì Venezuela: Nực cười bắt cọp ngoài hang

Cơ hội vàng cho 'thợ săn Mỹ vào hang Venezuela bắt cọp lớn Maduro' đã không còn, nên Washington phải 'bắt cọp ngoài hang'....

Mỹ trừng phạt công ty Rosneft Trading SA của Nga vì Venezuela

Bộ Tài chính Mỹ ngày 18/2 thông báo đã đưa Công ty Rosneft Trading SA và ông Didier Kasimiro, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty này vào Danh sách thực thể bị trừng phạt của Mỹ vì tham gia mua bán dầu mỏ của Venezuela, theo SpGlobal.

Rosneft Trading SA là một công ty trực thuộc Rosneft - Tập đoàn dầu mỏ lớn nhất của Nga. Theo nhà chức trách Mỹ, trong tháng qua, Rosneft Trading SA đã tham gia vào quá trình cung cấp 2 triệu thùng dầu thô của Venezuela cho Tây Phi.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Didier Kasimiro được cho là đã đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ lĩnh vực dầu khí của Venezuela thông qua việc tổ chức các cuộc gặp với đại diện Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) và chính quyền Caracas.

Trừng phạt Rosneft không giúp Mỹ thay đổi vị thế ở Venezuela

Trừng phạt Rosneft không giúp Mỹ thay đổi vị thế ở Venezuela

Mục đích các cuộc gặp gỡ là tạo sự hợp tác giữa Rosneft Trading SA với PDVSA trong bối cảnh ngành dầu khí của Venezuela bị Mỹ trừng phạt và kết quả là 2 triệu thùng dầu thô của Venezuela đã được cung cấp cho Tây Phi từ sự hợp tác này.

Sau khi Bộ Tài chính Mỹ thông báo về việc đưa Công ty Rosneft Trading SA và Chủ tịch HĐQT của công ty này, vào danh sách trừng phạt của Mỹ vì liên quan đến dầu mỏ của Venezuela, Bộ Ngoại giao Nga đã có phản ứng.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty quốc phòng và dầu mỏ Nga cho thấy sự bất lực của các công ty Mỹ để giành chiến thắng trong một cuộc chiến công bằng.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định, các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Công ty Rosneft Trading SA và Chủ tịch HĐQT của công ty này, không ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa Moscow với Caracas.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cũng chỉ ra rằng, việc Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga chỉ làm suy yếu thương mại thế giới và làm phức tạp mối quan hệ song phương, song không ảnh hưởng đến Liên bang Nga.

Việc trừng phạt Công ty Rosneft Trading SA và Chủ tịch HĐQT của công ty này là động thái mới nhất của Washington liên quan đến ván cờ Venezuela, đặc biệt là các bước đi nhằm lật đồ chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro.

Song động thái này cũng chứng tỏ Tổng thống Trump đã quá mơ mộng khi nhận định về sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Maduro trong Thông điệp Liên bang năm 2020. Bởi, trong Thông điệp Liên bang năm 2020, ông Trump đã viết và đọc:

"Mỹ đang dẫn dắt một liên minh ngoại giao gồm 59 quốc gia chống lại Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ông ta là lãnh đạo bất hợp pháp và ngược đãi nhân dân. Chính quyền của Maduro sẽ tan vỡ".

Công nhận Guaido là nước đi kém nhất của Trump trong ván cờ Venezuela

Tuy nhiên, thực tế không hề đơn giản như suy nghĩ của vị tổng thống doanh nhân. Bởi Tổng thống Maduro là nhà lãnh đạo hợp pháp duy nhất của Venezuela mà đã được LHQ công nhận và xác nhận.

Mỹ phải đứng ngoài hang bắt cọp

Cho đến nay có thể khẳng định Mỹ đã thành công với các nước cờ của mình trong ván cờ Venezuela, mà nguyên nhân là do chính quyền Donald Trump vội vã công nhận Juan Guaido, ngay sau khi nhà chính trị trẻ tuổi này "tự xưng vương".

Bời sau khi chính quyền Trump công nhận Guaido thì Liên Hợp Quốc đã khẳng định chính quyền Tổng thống Maduro là chính quyền duy nhất và hợp hiến, đại diện cho chủ quyền quốc gia của Venezuela.

Khẳng định của LHQ giúp cho chính quyền Caracas và Tổng thống Maduro được gia cố thêm các chân kiềng quyền lực, đẩy Guaido vào thế bất lợi và đưa Mỹ vào vị thế kẻ lấp ló bên cánh gà.

Tệ hại hơn, dựa vào tính hợp hiến của chính quyền Maduro, Tổng thống Putin đã cho thực hiện Thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Nga với Venezuela, qua đó đầy Mỹ ra xa hơn sân khấu chính trị Venezuela.

Trong bối cảnh ấy, Washington đã phải lên kịch bản "bắt cọp lớn Maduro", làm giảm vai trò của Moscow tại Venezuela, từ đó tạo điều kiện cho "cọp con Guaido" có thể làm "chúa tể sơn lâm" ở xứ sở của những hoa hậu thế giới.

Để bắt được "cọp lớn Maduro" thì |thợ săn Mỹ" phải vào được "hang Venezuela". Vì vậy, trong "kịch bản bắt cọp" của Washington, việc giúp Mỹ có cớ hợp pháp can thiệp vào Venezuela được xem là tối quan trọng.

Sau khi tuyên bố của Washington về việc Maduro vi hiến bị LHQ vô hiệu, chiêu trò "tội phạm hóa chính trị" đã được ưu tiên, nhằm giúp Washington đưa Maduro phải chịu chung số phận như Thủ tướng Panama Manuel Noriega năm nào.

Việc trói Putin để bắt cọp Maduro không hề dễ dàng

Điều đó được thể hiện rõ qua cáo buộc của Tổng thống Colombia - một thành viên Nhóm Lima - cho rằng Tổng thống Maduro nuôi dưỡng khủng bố, bao che tội phạm ma túy, biến Venezuela thành thiên đường khủng bố.

Tuy nhiên, vì là chiêu trò nên dễ bị lộ tẩy và kết quả là thợ săn Mỹ vẫn cứ phải đứng ngoài hang Venezuela, bất lực nhìn "cọp lớn Maduro diễu võ và dương oai". Buộc Mỹ phải gánh hậu quả này có công không nhỏ của Nga.

Vì vậy, trong kịch bản "bắt cọp Maduro" được bổ sung thêm yêu cầu "trói tay Putin" và trong quá trình thực hiện yêu cầu này, White House được sự ủng hộ nhiệt thành của Capitol Hill, với việc cung cấp 2 loại dây trói đắc dụng là Tiền và Luật.

Dây trói bằng Tiền chính là gói viện trợ 400 triệu USD cho phe đối lập Venezuela và dây trói bằng Luật là Dự luật Cứu trợ khẩn cấp, Hỗ trợ dân chủ và Hành động phát triển cho Venezuela.

Khi hiệu quả của việc "siết dây trói Putin" còn chưa thấy đâu, "cọp lớn Maduro" đã cho "cọp con Guaido" phải "tắt tiếng", khi đã thành công trong gạt bỏ nhà chính trị trẻ tuổi khỏi ghế Chủ tịch Quốc hội Venezuela. Thợ săn Mỹ vẫn phải đứng ngoài hang.

Thế mới thấy hậu quả của việc Trump vội vã công nhận Guaido, sau khi chính trị gia trẻ tuổi "tự xưng vương", tai hại như thế nào. Nếu khi đó, Washington thúc đẩy kênh đối thoại Maduro-Guaido thì mọi mưu đồ Mỹ sẽ dễ thực hiện "như trở bàn tay".

Một cơ hội vàng cho "thợ săn Mỹ vào hang Venezuela bắt cọp lớn Maduro" nhưng Washington đã không thể khai thác được, sau nước cờ tệ hại của Trump công nhận Guaido. Đó là việc Mỹ viện trợ nhân đạo cho Venezuela.

Có thể thấy, chỉ cần viện trợ Mỹ vào được Venezuela một cách chính thức thì "thợ săn Mỹ" dễ dàng "vào hang Venezuela bắt cọp lớn Maduro". Mà điều đó hoàn toàn có thể, nếu Mỹ tạo điều kiện cho Maduro-Guaido đối thoại.

Nếu Trump giúp Maduro-Guaido đối thoại thì việc bắt cọp dễ như trở bàn tay với Mỹ

Bởi khi đó viện trợ Mỹ hoàn toàn được hiểu là mang tính nhân đạo nên Maduro từ chối cũng không được vì người dân đang cùng cực. Tiếc là Trump công nhận Guaido nên viện trợ nhân đạo trở thành công cụ cho mưu đồ Mỹ và Marudo đã ngăn chặn.

Có thể thấy thời gian vàng, cơ hội vàng cho "thợ săn Mỹ vào hang bắt cọp Maduro" đã không còn. Vì vậy, những nước đi tiếp theo của Mỹ, như trừng phạt Rosneft, chỉ là kiểu "bắt cọp ngoài hang" mà thôi. Thật bẽ bàng cho "thợ săn Mỹ".

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-trung-phat-rosneft-vi-venezuela-nuc-cuoi-bat-cop-ngoai-hang-3397179/