Mỹ - Trung nóng mặt, loạt doanh nghiệp Đài Loan chuyển hướng tới Ấn Độ

Thị trường khổng lồ Ấn Độ, lực lượng lao động lành nghề rẻ và quy định giảm thuế hào phóng không phải là những điều duy nhất thu hút đầu tư từ các công ty Đài Loan.

Các công ty Đài Loan, vốn muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đại lục trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đang xoay trục sang Ấn Độ, nơi có thị trường khổng lồ, lực lượng lao động lành nghề giá rẻ và sự giảm thuế hào phóng.

Công ty Đài Loan Pegatron, đối tác lắp ráp của tập đoàn công nghệ khổng lồ Apple của Mỹ, đã thu hút sự chú ý khi có thông tin họ đang xin giấy phép thành lập nhà máy đầu tiên ở Ấn Độ. Công ty này, báo cáo doanh thu 44.8 tỷ USD trong năm 2019, thường đẩy các đơn đặt hàng của mình sang các nhà máy đặt tại Trung Quốc đại lục.

Trước nay nhiều công ty Đài Loan thường đặt các nhà máy ở Trung Quốc đại lục. Ảnh: AFP.

Trước nay nhiều công ty Đài Loan thường đặt các nhà máy ở Trung Quốc đại lục. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, các nhà phân tích và chính quyền Đài Loan cho rằng động thái hướng về Ấn Độ của công ty này chỉ là ví dụ mới nhất về xu hướng đã dần hiện rõ trong bốn năm qua khi mối quan hệ giữa New Delhi và Đài Loan được tăng cường.

Trong khi nhận thức về sự quan liêu rối rắm và thuế cao trong quá khứ đã khiến nhiều công ty nước ngoài lo ngại đầu tư vào Ấn Độ, thì một sự xoay chuyển của chính phủ Narendra Modi, bao gồm việc cắt giảm thuế suất doanh nghiệp đã làm tăng thêm sức hấp dẫn của Ấn Độ trong bối cảnh nhiều công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi nguồn cung sau đại dịch virus corona và ngày càng có nhiều dấu hiệu phân tách Mỹ - Trung.

Các công ty ở Đài Loan, nền kinh tế lớn thứ 22 thế giới, trong lịch sử đã chọn Trung Quốc đại lục để hỗ trợ việc sản xuất điện tử và máy móc, nhưng bất chấp sự gần gũi về địa lí, ngôn ngữ chung và văn hóa, chi phí đang gia tăng và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra vào năm 2018 đã gia tăng thuế quan đối với hàng hóa được vận chuyển từ Trung Quốc đến Mỹ.

Vì những tác động toàn cầu từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sự bùng phát virus corona, việc phân tán rủi ro và tìm địa điểm sản xuất mới là một xu hướng không thể đảo ngược, văn phòng của chính phủ InvestTaiwan thông tin với trang This Week in Asia. "Các nhà đầu tư Đài Loan coi Ấn Độ là một thị trường nội địa khổng lồ và lao động dồi dào.

Theo công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại New Delhi, các khoản đầu tư của các công ty Đài Loan ở Ấn Độ đã đạt 360,5 triệu USD vào cuối năm 2018.

Xu hướng gia tăng

Khoảng 140 công ty Đài Loan hiện đang hoạt động ở Ấn Độ, chủ yếu là sản xuất, theo Dezan Shira, bên cho biết đã có sự gia tăng lợi ích trong bốn năm qua.

Từ năm 2016 đến 2019 thương mại hai chiều đã tăng 14% lên 5,7 tỷ USD, theo số liệu từ chính quyền Đài Loan.

Nhà sản xuất thiết bị Teco, nhà sản xuất điện tử Delta Electronics và công ty lốp xe Maxxis là một trong những công ty nổi tiếng của Đài Loan tìm kiếm cơ hội tại Ấn Độ, theo báo cáo của công ty dịch vụ chuyên nghiệp Deloitte. Trong khi đó, các nhà lắp ráp điện tử Foxconn, Wistron và MediaTek - đã sản xuất ở Ấn Độ - được truyền thông địa phương đưa tin là sẽ mở rộng hoạt động, trị giá hàng trăm triệu USD.

Tháng 12 năm ngoái, tập đoàn CPC cung cấp dầu của chính quyền Đài Loan đã mở văn phòng tại New Delhi. Một phát ngôn viên của CPC tại Đài Bắc cho biết trong tháng này, công ty đang cân nhắc có nên thành lập một nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ để tận dụng quy mô thị trường của mình hay không. Một quyết định được dự kiến sớm nhất là vào năm tới.

Nhà cung cấp dịch vụ internet di động có trụ sở tại Đài Bắc GMobi đã vào Ấn Độ năm 2012 để giúp thiết lập hệ thống phần mềm thanh toán điện tử khi việc sử dụng điện thoại thông minh đang thúc đẩy. "Dân số ở đây là rất lớn. Nhu cầu sử dụng cũng lớn, Brian Chen, theo giám đốc đầu tư của công ty chi nhánh Oxymoney, sử dụng hơn 60 người tại một địa điểm gần New Delhi.

Chenymoney đã muốn vào thị trường mới nổi nhưng cảm thấy Đông Nam Á đã quá dàn trải về mặt địa lý, Chen nói.

Delta Electronics cho biết vào năm 2015 họ đã lên kế hoạch tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ bằng cách đầu tư 500 triệu USD trong 10 năm vào sản xuất điện tử.

Vấn đề về Bắc Kinh

Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đại lục đều đầu tư vào Ấn Độ nhiều hơn so với Đài Loan. Nhưng các quan chức ở New Delhi đã quan tâm đặc biệt đến Đài Loan khi họ thấy mệt mỏi với các vấn đề địa chính trị với Trung Quốc đại lục, Koushan Das, trợ lý giám đốc về tình báo kinh doanh tại Dezan Shira nói.

Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đại lục đã rơi xuống mức thấp kể từ khi một cuộc đụng độ biên giới ở dãy Himalaya vào tháng 6 khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng còn số thương vong phía Trung Quốc không được tiết lộ. Kể từ đó, trong động thái trả đũa, Ấn Độ đã cấm một loạt các ứng dụng di động của Trung Quốc. Họ đã cấm 59 ứng dụng, bao gồm cả TikTok, vào cuối tháng 6 và thêm 49 ứng dụng nữa trong tuần này – loại được cho là bản sao của các ứng dụng bị cấm trước đó.

Căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục cũng đã thúc đẩy việc xoay trục sang Ấn Độ, đặc biệt từ khi bà Thái Anh Văn nhậm chức lãnh đạo Đài Loan năm 2016. Bà Thái Anh Văn đã thúc đẩy chính sách "Hướng Nam mới" nhằm đưa các nhà đầu tư Đài Loan ra khỏi Trung Quốc bằng cách khuyến khích quan hệ với 18 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Ấn Độ.

Hiện tại, các nhà quan sát cho biết, việc tăng cường liên kết giữa Ấn Độ và Đài Loan mang tới cơ hội phòng ngừa rủi ro địa chính trị liên quan đến thương mại với Trung Quốc đại lục.

Cả hai bên đã nỗ lực có ý thức tăng cường mối quan hệ của họ để đối phó những thách thức của căng thẳng địa chính trị đang diễn ra, chuyên gia Das nói.

Ấn Độ đã nhận ra năng lực kỹ thuật ngày càng tăng của các công ty Đài Loan và làm thế nào họ có thể được sử dụng để hỗ trợ ngành sản xuất Ấn Độ, trong khi Đài Loan coi Ấn Độ là một phương cách để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/my-trung-nong-mat-loat-doanh-nghiep-dai-loan-chuyen-huong-toi-an-do-20200729154946396.htm