Mỹ-Trung leo thang chiến tranh thương mại

Sau thời kỳ âm ỉ, xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bắt đầu bùng phát thành chiến tranh thương mại, với nhiều hệ lụy trầm trọng cho toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Một nhà máy sản xuất điện tử ở Thanh Đảo, Trung Quốc. Nhiều mặt hàng mà Trung Quốc và Mỹ xuất vào thị trường nhau sẽ bị áp thuế nặng. Ảnh: Reuters

Thứ Sáu tuần trước (15-6), Tổng thống Donald Trump công bố sẽ áp thuế 25% lên một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với trị giá khoảng 50 tỉ đô la Mỹ, có hiệu lực từ ngày 6-7-2018. Ngay lập tức, Bắc Kinh tuyên bố trả đũa bằng cách tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, cũng trị giá 50 tỉ đô la, chủ yếu là nông sản từ các tiểu bang ủng hộ ông Trump. Phẫn nộ với hành động đáp trả, tối thứ Hai 18-6, ông Trump tuyên bố sẽ đánh thuế 10% thêm nhiều sản phẩm khác của Trung Quốc, với tổng trị giá lên tới 200 tỉ đô la. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng ngay lập tức ra tuyên bố cho rằng động thái của Mỹ là “hăm dọa tống tiền” (blackmail) và dọa trả đũa mạnh.

Giới quan sát dự báo, nếu đà “ăn miếng trả miếng” bằng thuế quan này kéo dài, chẳng bao lâu nữa, tất cả các mặt hàng mà Trung Quốc và Mỹ xuất vào thị trường của nhau đều bị áp thuế nặng. Năm 2017, Trung Quốc bán sang Mỹ 505 tỉ đô la hàng hóa, trong khi Mỹ bán cho Trung Quốc được 129 tỉ đô la, bị thâm hụt khoảng 375 tỉ đô la. Phản đối cung cách thương mại của Trung Quốc là một chủ đề xuyên suốt chương trình hành động của ông Trump, từ hồi ông còn là ứng cử viên. Một trong những ưu tiên của ông là buộc Trung Quốc thu hẹp khoảng cách thương mại, thay đổi chính sách công nghiệp để có sự cạnh tranh bình đẳng hơn.

Không đợi tới ông Trump người ta mới nhận ra cung cách làm ăn “lợi mình, hại người” của Trung Quốc và những thiệt hại mà nó gây ra cho tất cả các nền kinh tế khác. Theo con đường tư bản nhà nước, Bắc Kinh từ lâu đã dùng quyền lực và tài nguyên quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa đẩy mạnh xuất khẩu chiếm lĩnh thị trường và nay thì họ chuyển sang giai đoạn mới: tranh giành công nghệ để xây dựng những doanh nghiệp hàng đầu thế giới ở 10 lĩnh vực công nghệ cao trong chiến lược gọi là Chế tạo tại Trung Quốc 2025 (Made in China 2025). Chiến lược này buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao cho doanh nghiệp Trung Quốc bí quyết công nghệ, bí mật kinh doanh để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường - nếu được thực hiện rốt ráo thì chẳng bao lâu nữa không chỉ Mỹ mà các nền kinh tế phát triển khác như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc... mất ưu thế công nghệ so với doanh nghiệp Trung Quốc đồng thời cả nền kinh tế và an ninh quốc gia bị đe dọa. Chính vì thế, ngoài tăng thuế nhập khẩu, Mỹ còn quyết định giới hạn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, kiểm soát chặt các vụ mua bán công ty mà người mua là Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Các Chính phủ Mỹ trước đây và chính phủ các nước châu Âu, Nhật Bản... từ lâu đã bất mãn với thủ đoạn của Bắc Kinh nhưng chưa ai công khai đối đầu với Trung Quốc một phần vì lợi nhuận mà thị trường này đem lại cho doanh nghiệp của họ, một phần vì lo ngại biện pháp trả đũa của Trung Quốc. Việc kích hoạt “chiến tranh thương mại Mỹ-Trung” của ông Trump, do vậy, gặp không ít sự phản đối nhưng phần lớn các chính phủ đều giữ thái độ “tọa sơn quan hổ đấu”, có thể họ ngấm ngầm tán thành ông Trump và kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ sự thay đổi của Trung Quốc dưới áp lực của Mỹ.

Huỳnh Hoa

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/274083/my-trung-leo-thang-chien-tranh-thuong-mai-.html