Mỹ - Trung nối lại đàm phán thương mại

Một phái đoàn do Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen dẫn đầu sẽ tới Mỹ để đàm phán về thương mại vào cuối tháng này. Các quan chức thương mại Trung Quốc và Mỹ sẽ cùng đàm phán nhằm nỗ lực xoa dịu căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay.

Theo kế hoạch, vòng đàm phán thương mại mới sẽ được tổ chức theo lời mời từ phía Mỹ. Đại diện của Mỹ tham gia là Thứ trưởng Tài chính David Malpass phụ trách vấn đề quốc tế. Phái đoàn Trung Quốc do Thứ trưởng Thương mại Wang Shouwen làm trưởng đoàn.

Đây là cuộc đối thoại chính thức đầu tiên ở cấp thấp kể từ khi các cuộc thương lượng trước đó đã thất bại cách đây 2 tháng. Trung Quốc tuyên bố sẽ không chấp nhận các biện pháp đơn phương nhưng hoan nghênh đối thoại.

Hiện vẫn chưa chắc chắn vòng đàm phán sắp tới có thể mang lại kết quả gì, do Chính phủ Mỹ và Trung Quốc còn nhiều khác biệt trong những vấn đề quan trọng như thâm hụt thương mại, chính sách của Bắc Kinh với các công ty công nghệ Washington và tham vọng công nghiệp của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện nay.

Thông tin này đến sau hàng loạt diễn biến căng thẳng gần đây trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Cuộc chiến thương mại này nổ ra sau khi Mỹ - Trung không thể tìm được tiếng nói chung xung quanh một loạt mâu thuẫn thương mại, từ vấn đề bảo hộ trí tuệ, trợ giá công nghiệp, giới hạn hoạt động của công ty nước ngoài cho tới vấn đề thâm hụt thương mại.

Thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm qua luôn tăng qua từng năm được xem là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc chiến thương mại lần này. Mỹ muốn Trung Quốc đưa ra các động thái làm giảm bớt thâm hụt thương mại, nhưng Bắc Kinh không thể, hoặc không muốn làm điều này.

Gần nhất, ngày 15-8, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố không hài lòng với Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng tài khóa 2019 vừa được thông qua của Mỹ. Bộ thông báo sẽ xem xét toàn diện luật quốc phòng này vì luật có các biện pháp kiểm soát những hợp đồng của Chính phủ Mỹ ký với các công ty Trung Quốc và những động thái khác nhắm tới thương mại Trung Quốc.

Về cuộc chiến thuế quan, mới nhất, ngày 7-8, Mỹ thông báo nước này sẽ áp mức thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 23-8, hoàn tất gói thuế quan thứ nhất đánh lên 50 tỷ USD hàng Trung Quốc vốn đã đe dọa từ tháng 3. Ngay sau đó 1 ngày, Trung Quốc tuyên bố trả đũa bằng cách áp thuế tương tự 25% lên 16 tỷ USD hàng nhập từ Mỹ, cũng bắt đầu từ ngày 23-8.

Các vòng đàm phán trước đó giữa Trung Quốc và Mỹ đã không đạt được nhiều bước tiến, khiến cho một cuộc chiến tranh thương mại bùng nổ và khiến các doanh nghiệp của hai nước trở nên khốn đốn. Mỗi nước áp đặt mức thuế nặng nề đối với các mặt hàng của nhau và đe dọa sẽ có những biện pháp mạnh hơn.

Hiện vẫn chưa rõ hai bên mong đạt được điều gì, khi Chính phủ Trung Quốc và Mỹ đang có bất đồng sâu sắc về nhiều vấn đề, bao gồm sự mất cân bằng trong cán cân thương mại của hai nước, cũng như những ý định nhằm sở hữu trái phép các công nghệ Mỹ của Trung Quốc và chính sách công nghiệp đầy tham vọng của Bắc Kinh.

Ông Louis Kuijs, người đứng đầu bộ phận Châu Á của Công ty nghiên cứu Oxford Economics, cho biết việc Trung Quốc “sẵn sàng nhượng bộ vừa đủ để khiến Chính phủ Mỹ rút lui là khó có khả năng xảy ra”. Các cuộc đàm phán lần này cũng không phải là ở cấp độ cao như những lần gặp mặt trước đây, khi đó có sự tham gia của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin, Bộ trưởng Công thương Mỹ Wilbur Ross và Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He, một cố vấn kinh tế cấp cao của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Lần đàm phán cuối cùng giữa hai nước diễn ra vào đầu tháng 6 vừa qua, khi Bộ trưởng Ross đến Bắc Kinh. Tuy nhiên, cuộc gặp mặt này đã không thành công bởi chính quyền Trump trước đó vài ngày đã tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Anh Kiệt

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/my-trung-noi-lai-dam-phan-thuong-mai-507294/